Một sinh viên đại học ở Nam Xương, thuộc tỉnh Giang Tây phía đông nam Trung Quốc, đã vay 2.000 tệ (281 USD) từ một người cho vay nặng lãi vào năm 2016. Anh cần trả lại khoản tiền đã vay một bạn cùng lớp để đầu tư chứng khoán.
Nhưng sau khi thua lỗ, sinh viên này, đã được CCTV đổi tên là Xiaosheng trong bản tin 2018, phải vay thêm tiền. Chưa đầy hai năm sau, anh đã vay tiền hơn 90 người cho vay nặng lãi, một số người lấy lãi suất lên đến 2.000% một năm. Khối nợ của Xiaosheng lên tới 300.000 tệ (42.238 USD).
Gánh nặng này không chỉ làm khổ Xiaosheng, mà cả cha mẹ anh. “Tôi nhận được 20-30 cuộc gọi mỗi ngày, đòi tiền”, CCTV dẫn lời cha của Xiaosheng. “Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhận tin nhắn chửi rủa và các hình ảnh phản cảm”.
|
Những kẻ cho vay trái phép tiếp cận nạn nhân qua các nền tảng mạng xã hội. Ảnh: Weibo.
|
“Tôi muốn giúp con trai tôi trả nợ, nhưng tôi từ chối trả các khoản trái pháp luật, mà luật Trung Quốc không cho phép”, cha của Xiaosheng nói.
Câu chuyện của Xiaosheng cho thấy việc cho vay lãi nặng, nhắm vào nạn nhân là các sinh viên đại học của Trung Quốc, là một vấn nạn phức tạp. Cho dù từ năm 2016, truyền thông Trung Quốc đã thông tin về việc những kẻ cho vay đòi các nữ sinh đại học phải gửi ảnh nude làm thế chấp, và một số cơ quan của Trung Quốc đã vào cuộc, những vụ việc lạm dụng sinh viên vay lãi nặng vẫn tiếp diễn.
Bị trấn áp trên mạng, chuyển sang dán tờ rơi ở sân trường
Một bản tin 2018 của CCTV cho biết những kẻ cho vay nặng lãi vẫn hoạt động nhiều quanh các giảng đường. Bản tin nhắc đến Dtxindai, công ty cho vay tiêu dùng ở Thượng Hải, bị phát hiện cho sinh viên vay tiền thông qua các quảng cáo dán lên khắp nơi trong khuôn viên trường, lấy lãi suất hàng năm cao “ngất trời” ở mức 76%.
Một nhân viên của trường nói sau khi hoạt động cho vay online bị chú ý và trấn áp, công ty này lại chuyển sang dán quảng cáo bên trong trường.
Một công ty khác, Qingdao Chengyang District Zhonghui Micro Loan, tạo ra ứng dụng Yiqianbao để cho vay. Công ty này đòi 7.899 tệ (1.112 USD) cho khoản vay 5.000 tệ (704 USD) một năm trước đó, tương đương lãi suất khoảng 58%.
Theo luật Trung Quốc, các khoản vay có lãi suất hàng năm hơn 24% là vi phạm pháp luật, theo South China Morning Post.
Chính quyền Trung Quốc đã thắt chặt quản lý các công ty cho vay nhắm đến sinh viên đại học, sau khi công chúng phẫn nộ về việc giới trẻ trở thành nạn nhân của lãi suất cắt cổ.
Những vụ việc gây phẫn nộ bao gồm các nữ sinh bị buộc phải gửi ảnh khỏa thân - và phải giơ căn cước khi chụp - cho những chủ nợ để làm thế chấp. Một số ảnh đã bị đăng lên mạng. Một số nữ sinh bị cho là đã phải làm gái mại dâm sau khi không có tiền trả nợ, theo South China Morning Post.
Tự tử sau khi vay nặng lãi thế chấp bằng ảnh khỏa thân
Một vụ việc thương tâm xảy ra năm 2017 là sinh viên Xiong Xiaoting, sinh viên đại học ở Hạ Môn, thuộc tỉnh phía nam Phúc Kiến, cho thấy hình thức cho vay nặng lãi, đòi ảnh nude làm thế chấp này có thể gây ra sự tuyệt vọng cùng cực cho nạn nhân.
