Làn sóng thời trang second-hand (mua đi bán lại sản phẩm may mặc đã qua sở hữu) liên tục khẳng định sức hút khoảng một thập niên qua, đặc biệt giữa giai đoạn đại dịch. Tiêu chí bền vững, thân thiện cho môi trường đi cùng định hướng hoạt động đúng cách đang giúp nhiều đơn vị kinh doanh quần áo cũ tạo ra dấu ấn mới tích cực.
Theo thống kê từ tạp chí WWD, hiện có hơn 50 công ty thời trang quốc tế đang đầu tư thường trực vào thị trường đồ cũ. Góp mặt khá đông đảo trong số này là những tập đoàn bán lẻ, nhà mốt lớn như Burberry, Louis Vuitton, Levi’s, Nordstrom, Gucci, GAP và H&M.
|
Khảo sát thị trường mới nhất của ThredUP cho thấy phần đông khách hàng trẻ tuổi không ngại chọn các sản phẩm thời trang second-hand, đặc biệt nhờ nhiều ưu đãi về giá - Ảnh: Vestiaire Collective |
Gần đây, cú hích giúp các sản phẩm second-hand trở nên đáng chú ý đến từ Polarn O. Pyret, thương hiệu quần áo trẻ em được yêu thích tại Thụy Điển. Năm 2014, hãng triển khai dự án hợp tác cùng ThredUP, trang web bán lẻ hàng may mặc second-hand nay đã nổi danh toàn cầu. Không lâu sau Polarn O. Pyret, H&M đưa vào hoạt động Sellpy, diễn đàn điện tử chuyên bán quần áo cũ. Ý tưởng thu mua, sửa chữa và bán lại trang phục, giày dép, phụ kiện bắt đầu được nhân rộng tại thị trường Âu Mỹ.
Lựa chọn đa dạng
Các đối tác chuyên doanh mặt hàng second-hand như ThredUP, Fashionphile, Goodfair hút khách nhờ khả năng cung ứng đa dạng dịch vụ, đề cao tiêu chí tiện lợi, nhanh gọn. Thông qua kênh bán lẻ trực tuyến, bạn có thể thuê hoặc mua một thiết kế tồn tại kho của nhà sản xuất, trao đổi đồ cũ giá trị tương đương với người cùng sở thích hoặc chọn mua số lượng nhiều qua hình thức “gói sản phẩm tổng hợp” từ các nhãn hiệu khác nhau.
|
Công ty Kept Sku đang hoạt động tại Mỹ bày bán các gói sản phẩm quần áo, phụ kiện tồn đọng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng từ nhiều thương hiệu uy tín - Ảnh: Kept Sku |
Dấu ấn đa dạng không chỉ nằm ở trải nghiệm tiêu dùng. Trào lưu bán hàng second-hand đồng thời phản ánh thông điệp “đa dạng hóa giải pháp bảo vệ môi trường, chống lãng phí” trong ngành may mặc. Minh chứng như hệ thống kinh doanh của ThredUP, vốn được xây dựng từ phương châm: “Liên kết để tạo thêm nhiều kênh cung ứng, mang thêm lợi ích cho khách hàng lẫn doanh nghiệp”.
Với các nhà mốt, thời trang second-hand đồng thời giúp củng cố cũng như phát triển quan hệ khách hàng. Mở dịch vụ thu mua - bán lại quần áo cũ có tên SecondHand vào cuối năm ngoái, hãng jeans Levi’s mong muốn kết nối với nhóm khách hàng truyền thống lẫn thu hút thêm người mua trẻ tuổi. “Nhiều người tiêu dùng yêu thích trải nghiệm “săn” đồ cũ, kể cả giới trẻ. Họ thấy thích thú khi tìm ra những thiết kế jeans cổ điển độc đáo từ thập niên 1980, 1990”, Jennifer Sey - Trưởng phòng marketing của Levi’s - nhận định.
Giải pháp bền vững và thức thời
Năm 2019, thương hiệu thời trang nữ chuyên về trang phục công sở M.M.LaFleur (trụ sở tại New York, Mỹ) cũng từng xây dựng thành công chiến dịch bán hàng second-hand. Nữ doanh nhân gốc Á Sarah Miyazawa LaFleur, Giám đốc sáng lập hãng, chia sẻ: “Cảm hứng lớn cho dự án đến từ nhà thiết kế Eileen Fisher, một phụ nữ tiên phong trong phong trào xanh hóa ngành thời trang hiện nay. Đại dịch xuất hiện kéo theo việc nhiều người phải thay đổi công việc, lối sống, cùng với đó là thói quen ăn mặc.
