Tiếp tục tăng lương để bù trượt giá
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa gửi báo cáo đến Quốc hội trước kỳ họp thứ 6, trong đó cho biết Ban cán sự đảng Chính phủ đã báo cáo Trung ương, Quốc hội về kết quả và lộ trình cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong doanh nghiệp.
Bộ đề xuất lộ trình cải cách tiền lương từ 1/7/2024 với 6 nội dung gồm xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập. Sau năm 2024, lương tiếp tục tăng đến khi mức lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn lương thấp nhất vùng 1 (vùng cao nhất trong 4 vùng lương tối thiểu). Hiện lương tối thiểu vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng.
Căn cứ kết luận của cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách tiền lương, Ban cán sự đảng Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị xem xét các nội dung của chế độ tiền lương mới. Sau đó, các cơ quan sẽ ban hành quy định cụ thể chế độ tiền lương mới với các nhóm thuộc diện quản lý.
Lộ trình thực hiện cải cách tiền lương mới là một trong những nội dung được Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đưa ra thảo luận vào tuần qua. Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Trung ương Đảng xem xét, thảo luận về sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.
Về quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương, Chính phủ chia sẻ, hiện Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng khung NSNN năm 2024, kế hoạch 3 năm 2024-2026, trong đó có đề xuất về lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
|
Tăng lương liệu có bù được trượt giá? |
Tăng lương có gây ra lạm phát?
Tại cuộc họp cử tri diễn ra hồi tháng 4/2023, diễn ra trước thời điểm mức lương cơ sở đối với người hưởng lương từ ngân sách sẽ tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% (1/7/2023), liên quan đến thắc mắc của nhiều cử tri về việc in thêm tiền để tăng lương sẽ là nguyên nhân gây ra lạm phát, Bộ Tài Chính đã lý giải nguồn lực để triển khai tăng lương cơ sở được lấy từ nguồn tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi hằng năm. Như vậy, nguồn chi trả cho việc tăng lương không đến trực tiếp từ việc “in tiền” - tăng cung tiền, nên trên danh nghĩa, việc tăng lương sẽ không làm tăng áp lực lạm phát ở Việt Nam.
Theo đó, Ngân sách đã tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong ba năm tới (2024 - 2026). Khi áp dụng chính sách tiền lương mới từ giữa năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được trả lương theo vị trí việc làm, thay mức lương cào bằng hiện nay.
Theo Bộ Nội vụ, có 861 vị trí việc làm cán bộ, công chức, trong đó nhóm lãnh đạo, quản lý có 137 vị trí; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên ngành 665 vị trí; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung 37 vị trí; nhóm hỗ trợ, phục vụ 22 vị trí. Đến nay, 16/20 bộ ngành ban hành vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành.
Liên quan đến lo ngại về lạm phát, theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh, năm 2023 có nhiều yếu tố giúp kiểm soát lạm phát, như nền kinh tế Việt Nam đã thích ứng với tình hình mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh mẽ. Sản xuất, kinh doanh tăng, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ dồi dào khiến CPI khó có thể tăng mạnh. Bên cạnh đó, sau thời gian tăng lãi suất, nhiều ngân hàng thương mại đã giảm cả lãi suất huy động lẫn cho vay. Lãi suất giảm, giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản xuất, thì sẽ giảm được giá bán sản phẩm. Cùng đó, việc Bộ Tài chính quyết định tiếp tục thực hiện các chính sách giãn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí năm 2023 áp dụng như năm 2022, góp phần rất lớn làm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, mức tăng 20,8% là tương đối lớn so với tốc độ tăng CPI 3 năm qua và cả dự tính năm 2023. Tuy nhiên, tăng 20,8% trên nền tảng mức lương thấp nên đời sống lao động khu vực công có được cải thiện song không nhiều. Lộ trình tăng lương cần đặt mục tiêu trong 5 năm tới đưa mặt bằng tiền lương thực tế của người lao động khu vực công bằng mức thu nhập trung bình cao ở khu vực đô thị. Lộ trình tăng lương cần gắn với cải cách hành chính, giảm mạnh số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.