Tại đây, Phó Thủ tướng cho biết: Việt Nam coi mô hình đối tác công - tư (PPP) là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư, điều này được Chính phủ thể chế hóa bằng các chính sách.
PPP là “công cụ” quan trọng để thu hút đầu tư
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Nam Á (WEF ASEAN) 2018 được tổ chức tại Hà Nội, ngày 11.9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đến dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn Tăng trưởng châu Á 2018.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của phần lớn các quốc gia ASEAN, sản xuất nông, lâm, thủy sản trong khu vực không chỉ đảm bảo an ninh lương thực nội khối mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: I.T) |
Với chủ đề “Đổi mới để tạo ra thay đổi: Khám phá và truyền cảm hứng”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, muốn hội nhập sâu rộng hơn, ngành nông nghiệp cần phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa với sự tham gia sâu rộng hơn của khu vực tư nhân, sử dụng các công nghệ hiện đại của cách mạng công nghệ 4.0 để chuyển đổi ngành nông nghiệp, trở nên hiện đại, hiệu quả, bao trùm và bền vững hơn.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hợp tác trong nông nghiệp cũng là một trong những nội dung quan trọng nhất của Cộng đồng kinh tế ASEAN nhằm gia tăng sức mạnh và năng lực thâm nhập thị trường của sản phẩm nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp, tăng cường sự tham gia và hưởng lợi của hộ nông dân.
Cần đẩy mạnh hợp tác chiến lược trong nông nghiệp trong ASEAN thông qua hợp tác song phương, đa phương và khu vực; thiết lập các liên kết tiềm năng trong nông nghiệp ASEAN, thúc đẩy đầu tư trực tiếp và quan hệ đối tác chiến lược trong hợp tác nông nghiệp ASEAN giữa nhà sản xuất, khách hàng và doanh nghiệp thương mại.
Sáng kiến Tăng trưởng châu Á là sự kết nối và tạo dựng đối tác nhiều bên để hỗ trợ các nước trong khu vực ASEAN thực hiện mục tiêu đề ra trong Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới là nâng cao sản lượng nông nghiệp lên 20%, giảm lượng phát thải carbon 20% và giảm tỷ lệ đói nghèo xuống 20% sau mỗi thập kỷ cho đến năm 2030.
Mục tiêu này được thực hiện thông qua việc gắn kết sự tham gia của các bên liên quan là Chính phủ, doanh nghiệp và người nông dân, đặc biệt là thông qua mô hình đối tác công tư (PPP).
“Việt Nam coi PPP là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào ngành, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và tăng cường đầu tư vào chế biến sâu. Chủ trương ưu tiên thu hút đầu tư theo hình thức PPP đã được Chính phủ thể chế hóa bằng các chính sách”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong Kế hoạch hành động triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ đã đặt nông nghiệp làm trọng tâm cho phát triển kinh tế bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn thịnh vượng. Khoa học công nghệ và đầu tư theo mô hình PPP sẽ là hai nhân tố giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững của Việt Nam.
Bên cạnh vai trò kiến tạo của Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đánh giá cao vai trò chủ thể của nông dân cần phải có sự đồng hành của doanh nghiệp. Doanh nghiệp là trung tâm, không chỉ tổ chức sản xuất, tạo dịch vụ đầu vào, chế biến, bảo quản nhưng đồng thời tổ chức thị trường, tiêu thụ sản phẩm - một yêu cầu quyết định thành công.
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao đổi với các đại biểu tham dự Diễn đàn (Ảnh: I.T) |
Còn Giám đốc Grow Asia (Tăng trưởng châu Á), ông Grahame Dixie, cho rằng, cần tạo thêm các giá trị gia tăng bằng cách chia sẻ tri thức, ý tưởng và kết hợp các ý tưởng với nhau trong các vấn đề chính sách và áp dụng công nghệ số hoá.
Hiện tại có 44 nhóm công tác từ các chuỗi giá trị trong khu vực. Đã có gần 20% chuỗi giá trị tăng trưởng và chúng ta tăng giá trị này lên với 27%. Để đạt được tốc độ này, cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phát triển và tổ chức các diễn đàn, các nhà hoạt động thực tế tại mỗi quốc gia. Từ đó giải quyết các vấn đề liên quan tới ngành và liên quan tới chính sách.
Hợp tác công – tư là chìa khóa để phát triển nông nghiệp bền vững
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Nam Á, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm bình quân trên thế giới là 15% thu nhập, do đó đây là một trong những cơ hội. Phương thức đầu tư theo hình thức hợp tác công tư là một trong những phương thức đầu tư hiệu quả nhằm thực hiện tầm nhìn phát triển nông nghiệp bền vững, thực hiện được mục tiêu bền vững quốc gia về nông nghiệp.
Qua 7 nhóm ngành hàng đang triển khai theo hình thức hợp tác công tư cho thấy, có nhiều nhóm ngành hàng làm tốt nhưng có những nhóm chưa đạt được hiệu quả. Vì vậy, vấn đề quan trọng là phải tổng kết lại nhân thành các điển hình, từng nhóm ngành hàng chúng ta sẽ mở rộng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra.
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn (Ảnh: I.T) |
Năm nay, dự kiến ngành nông nghiệp sẽ xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. Nếu làm tốt theo chuỗi từ vùng nguyên liệu đến tổ chức sản xuất và tiêu thụ, sâu chuỗi lại từ người nông dân đến các doanh nghiệp và tập đoàn thì giá trị xuất khẩu còn tiếp tục tăng lên nhiều lần so với giá hiện nay.
“Do đó, không có con đường nào khác là PPP. Đây là một trong những chìa khóa, một trong những giải pháp căn cơ nhất nhằm thực hiện tầm nhìn kép cũng như tầm nhìn quốc gia bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng mời gọi các tập đoàn kinh tế lớn, các nhà doanh nghiệp cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khai thác tiềm năng lợi thế của Việt Nam.
Tại Diễn đàn đã diễn ra 18 phiên kỹ thuật thảo luận nhiều chủ đề quan trọng như tài chính nông nghiệp, đổi mới kỹ thuật số trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp với cách mạng công nghệ 4.0, công nghệ chính xác trong nông nghiệp, nông nghiệp phát thải thấp, chuyển giao công nghệ tới người nông dân trong chuỗi giá trị, chuyển đổi lao động nông nghiệp