Tăng phí bảo vệ môi trường với xăng dầu: Nên hỏi cả người dân

Google News

“Tôi đề nghị cần hết sức thận trọng, nếu có tăng thì phải thấp hơn 4.000 đồng/lít xăng và cần có giải trình rõ ràng là phí đó sẽ được dùng như thế nào chứ không phải lấy danh nghĩa là phí bảo vệ môi trường để dùng vào những việc khác”, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) nói.

Liên quan tới Dự thảo Nghị quyết lấy ý kiến đề nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu lên mức “kịch khung” 4.000 đồng/lít, mới đây, Bộ Tài chính đã có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương cho dự án.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết đã nhận được 60 ý kiến tham gia, trong đó có 14 ý kiến của các bộ, ngành; 42 ý kiến của các địa phương; 4 ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức khác. Trong đó, 40/60 ý kiến phản hồi đã “nhất trí hoàn toàn” việc tăng thuế lên 4.000 đồng/lít xăng.
 Bộ Tài chính cho rằng phần lớn ý kiến được khảo sát đồng tình với việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu - Ảnh: Nhà Quản Trị
"Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí với nội dung của dự thảo Nghị quyết, với 40/60 ý kiến nhất trí hoàn toàn”, Bộ Tài chính khẳng định.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, những ý kiến đồng ý với Bộ Tài chính về tăng thuế môi trường đối với xăng dầu chỉ là các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp… mà không phải là người dân, trong khi đây là đối tượng chịu ảnh hưởng chính.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về việc này, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Tôi không đồng ý với việc tăng phí môi trường 4.000 đồng/ lít xăng”.
Ông Lưu Bích Hồ cho rằng, việc giá xăng sẽ tăng lên làm cho chi phí sản xuất, giá thành các sản phẩm của Việt Nam sẽ tăng cao, làm cho các hàng hóa Việt Nam bị giảm sức cạnh tranh.
“Hiện nay hàng của Thái Lan và nhiều nước đã tràn vào Việt Nam với thuế suất 0% cho nên việc cạnh tranh đã rất khó khăn. Nếu bây giờ lại tăng thêm thuế như thế này nữa thì hàng hóa Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh”, ông Lưu Bích Hồ lý giải.
Cũng theo ông Lưu Bích Hồ, thuế xăng dầu, phí môi trường xăng dầu tăng sẽ làm cho chi phí vận tải tăng lên. “Mớ rau, quả trứng và tất cả các hàng hóa sẽ tăng lên và cuối cùng đánh vào người tiêu dùng mà người nghèo sẽ là người chịu thiệt nhất”, ông Lưu Bích Hồ nói.
Bên cạnh đó, ông Lưu Bích Hồ cho rằng, việc tăng mạnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ tác động lớn đến nền kinh tế cũng như cuộc sống của người dân. Việc tăng giá thành sản phẩm do yếu tố vận tải xuất phát từ việc tăng phí bảo vệ môi trường đối với xăng sẽ khiến Việt Nam không thể cạnh tranh, dẫn tới mất thị phần.
“Không bán được hàng thì sẽ không tạo được công ăn việc làm cho người dân, đồng nghĩa với việc không có gì thu thuế nữa”, ông Lưu Bich Hồ nêu.
“Tôi đề nghị cần hết sức thận trọng và nếu có tăng thì phải thấp hơn 4.000 đồng/lít xăng. Và nên có giải trình rõ ràng là phí đó sẽ được dùng như thế nào để bảo vệ môi trường chứ không phải lấy danh nghĩa là phí bảo vệ môi trường để dùng vào những việc khác”, ông Hồ quả quyết.
Ông Lưu Bích Hồ cũng đề nghị, Bộ Tài chính nên hỏi công khai người dân qua Internet, báo mạng để người dân được phát biểu ý kiến của mình.
Đặc biệt, trong việc giải trình rõ số tiền thu - chi của sắc thuế bảo vệ môi trường, chuyên gia này cho rằng đây là điều rất cần. “Vì tất cả đều là tiền thuế của dân nên cần phải giải trình rõ ràng rằng là thu được bao nhiêu và chi vào những mục đích gì và chi vào bảo vệ môi trường là bao nhiêu. Còn chi vào những việc khác là bao nhiêu”, ông Lưu Bích Hồ khẳng định.
Trước đó, Bộ Tài chính gửi lấy ý kiến đề nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng sẽ tăng kịch khung lên 4.000 đồng/lít, dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần khung 2.000 đồng/lít.
Thuế bảo vệ môi trường đối với mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần trong khung 2.000 đồng/kg. Nhiên liệu bay, dầu hỏa để nguyên như hiện hành là 3.000 đồng/lít đối với nhiên liệu bay (mức trần trong khung thuế) và 300 đồng/lít đối với dầu hỏa (mức sàn trong khung thuế).
Bộ Tài chính lập luận, việc đề xuất điều chỉnh mức thuế đối với từng hàng hóa là đảm bảo trong khung mức thuế bảo vệ môi trường và phù hợp với các nguyên tắc quy định mức thuế bảo vệ môi trường.
Cơ quan này cũng cho rằng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường (như xăng dầu sinh học - xăng E5, E10, dầu diesel B5, B10, túi ni lông thân thiện với môi trường).
Cũng liên quan đến loại thuế này, có ý kiến cho rằng Bộ Tài chính cần phải công khai số tiền thu - chi từ thuế bảo vệ môi trường.
Giải đáp vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, tất cả nguồn thu từ thuế, trong đó có thuế bảo vệ môi trường đều tập trung vào ngân sách nhà nước và được phân bổ chi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo dự toán Quốc hội quyết định hàng năm, trong đó có thực hiện nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường.
Theo Bộ này, nhiều năm nay, chi ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường luôn cao hơn số thuế bảo vệ môi trường thu được.
Tổng chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016 (chưa tính chi các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi dự phòng của ngân sách địa phương cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường và các khoản vay, viện trợ chi trực tiếp cho dự án về bảo vệ môi trường không đưa vào ngân sách nhà nước) khoảng 131.857 tỉ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỉ đồng/năm, cao hơn số thu thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016 (bình quân khoảng 21.197 tỉ đồng/năm).
Theo Trịnh Giang/motthegioi

>> xem thêm

Bình luận(0)