Chiều 6/6, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp về công tác phát triển các sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và đề xuất bổ sung thu phí tham quan vịnh Hạ Long. Cùng dự có bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Cùng với hoạt động tham quan, trải nghiệm các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long bằng tàu du lịch, tàu lưu trú, du thuyền khám phá, tàu nhà hàng, hiện trên Vịnh Hạ Long đang có 8 sản phẩm, dịch vụ du lịch đang hoạt động. Một số sản phẩm, dịch vụ đang được hoàn thiện thủ tục.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Cao Tường Huy chủ trì cuộc họp triển khai đưa tuyến tham quan vịnh Bái Tử Long vào hoạt động.
Tại hội nghị, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đề xuất 10 sản phẩm dịch vụ, du lịch và Sở Du lịch đề xuất 2 hành trình mới tham quan, du lịch trên vịnh Hạ Long, 6 hành trình mới kết nối vịnh Hạ Long – vịnh Bái Tử Long và riêng vịnh Bái Tử Long. Đồng thời, Sở cũng đề xuất 6 hành trình tham quan, du lịch có tính định hướng trên địa bàn huyện Vân Đồn, Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Trên cơ sở tham mưu, đề xuất của các sở, ngành, địa phương, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh các sản phẩm, hành trình tham quan du lịch đề xuất này đều đã được xây dựng kế hoạch và nghiên cứu kỹ, thấu đáo nhiều tháng nay.
Do đó, Sở Du lịch tiếp tục tổng hợp ý kiến tham gia tại cuộc họp, bổ sung tuyến hành trình tham quan, du lịch vịnh Hạ Long – vịnh Lan Hạ hoàn thiện quyết định phê duyệt và công bố ngay các hành trình tham quan, du lịch mới trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị gồm Sở Du lịch khẩn trương đưa sản phẩm trải nghiệm câu cá, câu mực cùng ngư dân vào hoạt động mùa du lịch hè 2024.
Sở Giao thông Vận tải rà soát, bổ sung các luồng, tuyến theo từng hành trình tham quan, du lịch và cập nhật quy hoạch các vùng nước của các điểm nghỉ đêm đồng bộ với các điểm vui chơi. Huyện Vân Đồn chủ trì xây dựng đề án thu phí tham quan tại các điểm đến trên địa bàn.
Ban Quan lý vịnh Hạ Long cần năng động, sáng tạo hơn nữa trong công tác quản lý và xúc tiến du lịch. Đối với các sản phẩm đã đầu tư rồi nhưng chưa đưa vào hoạt động, Ban cần khẩn trương làm việc với các Sở, ngành để tham mưu, báo cáo tỉnh, Trung ương tháo gỡ sớm đưa vào khai thác; nghiên cứu, đề xuất bổ sung các bãi tắm, các hang động và đưa hoạt động văn hóa nghệ thuật tại đây vào trong danh mục các sản phẩm dịch vụ, du lịch mới. Ban cũng cần xây dựng đề án thu phí tham quan đối với các hành trình, sản phẩm du lịch mới theo đúng quy định; khẩn trương nâng cao chất lượng sóng điện thoại và wifi trên vịnh Hạ Long, lập kế hoạch cải tạo các hạ tầng đang xuống cấp trong quá trình khai thác.
Vẻ đẹp hoang sở của vịnh Bái Tử Long với hơn 600 hòn đảo lón nhỏ.
Nằm kế bên di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long thuộc địa phận TP.Cẩm Phả và H.Vân Đồn (Quảng Ninh) và một phần tại TP.Hạ Long. Vịnh có hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó nổi bật là vườn quốc gia Bái Tử Long, với 3 cụm đảo chính là Ba Mùn, Trà Ngọ và Sậu.
Khác với Hạ Long, vịnh Bái Tử Long không chỉ có những đảo đá thiên hình vạn trạng mà còn có rất nhiều đảo núi đất lớn, nhỏ có dân cư sinh sống, là phên dậu cho cả vùng biển hùng vĩ.
Chính vì vậy, khi đến với Bái Tử Long, du khách có thể tìm hiểu cuộc sống của cư dân trên đảo, với những làng chài, nuôi trồng thủy sản, cùng với những trải nghiệm như một ngư dân đầy thú vị.
Ngoài những giá trị do thiên nhiên ban tặng, vịnh Bái Tử Long còn gắn liền với lịch sử của dân tộc Việt Nam, với di tích thương cảng Vân Đồn nổi tiếng cùng nhiều di tích lịch sử như: đồn Tĩnh Hải; thành nhà Mạc (trên đảo Ngọc Vừng), đình Quan Lạn (xã đảo Quan Lạn, H.Vân Đồn); chùa 100 gian (xã đảo Thắng Lợi, H.Vân Đồn)… Ngày nay, các di tích, lễ hội gắn với các di tích trên là điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách tham quan tìm hiểu.