Thêm nữa, khách hàng bắt đầu quan tâm nghiêm túc hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường, tránh lãng phí. Đầu tư cho thời trang second-hand là giải pháp thức thời giữa bối cảnh như vậy. Mở rộng các kênh thu mua và bán lại đồ cũ với mức giá hợp lý, chúng tôi nhận về phản hồi rất tích cực từ người tiêu dùng”.
|
ThredUP, trang web bán lẻ sản phẩm thời trang second-hand nổi tiếng được mệnh danh “cửa hàng đồ cũ trực tuyến lớn nhất thế giới”- Ảnh: Green Queen |
Thị trường thời trang second-hand ước tính có thể đạt giá trị 64 tỷ USD trước năm 2025. Liên quan đến sức nóng của trào lưu này bên trong những kinh đô thời trang lớn, Wilson Griffin, nhà sáng lập Recurate - trang web bán hàng chuyên kết nối người mua với người mua để trao đổi sản phẩm cũ đồng giá - nhận xét: “Ngày nay, ngành may mặc có tính liên kết rất cao. Thị trường đồ cũ rất tiềm năng nhưng các thương hiệu sẽ phải chọn cách linh hoạt kết nối để đạt thành công; nhất là khi khách hàng đang ngày càng ưa chuộng xu thế dùng sản phẩm cũ nhưng đảm bảo chất lượng, với tiêu chí tiết kiệm chi tiêu lẫn bảo vệ môi trường”.
Vẫn đang ở giai đoạn tăng tốc đầu tiên trong quá trình phát triển nhưng Griffin tin tưởng thời trang second-hand sẽ “tiếp tục tạo ra các dấu ấn nổi bật”. “Hàng loạt “ông lớn” đang bắt kịp trào lưu và tôi nghĩ thị trường này sẽ được mở rộng đặc sắc hơn nữa trong tương lai. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh thời trang không chỉ bán lại, mà còn giúp khách hàng sửa chữa, nâng cấp sản phẩm cũ. Việc chú trọng đến nhu cầu, lợi ích người tiêu dùng sẽ giúp bạn tiến xa” - Griffin nói.
Tiềm năng tại châu Á
Ở phương Đông, thời trang second-hand đang cho thấy những bước tiến đáng hoan nghênh. Theo khảo sát từ Vestiaire Collective, diễn đàn điện tử đa quốc gia về thời trang second-hand, Louis Vuitton, See by Chloé và Off White hiện là các thương hiệu dẫn đầu trong thị trường mua bán đồ cũ thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Prada cũng đạt mức lợi nhuận cao hơn gần 40% tại châu Á nhờ chương trình thu mua, bán lại dòng sản phẩm quần áo, phụ kiện vintage (cổ điển).
Sự tăng trưởng của trào lưu second-hand đã được kiểm chứng ở thị phần thời trang phổ thông lẫn cao cấp. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia phương Đông, sức mua của các sản phẩm may mặc cũ đang tăng tương đối chậm. Điều này chủ yếu xuất phát từ tư duy “chuộng đồ mới thay vì mua lại”. Thêm vào đó, khâu quảng bá của nhiều đơn vị bán lẻ vẫn còn hạn chế.
Theo Sarah Garner, Giám đốc sáng lập Retykle, thương hiệu thời trang second-hand cho trẻ em có trụ sở tại Hồng Kông, tín hiệu đổi mới tích cực qua thông điệp bền vững hóa ngành thời trang đang được hưởng ứng rộng rãi. “Qua cuộc khảo sát chúng tôi thực hiện mới đây, nhiều khách hàng châu Á tiết lộ lý do hàng đầu họ muốn mua sắm các sản phẩm second-hand: không phải vì ưu đãi về giá mà là để tránh lãng phí quần áo, từ đó giúp bảo vệ môi trường” - Sarah Garner cho hay.
Xây dựng vòng tuần hoàn xanh và sạch đúng nghĩa, giảm tối thiểu tình trạng sản xuất dư thừa là mục tiêu quan trọng của ngành may mặc. Với trào lưu dùng hàng second-hand, chúng ta có thể chủ động tạo ra sự khác biệt ngay từ bây giờ. “Việc khuyến khích thói quen mua lại, tái sử dụng đồ cũ chất lượng tốt mang đến lợi ích kép với doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Tôi tin, sắp tới tại châu Á, các sản phẩm second-hand sẽ đóng vai trò không nhỏ giúp thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về thời trang hiện đại” - Garner bày tỏ.