Mỗi cm bạc triệu
Tôi cùng anh Đỗ Văn Dũng - Chủ tịch xã Phụng Công (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) theo chân chị Lê Thị Thu Yến vào khu vườn ở thôn Khúc. Bỏ qua vô số giò hoa lan cỡ khủng đang bung hoa, khoe sắc, ngát hương chị dẫn chúng tôi tới bên chậu lan chỉ có 4 nhánh, mỗi nhánh nhỏ như những cái… cẳng gà và bảo: “Đây là giò lan đắt nhất của tôi, khoảng 150 triệu. Đó là nó mới bị gãy một nhánh chứ không còn có giá hơn thế nhiều!”.
Anh Dũng nghe mà giật thót mình và cười bảo: “Nếu cô không giới thiệu giá nó như thế thì có cho tôi cũng ăn mắng ấy chứ”.
|
Chị Yến bên giò giả hạc Phú Thọ đột biến |
Chị Yến là nhà vườn chuyên sưu tầm những loại lan rừng độc đáo để nhân nuôi. Cách đây hơn 3 năm tình cờ có một người ở Phú Thọ giới thiệu một nhánh lan đột biến có tên là giả hạc Phú Thọ dài chỉ cỡ 3 đốt ngón tay mà thét giá tới 10 triệu đồng nhưng vì tò mò chị cũng mua. Nuôi được 1 năm khi cây lan dài hơn 10 cm chị mới cắt hai đốt một rồi đem ươm để đến nay có 1 giò đột biến mẹ với 4 nhánh đã bị gãy 1 nhánh như trên đã kể và 3 giò đột biến con, mỗi giò chỉ dài hơn 1 ngón tay.
Giả hạc thường có thân, lá dài, cánh hoa thuôn dài, nhụy hơi “nhòe” màu nhưng giả hạc đột biến lại có thân đốt ngắn, lá bầu, cánh hoa gọn, vuông góc như cánh chim đang giang rộng, nhụy hoa sắc và “nét”, ngát hương và thời gian chơi kéo dài tới 2 tháng. Những đặc điểm độc đáo đó khiến cho khách nào muốn mua, chủ vườn cứ việc đo độ dài của nhánh lan mà tính tiền. Mỗi cen ti mét là 1,5 - 2 triệu đồng.
Giò lan 4 thân của chị Yến tổng chiều dài cỡ 1 m nên có giá khoảng 150 triệu đồng. Mẩu thân gãy ra của nó chị Yến cũng không để hoài phí, đem thái lát ra cứ 3 cm lại ươm thành 1 ki (1 mầm) để bán với giá 3 triệu nên 5 - 6 ki cũng được 15 - 17 triệu. Hai vườn lan rừng rộng tới 3.600m2 với hàng ngàn giò của chị Yến có giá trị khoảng 10 tỉ đồng nhưng chỉ có mấy giò lan quý gồm giả hạc Phú Thọ đột biến và cáo trắng đã có giá lên tới 500 triệu rồi.
|
Cây lan quý mỗi đốt giá đến vài triệu đồng. |
Phụng Công có lẽ là xã có diện tích đất nông nghiệp ít nhất (vì đã mất quá nhiều cho khu đô thị Ecopark) nhưng doanh thu lại cao nhất tỉnh Hưng Yên, thậm chí cả miền Bắc nhờ nghề trồng hoa. Xin đưa ra một vài con số dẫn chứng, xã có 1.378 hộ trồng hoa, cây cảnh với diện tích gần 100 ha, tổng lợi nhuận đạt 80 - 120 tỉ/năm, lợi nhuận trên mỗi ha 1 - 1,5 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người 62 triệu/người/năm…
Đó vẫn là con số khiêm tốn bởi người Phụng Công không muốn phô trương, nếu tính đúng, tính đủ phải ngót 100 triệu/người/năm. Trong những ngày giáp Tết này, xóm trên xóm dưới đều tưng bừng chuẩn bị cho lễ đón bằng công nhận làng nghề hoa, cây cảnh, điều mà những nghệ nhân tiền bối trước đây cũng không ngờ rằng một ngày nghề của làng mình lại được vinh danh như vậy.
