Mất tiền oan
Vừa mới thi lấy giấy phép lái xe, nhưng tự tin vào tay lái của mình, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, anh Nguyễn Chương ở Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) thuê 1 chiếc Toyota Innova số tự động, giá 1 triệu đồng/ngày, để đưa cả gia đình về quê.
Lần đầu tiên thuê xe tự lái, lại chủ quan không xem xét kỹ khi nhận bàn giao xe, trở về Hà Nội, khi mang xe đến trả, chủ xe cho hay ô tô bị mất logo trên 2 bánh sau, lốp sau có vết rạch. Vì không xem xét kỹ từ đầu, tranh cãi cũng không ăn thua, cuối cùng, anh Chương phải bồi thường cho chủ xe 4 triệu đồng. Anh chỉ biết trách mình đã không cẩn thận.
Trường hợp thuê xe tự lái trong các dịp lễ, khi trả phải bồi thường cũng không phải chuyện hiếm. Mới đây, một khách thuê xe đã lên mạng than trời vì chi phí bồi thường cho chiếc Audi cũ mà mình thuê tự lái.
|
Hóa đơn khách hàng thuê xe tự lái thanh toán tiền sửa chữa chiếc Audi cũ. |
Sau kỳ nghỉ, anh bị chủ xe kê ra các lỗi về điều hòa và cửa nóc. Cuối cùng, anh phải trả gần 10 triệu đồng chi phí vệ sinh và hút nạp ga điều hòa, thay các gioăng cao su chụp bụi, thay rèm cửa nóc,... Cộng cả tiền thuê “xe xịn”, tính ra riêng chiếc xe đi trong 4 ngày hết gần 20 triệu đồng . Lý do cũng là lần đầu thuê xe tự lái và không xem xét kỹ tình trạng trước khi thuê.
Nhiều khách hàng cho biết: thuê xe tự lái có ưu điểm là chủ động về chuyến đi, nhưng khi gặp sự cố thì coi như rước bực vào thân.
“Ngày 29/4 vừa qua, tôi có thuê chiếc xe Innova 2008 tự lái 3 ngày, giá thuê là 800.000 đồng/ngày, đưa gia đình đi nghỉ. Nhưng đi được nửa đường, xe bị hỏng bơm xăng, phải thuê xe cứu hộ kéo về garage ô tô để sửa chữa. Chi phí cho vụ kéo xe về và thay bơm xăng lên tới trên 4 triệu đồng. Chán nản chẳng buồn đi nữa, khách sạn đã thuê cũng phải hủy, thế là cả gia đình mất vui”, một khách hàng thuê xe tự lái kể.
Khách hàng luôn chịu thiệt
Thuê xe tự lái vẫn sướng hơn là thuê xe có lái, nhưng gặp rủi ro thì coi như gặp họa. Rủi ro là những tình huống xấu không lường trước được, có thể xảy ra với bất kỳ ai.
Trong khi đó, hợp đồng thuê xe thường quy định: khi trả xe, bên thuê xe phải trả xe đúng nguyên trạng ban đầu. Nếu có hư hỏng, sứt mẻ thì bên thuê xe phải bồi thường theo giá thị trường.
Bên thuê xe chịu mọi trách nhiệm dân sự và hình sự trong quá trình sử dụng xe, kể cả khi xe đã có bảo hiểm (trách nhiệm dân sự và thân vỏ xe... ). Nếu xe bị hỏng hóc, hư hại phải sửa chữa thì bên thuê xe phải bồi thường chi phí tương ứng trong thời gian gián đoạn kinh doanh cho bên cho thuê.
|
Bên cho thuê xe thường đưa ra những quy định chặt chẽ mà phần thiệt luôn thuộc về người đi thuê (ảnh minh họa) |
Có những cơ sở cho thuê xe còn quy định rất chặt chẽ trong hợp đồng: nếu gây hỏng hóc, va chạm với số tiền nhỏ hơn 500.000 đồng thì bên thuê xe phải chịu 100% chi phí sửa chữa; từ 500.000 đồng trở lên phải đền gấp 1,5 lần so với báo giá của gara sửa chữa,... Mọi thay thế phụ tùng, sửa chữa hỏng hóc, va quệt do khách hàng gây ra đều được thực hiện tại gara do bên cho thuê xe chỉ định. Không tự ý sửa chữa xe nếu không có sự đồng ý của bên cho thuê xe.
Mỗi xe không kinh doanh được, do lỗi bên thuê xe thì bên thuê xe phải thanh toán 500.000 đồng/ngày. Nếu làm rách tem niêm phong các linh kiện, phụ tùng vì bất cứ lý do gì và khi bên phát hiện linh kiện phụ tùng bị tráo đổi thì bên thuê xe phải đền bù 100% theo giá phụ tùng chính hãng.
