Theo trang tin Bloomberg, kết quả kinh doanh vượt trội trong quý đầu tiên của 2 ông lớn hàng xa xỉ đã dập tắt những lo ngại trong lòng nhà đầu tư, rằng giới nhà giàu Trung Quốc sau khi trải qua đại dịch đã hết hứng thú với các mặt hàng đắt tiền.
Tuy vậy, giới đầu tư vẫn đang chờ đón báo cáo kinh doanh của các công ty còn lại trong ngành để chắc chắn hơn về suy đoán của mình.
|
LVMH và Hermes tăng trưởng mạnh nhờ thị trường Trung Quốc. Ảnh: First Classe.
|
Nói về điều này, bà Zuzanna Pusz - nhà phân tích tại UBS Group AG - cho biết: “Những công ty lớn như LVMH và Hermes có kết quả kinh doanh rất tốt, tuy nhiên, chúng tôi dự đoán rằng sẽ có sự phân cực mạnh giữa họ với các hãng ở phân khúc thấp hơn vì người tiêu dùng Trung Quốc nổi tiếng kén chọn và thích những thương hiệu lớn".
Theo bà, đây cũng là lý do khiến các hãng lớn có nhiều quyền lực hơn và tăng giá nhanh hơn.
Sau khi báo cáo kết quả kinh doanh vượt trội được công bố, cổ phiếu LVMH đã nhảy vọt gần 6% và chạm đỉnh mới ở mức 892,8 euro, khiến công ty này lọt top 10 công ty có giá trị nhất thế giới. Cùng lúc đó, tài sản của ông chủ LVMH Bernard Arnault cũng vượt mốc 210 tỷ USD - trở thành người thứ 3 trên thế giới đạt được con số này.
Được biết, "con gà đẻ trứng vàng" Louis Vuitton của LVMH đã vượt mốc doanh thu 20 tỷ euro (22 tỷ USD) vào năm ngoái, và hãng thời trang này gần đây còn nhận được nhiều sự chú ý hơn khi bổ nhiệm nhạc sĩ ngôi sao Pharrell Williams làm nhà thiết kế chính cho trang phục nam.
Không chịu thua kém, doanh số quý đầu của Hermes International cũng cho thấy toàn bộ danh mục sản phẩm trên mọi khu vực đều tăng trưởng trên 10%.
Theo bà Pusz, “Hermes sẽ luôn có lợi hơn nền kinh tế” vì nhu cầu cho những chiếc túi Kelly và Birkin của hãng này luôn vượt quá cung. Gần đây, giá trị vốn hóa thị trường của Hermes cũng đã vượt mốc 200 tỷ USD lần đầu.
Đối với bà, đây là 2 cái tên hàng đầu trong ngành hàng xa xỉ. Còn lại một số thương hiệu khác như Salvatore Ferragamo, Burberry hay Swatch... sẽ được xếp vào nhóm kém hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng Trung Quốc.
Đặc biệt, Gucci của Kering đang phải trải qua quá trình chuyển đối sau khi bổ nhiệm một nhà thiết kế tương đối ít tên tuổi làm nhà thiết kế chính. Còn lại các thương hiệu cùng nhà như Saint Laurent và Balenciaga dự kiến báo cáo doanh thu quý I vào ngày 25/4 sắp tới.
Theo ông Jonathan Siboni - nhà sáng lập một công ty dữ liệu tại Pháp - vào thời điểm trước đại dịch, người tiêu dùng Trung Quốc đã từng chiếm tới 35% tổng chi tiêu cho hàng xa xỉ trên toàn thế giới. Dù con số này hiện nay không được như trước nhưng "nó sẽ tiếp tục tăng tốc và bùng nổ hơn trong tương lai".
Tuy nhiên, ông Siboni cũng cảnh báo rằng xu hướng đi du lịch trải nghiệm tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hiện rất phát triển, và đây có thể là "đối thủ cạnh tranh chính của những chiếc túi xách hàng hiệu trong tương lai".