Đếm lá tính tiền
Cách đây mấy chục năm, trong lúc đi đóng cối xay lúa ở thị xã Hà Đông tỉnh Hà Tây cũ, bố của ông Nguyễn Văn Giang - người thôn Đại có sưu tầm được một loại lan quý hiếm tên là Bát Bảo Tiên - một dạng đột biến của Tam Bảo Sắc với 8 đặc điểm quý hiếm. “Nhất hương, nhì sắc, tam thân, tứ lá” là câu cửa miệng của giới chơi lan thì nó đều hội tụ đủ cả và điểm đặc biệt nhất là nhánh hoa, cuống hoa vuông góc với trục phát hoa.
|
Ông Hải bên giò Bát Bảo Tiên. |
Nhưng thời đó khi những cái bụng lép kẹp còn sôi lên ùng ục vì đói thì hương của hoa lan không thể át được hương của nồi ngô bung hay xoong sắn luộc. Quãng năm 1991, ông Giang có đem cho người cháu họ của mình là Nguyễn Việt Hải 1 nhánh Bát Bảo Tiên nhưng anh này cũng chẳng để ý gì mà chỉ treo nó dưới dàn che của cây trà (Phụng Công là cái nôi của hoa trà). Cụm lan âm thầm lớn, 3 - 4 năm sau thì bắt đầu khai hoa. Hội làng 8 - 10 tháng 4 âm lịch cũng đúng vào mùa lan nở nên ông Hải mang ra trưng bày cùng nhiều giống lan khác của Phụng Công. Ai mà ngờ được, phút chốc Bát Bảo Tiên đoạt ngay vương miện “hoa hậu”, tiếng nổi như cồn, khách thập phương dập dìu tìm đến.
“Chơi lan cổ truyền cũng giống như nuôi lợn nái, càng chăm càng có giá chứ không thiệt đi đâu cả. Một ngày công ở Phụng Công 1 triệu là cũng không phải là chuyện hiếm”.
Năm 1996 đã có người trả giá cụm lan tới 1.000 USD tương đương 1 mảnh đất vàng ở mặt đường liên xã nhưng cũng không mua được cái gật đầu của ông Hải. Vị khách này bèn tìm đến nhà ông Giang ngã giá cây cau tới… 1.000 USD, đòi chặt cả thân mang về bởi đơn giản trên đó đang có chùm lan Bát Bảo Tiên đeo bám nhưng cũng bị chối từ.
Khi cụm lan nhà ông Hải phát triển đến hơn 30 ngọn thì sự hâm mộ của dân chơi đã lên tới cực đỉnh. Người ta đua nhau lùng mua khiến cho ông phải tách nhỏ giò lan ra để bán theo từng ngọn. Cứ đếm lá ăn tiền, ngọn có bao nhiêu lá thì bấy nhiêu tiền, lúc đầu là 30.000 đồng/lá rồi chỉ một thời gian ngắn vọt lên 600.000 - 700.000 đồng/lá.
Hơn 20 năm sau khi “đăng quang”, cơn sốt Bát Bảo Tiên vẫn chưa bao giờ hạ nhiệt. Ngọn lan kỷ lục nhất mà ông Hải bán được là 15 triệu còn giò lan có 2 ngọn mới đây bán được 23 triệu. Vị khách sau khi mua được đã hoan hỉ lấy giấy mềm tỉ mẩn cuốn từng cái rễ một cho khỏi gãy.
|
Những giò lan mới ươm. |
“Đếm lá ăn tiền” như vậy nhưng ông Hải bảo Bát Bảo Tiên cũng chỉ là một thứ làm thương hiệu cho nhà vườn còn làm kinh tế thì phải cậy nhờ các cây khác, đơn giản bởi lẽ giống lan này “đẻ” quá chậm, năm được 2 - 3 ngọn nhưng cũng có năm không được ngọn nào. Ngót 30 năm chăm sóc ông chỉ bán được 40 ngọn còn lại trong vườn 20 ngọn, tức tổng cộng được có 60 ngọn, trung bình ra được mỗi năm 2 ngọn.
