Ở nông thôn lẫn thành thị Việt Nam, bạn đều có thể bắt gặp rau sam mọc nhan nhản ở khắp nơi. Đôi khi, chúng “tranh” phần đất trong những chậu cây cảnh, nhiều người thấy vậy thậm chí còn nhổ bỏ chúng để đảm bảo dinh dưỡng cho cây.
Ít ai biết ở Trung Quốc, loại rau mọc hoang, chẳng ai thèm đoái hoài này lại là một đặc sản có thể “hái ra tiền”. Cây non có thể dùng làm các món rau trộn, nấu canh, cây già có thể luộc rồi phơi khô để làm món ăn kèm. Hương vị của rau sam được đánh giá là dễ ăn và rất đặc biệt.
Minh Tiên - một người phụ nữ chuyên đào rau rừng ở thị trấn Bảo Yển (Đan Đồ, Trung Quốc) cho biết, chị thường dậy từ 4 giờ sáng để vào rừng đào rau sam đến tận 7 giờ. Thông thường mỗi buổi sáng, chị có thể thu hoạch được hơn 50kg rau sam. Với giá khoảng 4 NDT (13.000đ)/kg, chị có thể kiếm được ít nhất 200 - 300 NDT (651.000 - 977.000đ)/ngày.
Thực tế, rau sam xưa kia ở Việt Nam cũng là một loại thực phẩm được yêu thích. Rau có vị chua, mát và không đắng. Trừ phần rễ không ăn được, các bộ phận còn lại của rau đều có thể chế biến.
Đặc biệt, rau sau còn được coi là một vị thuốc quý với nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe.
Nhờ hàm lượng omega-3, chất nhầy và khoáng chất dồi dào, rau có khả năng giảm đau, chống viêm hiệu quả, đặc biệt hữu ích cho các vấn đề về tiêu hóa và đường tiết niệu. Bên cạnh đó, các hợp chất trong rau sam có khả năng bảo vệ tế bào thần kinh trước tổn thương do thiếu oxy và ức chế hoạt động của enzyme acetylcholinesterase – chất thường gặp đối với người mắc Alzheimer. Và với hàm lượng khá cao Omega-3 và Kali, rau sam còn có tác dụng hỗ trợ cải thiện sức khỏe tim mạch.
Một số công dụng khác của rau sam còn có thể kể đến như tốt cho hệ tiêu hóa, thanh lọc cơ thể, giải nhiệt, hỗ trợ điều trị hen suyễn…
Hiện nay, rau sam cũng dần trở thành mặt hàng chất lượng được nhiều người tiêu dùng theo đuổi lối sống lành mạnh ưa chuộng. Bạn có thể mua hạt giống rau sam về tự trồng với giá chưa đầy 10.000đ/gói, hoặc mua cây rau sam khô với giá khoảng trên dưới 100.000đ/kg.