Không thể chịu nổi sức ép của 5 khoản nợ, tổng số tiền 570.000 tệ (82.772 USD), và thường xuyên bị những kẻ cho vay quấy nhiễu, Xiong đã chấm dứt cuộc đời mình ở một khách sạn cách xa Hạ Môn, vào ngày 11/4/2017. Xiong đã phải đi vay tiền online sau khi việc kinh doanh trên mạng xã hội của cô bị thua lỗ.
Đại học của Xiong đã ra cảnh báo về rủi ro của việc đi vay tiền và khuyên sinh viên không vay tiền online.
Những kẻ cho vay đã đe dọa sẽ gửi hoa tang lễ đến cha mẹ của Xiong và các giáo viên - Wei Na, bạn của Xiong, nói với China Youth Daily. “Đó là đòn giáng đối với Xiong”.
Cha của Xiong nói đã đưa tiền để Xiong trả nợ, nhưng sau đó mẹ cô vẫn nhận được ảnh khỏa thân của Xiong. Cô không nói rõ với cha mẹ là đã vay bao nhiêu, mà quyết định đi làm thêm ở một thành phố khác ngoài thời gian học để kiếm tiền trả nợ.
Theo Global Times, các nền tảng online và ứng dụng điện thoại cho sinh viên vay lãi suất cao thường thu hút các nạn nhân với quảng cáo như “không đòi thế chấp”, “không cần bảo đảm”, và “chuyển tiền ngay trong ngày”.
Một thông tư của Bộ Giáo dục Trung Quốc từ tháng 4/2016 nói rằng việc vào các trường đại học để quảng cáo cho vay không có giấy phép là phạm luật. Các chuyên gia tài chính nói việc các ngân hàng tránh thị trường sinh viên đã tạo điều kiện cho các chủ nợ online nở rộ.
Yi Xianrong, giám đốc một viện về quản lý tài chính tại Đai học Thanh Đảo, nói với Global Times, rằng thị trường cho vay online thiếu kiểm soát đã dẫn đến hành vi lợi dụng một số sinh viên vốn đang cần tiền và sẵn sàng đánh cược với danh dự cá nhân, như gửi ảnh nude.
Những người cho vay online đã chiếm lấy thị trường sinh viên sau khi các ngân hàng rút khỏi thị trường này từ năm 2010, Yin Zhichao, giám đốc Trường Tài chính tại Đại học Kinh tế Thương mại Thủ đô ở Bắc Kinh, nói với Global Times.
Các ngân hàng lo ngại tỷ lệ vỡ nợ cao khi cho các sinh viên vay tiền. Trong khi đó, cho vay online lại chỉ như cho vay giữa các cá nhân với nhau, có nghĩa không có rào cản đối với người vay tiền, còn lãi suất là do thỏa thuận.
Một số bên cho vay tính lãi suất lên tới 30-40%. Nhưng theo Tòa án Nhân dân Tối cao của Trung Quốc năm 2015, người vay tiền chỉ có trách nhiệm trả lãi nếu lãi suất không quá 24%. Người vay tiền có thể đồng ý lãi suất cao hơn, nhưng nếu cao hơn 36%, người vay có thể từ chối trả khoản lãi cao hơn mức trần.
Ủy ban Giám sát Ngân hàng của Trung Quốc từng kêu gọi các trường đại học dẹp tình trạng cho vay tràn lan, và các bên cho vay không nên cho vay tiền đối với người không có khả năng trả, hoặc người dưới 18. Bên cho vay cũng bị cấm quảng cáo một cách sai lệch.
“Rõ ràng là một số sinh viên cần tiền để trang trải học phí, đặc biệt các em đến từ các vùng nghèo”, Hu Jiye, giáo sư từ Đại học Luật và Chính trị Trung Quốc, nói với Global Times.
Ông nói chính phủ và ngân hàng có các chính sách hoàn thiện trong việc cho sinh viên vay tiền, và sinh viên không nên tiêu quá nhiều hay tự làm kinh doanh.