Quý I năm 2019 chứng kiến 14.761 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, cao hơn 20,8% so với năm ngoái.
Bên cạnh đó, 58,4% trong số 15.331 doanh nghiệp cũng đang chờ hoàn thành thủ tục giải thể bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình rà soát năm 2018.
Tính chung 3 tháng đầu năm, cả nước có 28.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 375,5 nghìn tỷ đồng, giảm 6,2% về số doanh nghiệp và tăng 34,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
|
Ông Phạm Thế Anh nhận định kinh tế Việt Nam đang đan xen giữa những mảng tốt và mảng xấu. |
PGS.TS Phạm Thế Anh từ Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng: “Số doanh nghiệp thành lập mới thì cũng nhiều mà số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể thì cũng lớn. Đặc biệt trong quý I vừa qua, việc rà soát lại con số thống kê khiến cho số doanh nghiệp ra khỏi hoạt động kinh doanh tăng đột biến. Tuy nhiên, tôi cho rằng thực chất con số này không lớn như thế bởi lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chờ giải thể vốn đã nhiều rồi”.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh tăng trưởng GDP ở mức cao, chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) lại có sự sụt giảm so với tháng 12. Chỉ số này giảm từ 53,8 điểm xuống lần lượt còn 51,9; 51,2 và 51,9 điểm trong ba tháng đầu năm.
“Chỉ số PMI của Việt Nam phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế. Chỉ số này vẫn duy trì ở mức trên 50 điểm, thể hiện triển vọng mở rộng của sản xuất công nghiệp, nhưng mức độ mở rộng thì nó thấp hơn”, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh chia sẻ.
Ngoài ra, khảo sát về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục thống kê thực hiện cho thấy sự lạc quan của doanh nghiệp trong quý I. Theo đó, 33,7% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá tình hình sản xuất quý I tốt hơn so với quý IV năm 2018 và 40,5% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Trong khi đó, 54,6% doanh nghiệp dự đoán tình hình kinh doanh quý II sẽ tiến triển tốt và chỉ có 10,6% là dự đoán khó khăn hơn.