Tháng Giêng, người kinh doanh mâm đồ cúng tới tấp chốt đơn

Google News

Đầu năm, mọi người có nhu cầu đi lễ chùa cầu may rất đông, do vậy, với những người kinh doanh đồ cúng, tháng Giêng là lúc tập trung sắp lễ, tư vấn và chốt đơn.

Nguyễn Hiền (Bắc Giang) - chủ cửa hàng đồ cúng, hoa quả, bánh kẹo - nói tháng Giêng là tháng ăn chơi của không ít người nhưng với cô, đây là tháng làm mạnh nhất năm. 
Thang Gieng, nguoi kinh doanh mam do cung toi tap chot don
 
Theo chia sẻ của Hiền, tháng Giêng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội lớn. Ngoài ra, thời gian đầu năm, mọi người có nhu cầu đi lễ chùa cầu may rất đông. Do vậy, với những người kinh doanh đồ cúng, tháng Giêng là lúc tập trung sắp lễ, tư vấn khách hàng và chốt đơn.
"Doanh thu tháng Giêng bằng doanh thu cả quý, thậm chí nửa năm cộng lại", Hiền nói.
Nguyễn Hiền cho hay nhu cầu chủ yếu của khách hàng là những mâm bánh kẹo, hoa quả được xếp đẹp mắt để lễ chùa. Ngoài ra, nhiều người có nhu cầu làm những set nhỏ hơn để cúng ngày vía Thần tài, rằm tháng Giêng.
Tại cửa hàng của Hiền, trung bình giá một mâm hoa quả, bánh kẹo cúng có giá từ 300.000 đồng trở lên. Đa phần khách hàng xởi lởi, không mặc cả và muốn chọn thực phẩm chất lượng cao với tiêu chí đầu tiên là đẹp mắt.
So với việc bán lẻ hoa quả, bánh kẹo, việc bán theo set giúp Hiền có lãi suất tăng thêm 30% so với giá trị thực. Bởi lẽ phần nguyên liệu làm set khá rẻ, thường chỉ cần giỏ mây, tre đan, keo nến, nơ giấy và một vài bông hoa tươi để trang trí. Phần lãi suất gần như toàn bộ dành cho công của thợ xếp đặt, trang trí.
Nhật Linh (Hà Nội) kinh doanh đồ cúng online được 5 năm. Cô nói năm nào cũng vậy, tháng Chạp và tháng Giêng là khoảng thời gian bận rộn và lợi nhuận cao nhất. Trong năm, lượng khách rải rác và không đầu tư lớn như thời điểm này.
Do đó, Nhật Linh gần như không nghỉ Tết. Từ chiều mùng 1 Tết, cô đã nhận các đơn đặt hàng là những mâm quả cúng cho khách hàng có nhu cầu sử dụng đi lễ chùa cầu may.
Nói về thuận lợi, Nhật Linh cho rằng thuận lợi lớn nhất khi kinh doanh đồ cúng là khách hàng khá tin tưởng chủ cửa hàng, cho phép cô được tự do sáng tạo mâm quả cúng theo ngân sách thỏa thuận ban đầu. Ngoài ra, 90% khách hàng đặt là sẽ lấy, ít có tình trạng hủy đơn vì đây là sản phẩm có yếu tố tâm linh.
Tuy nhiên, cũng vì sản phẩm có yếu tố tâm linh nên khách hàng khá kỹ tính, cầu toàn, đòi hỏi đẹp cả về hình thức và nội dung. Ngoài ra, nhiều khách có nhu cầu mang đi lễ xa nên việc đóng gói, vận chuyển khá phức tạp. Đôi khi, mâm quả tại cửa hàng đẹp mắt nhưng sau vài giờ đồng hồ vận chuyển, hình thức không còn được như ban đầu.
Bên cạnh đó, công việc cung cấp mâm lễ đòi hỏi người thợ có kiến thức về phong thủy, đảm bảo đã kết hợp đúng các màu sắc loại quả mang lại may mắn cho gia chủ.
Vì kinh doanh xuyên Tết, Nhật Linh phải nhập sẵn hoa quả từ trước Tết. Việc này đi kèm khá nhiều rủi ro liên quan đến tủ chứa, cách bảo quản. Tất cả hoa quả lên mâm đòi hỏi phải tươi mới, đẹp mắt, chỉ cần có một vài vết xước nhỏ đều không dùng được.
Thang Gieng, nguoi kinh doanh mam do cung toi tap chot don-Hinh-2
 
Hạnh Mai - khách hàng quen thuộc của Nhật Linh - kể cô đã có thói quen đặt mâm quả cúng nhiều năm nay. Mai quan điểm rằng cả năm chỉ có vài lần đi lễ, cô muốn chuẩn bị những mâm quả, bánh đẹp mắt và chất lượng nhất với hy vọng mang lại may mắn cho cả năm.
Hạnh Mai nói cô thường yêu cầu các cửa hàng lên mâm theo ngân sách nhất định. Nếu các loại quả, bánh kẹo đạt chất lượng, Hạnh Mai thường ít khi mặc cả. Tuy nhiên, vì là sản phẩm có yếu tố tâm linh, Mai thường chỉ tin tưởng đặt tại các cửa hàng quen từ trước. Cô không có ý định thử tay nghề của các thợ mới vì không muốn mất thời gian và lo lắng sản phẩm không đúng ý.
Do vậy, theo Hạnh Mai, lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm đồ cúng tương đối khó cạnh tranh vì khách hàng thường theo những cửa hàng quen từ trước. Việc tìm kiếm khách hàng mới đòi hỏi thời gian, khi cửa hàng "chinh phục" được khách hàng qua những phản hồi của khách hàng cũ và các sản phẩm thực sự đạt chất lượng cả về hình thức và nội dung.
Theo Trúc Ly/Dân trí

>> xem thêm

Bình luận(0)