Cũng bởi đẻ chậm như thế nên trong làng chỉ 5 - 6 nhà có Bát Bảo Tiên gồm Nguyễn Việt Hải, Lê Minh Tuấn, Nguyễn Văn Giang, Chử Văn Nam... Tuy phân nhánh năm có năm không nhưng mùa hoa thì không khi nào lỗi hẹn với dịp hội làng.
Ông Hải yêu lan đến mức hễ thấy cây bị nấm là dùng nước vôi trong để lau từng chiếc lá một. Đầu rễ lan có vị ngọt khiến lũ xén tóc, cuốn chiếu thích tìm tới ăn ông cũng tỉ mẩn bắt từng con một: “Khác với đa số các loài lan khác Bát Bảo Tiên hễ trồng dưới bóng cây là thân dài, hoa nhạt màu. Hễ tưới phân hay phun thuốc kích thích là lá mỏng, hoa mỏng, nhanh phai sắc, ít hương thơm”. Hương thơm của Bát Bảo Tiên chỉ thoang thoảng như hư, như thực, nương vào cơn gió để tán mùi nên ngửi thấy đấy nhưng có thể loanh quanh cả buổi trong vườn tìm mãi mà không biết phát ra từ đâu.
Xưa, người ta chơi lan, thưởng lan nhưng giờ là kinh tế hết nên ít còn cái tình.
Ông Nguyễn Đức Ngải - Chủ nhiệm CLB hoa lan Phụng Công tự hào bảo những giống lan quý của làng mình kể mỏi mồm cũng chưa hết như Đại Thanh, Đại Ngọc, Đại Hoàng Điểm, Thanh Ngọc, Hoàng Vũ, Thanh Trường, Tiểu Kiều… Trong đó Bát Bảo Tiên vẫn là độc đáo nhất: “Nhiều hội chơi hoa lan ở những địa phương khác muốn vượt trội Bát Bảo Tiên liền đặt tên các giống hoa mới của mình là Cửu Bảo Tiên hay Thập Bảo Tiên nhưng cũng chỉ là cái danh suông bởi cánh hoa mỏng chứ không dày, trục phát hoa xuôi chứ không vuông góc, màu sắc, hương thơm hoa không thể cạnh tranh được”.
Còn về loại hoa lan đột biến thì ông Chủ nhiệm thông tin: “Giả hạc chính là phi điệp, ở Văn Giang có dòng Ám Cổ Văn Giang rất nổi tiếng, trước tôi có một giò đột biến của loài này, bạn bè đặt tên vui là Gái Nhảy. Nó có 5 cánh trắng nhưng năm này, người này chăm thì có thêm màu ám khói, còn năm nọ, người nọ nuôi lại không có. Thủa trước tôi từng cho nhiều bạn bè một vài nhánh Gái Nhảy nhưng về sau thì bán. Cứ đo chiều dài của thân, mỗi cm là 150.000 - 200.000 đ nên có giò 3-4 thân bán tới 60 triệu đồng.
Đầu năm 2018 anh Lưu Văn Việt hội viên của chúng tôi vừa bán một giò giả hạc Phú Thọ đột biến hơn 10 nhánh với giá 340 triệu. Người mua ở tận miền Nam, phải thuê hàn một cái lồng sắt cỡ lớn để chở lan về bằng máy bay cho cây khỏi suy giảm sức sống. Thế nhưng giá của giò lan này chưa bằng một góc nhỏ của giò lan giả hạc đột biến 5 cánh trắng mà CLB hoa lan đột biến sông Hàn (Đà Nẵng) đã mua từ CLB người yêu lan La Gi (Ninh Thuận) với số tiền 6,8 tỉ đồng: “Thứ mà thiên hạ không có mà mình có thì luôn độc và đắt. Lan đột biến của rừng núi mới quý chứ lan đột biến từ phòng thí nghiệm thì lại rất bình thường”.