Như vậy có nghĩa là, trong quá trình thuê và sử dụng, có vấn đề gì khách hàng sẽ phải bồi thường toàn bộ. Giả sử chiếc xe đang đi bỗng dưng bốc cháy, thì bên thuê xe phải bồi thường bằng 1 chiếc xe tương đương. Đồng thời, bên thuê xe phải chịu cả chi phí làm gián đoạn kinh doanh của bên cho thuê do những rủi ro trên gây ra. Với người ít tiền, chắc chắn chỉ còn cách bán nhà đi mà đền. Còn không thích thuê thì thôi.
Không những thế, với nhiều cơ sở cho thuê xe, cứ hỏi đến bảo hiểm thì dù có mua rồi, họ cũng lảng tránh.
Quan trọng nhất là phải kiểm tra kỹ xe trước khi nhận
Một khách thuê xe tại Nguyễn Khang (Cầu Giấy - Hà Nội) kể rằng, vì cần xe nên hôm vừa rồi ra ngay cơ sở cho thuê xe gần nhà, xem xe xong, đã ưng. Khi hỏi về bảo hiểm, chủ xe trả lời tất nhiên là có bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định. Nhưng hỏi đến bảo hiểm thân vỏ, thì lảng đi, rồi nói có gì bọn em sẽ hỗ trợ. Hỗ trợ như thế nào thì không nói, cũng chẳng có ý định ghi vào hợp đồng. Giả sử xe bị cháy, bên thuê xe phải bồi thường toàn bộ rồi, nhưng xe đó đã mua bảo hiểm cháy nổ thì đương nhiên có thể ăn hai mang của cả của người đi thuê và của bảo hiểm.
Đó là tình huống xấu nhất. Còn những tình huống va chạm nhẹ, khoảng vài trăm ngàn đến vài triệu, nghiễm nhiên chủ xe vẫn được lợi cả đôi đường và mọi chi phí đều do bên đi thuê phải chịu. Các cửa hàng cho thuê tự lái thường kiếm ăn rất tốt, chỉ thích mình va chạm thôi, giá thì “cứa cổ”, bảo hiểm cũng sợ mấy bác này. “Ăn tiền hai mang”, khách hàng này nhận định.
Một khách hàng có bề dày kinh nghiệm thuê xe tự lái tiết lộ: Nhiều cơ sở cho thuê xe rất quái chiêu. Lúc bàn giao thì qua loa, thậm chí để xe bẩn, nhưng khi nhận lại xe thì kiểm tra rất kỹ. Nếu không cẩn thận là “ăn đòn”, như tự dưng mọc ở đâu ra một vết móp mà trước đó bị bùn che lấp. Thậm chí, có chỗ khi nhận xe còn bắt rửa xe sạch, nếu không bắt phải trả thêm 50.000 đồng nữa.
Những điều ghi nhớ khi thuê xe
Kiểm tra xe thật kỹ xe trước khi nhận. Nếu chỉ kiểm tra bên ngoài xe một cách sơ sài, có thể những vết xước bị bùn đất che lấp từ đời nào, phải đền tiền với cái giá không rẻ.
Do vậy, soi thật kỹ các vết xước, vành bánh, gương kính, đèn pha, đèn hậu và ghi chi tiết vào bản thoả thuận. Với một số mẫu xe, hãy để mắt đến cả lốp sơ cua và phụ tùng đi kèm như đồ nghề, kích,...
Nên xem xét kỹ các điều khoản thoả thuận trong hợp đồng và gói dịch vụ, như thời gian cho thuê, có hạn chế số km hay không và giá tiền những km phụ trội. Khi xe gặp sự cố hoặc hư hỏng giữa đường thì giải quyết như thế nào, chi phí ra sao. Cần chú ý đến loại xe, đời xe, biển số, màu xe, chất lượng xe, giấy đăng ký, giấy đăng kiểm trước khi lăn bánh, vì nếu giấy tờ hết hạn mà bị công an thổi sẽ đóng phạt từ 2-3 triệu đồng và giam xe 1 tháng.
Vào trong xe, khởi động máy, sau đó kiểm tra bộ điều khiển trung tâm, hệ thống giải trí, còi xe,... Khi phát hiện chúng không hoạt động hoặc có dấu hiệu hư hỏng, phải báo lại bên trung tâm thuê xe để xác nhận hợp đồng. Nếu các bộ phận hoạt động bình thường thì tắt máy đi rồi khởi động lần nữa để kiểm tra độ ổn định của chúng.
Sau đó, quan sát ghế ngồi, thảm lót chân, táp lô, tay nắm cửa, kính điện,...
Cuối cùng, kiểm tra cụm đồng hồ, số km đã đi, tình trạng xăng,... rồi yêu cầu bên trung tâm cho lái thử để xem hệ thống lái, giảm xóc, máy điều hòa hoạt động thế nào. Nếu chạy thử, thấy côn nặng và khó vào số (với xe số sàn) thì nhất quyết không thuê.