Trong thông cáo của Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội về vụ việc gây rối trật tự công cộng và 38 cán bộ bị bắt giữ trái phép ở xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) có nêu rõ, năm 1980, Bộ Quốc phòng được giao xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn 3 xã của huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm (Mỹ Đức). Đến năm 2015, Bộ Quốc phòng quyết định giao đất cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) tiếp nhận, quản lý, sử dụng (trong đó có 45 ha thuộc xã Đồng Tâm). Tuy nhiên, một số người dân ở thôn Hoành đã lấn chiếm đất để canh tác và xây dựng công trình trên diện tích này. Từ cuối năm 2016 đến nay, tình hình tại xã Đồng Tâm có diễn biến phức tạp, số công dân khiến kiện tại địa phương tổ chức nhiều hoạt động gây mất an ninh trật tự; Tổ chức cho người dân tự ý lấn chiếm, cày bừa, canh tác trên diện tích đất quốc phòng khi tập đoàn Viettel tổ chức thi công.
Trong buổi đối thoại sáng nay 22/4 với Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung, người dân xã Đồng Tâm đã đề nghị Tập đoàn Viettel không xây dựng trên đồng Sênh. Về vấn đề này, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện thành phố đã có quyết định thanh tra toàn bộ khu đất. Ông Chung cam kết sẽ thanh tra đúng 45 ngày và ra kết luận.
Theo tìm hiểu của Kiến Thức, đây không phải lần đầu Viettel chịu tai tiếng vì liên quan đến những "điểm nóng". Trong quá trình hoạt động và kinh doanh, nhà mạng này cũng "tạo sóng" nhiều vụ việc hâm nóng dư luận thời gian qua.
|
Ảnh minh họa: Internet. |
Tin nhắn quảng cáo Viettel bất ngờ xuất hiện chữ “tượng hình"
Mới đây nhất là sự cố xuất hiện chữ tượng hình trên các tin nhắn quảng cáo của Viettel. Cụ thể, tối 10/2/2017, nhiều thuê bao của Viettel đã nhận được tin nhắn từ tổng đài quảng cáo của nhà mạng với nội dung là chữ tượng hình giống kiểu chữ Trung Quốc. Song, theo Vietnamplus thì thực tế thì cả… người Trung Quốc cũng không hiểu được nội dung. Phóng viên báo này đã nhờ các chuyên gia ngôn ngữ đọc dịch các tin nhắn này, tuy nhiên họ đều xác nhận những ký tự trên không phải tiếng Trung Quốc.
Các bình luận trên mạng cho rằng, rất có thể nhà mạng Viettel đã bị hacker tấn công. Tuy nhiên, tổng đài Chăm sóc Khách hàng của Viettel cho biết đây là sự cố lỗi font chữ. “Viettel ghi nhận trường hợp này và xác nhận nguyên nhân là do kỹ thuật trong quá trình cấu hình đầu số quảng cáo 198 bị sai, dẫn đến nội dung thông điệp của nhà mạng bị sai font chữ", một nhân viên hỗ trợ Viettel xác nhận với Zing.
Cũng theo đại diện Viettel thì chỉ một số thuê bao nhận được tin nhắn chữ tượng hình này. Và nhà mạng đang nỗ lực khắc phục sự cố, mong muốn khách hàng thông cảm vì sự cố hy hữu này. Sự việc tuy không quá ầm ĩ nhưng cũng đủ để khiến người dùng chê trách cho sự cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp của Viettel.
Liên tiếp bị phạt nặng
Viettel là một trong những cái tên lớn nhiều lần bị phạt vì sai phạm. Tháng 5/2016, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel bị phạt 171 triệu đồng vì bốn hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Cụ thể, cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ra Quyết định số 41/QĐ-XPVPHC xử phạt Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel 171 triệu đồng vì bốn hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.
Theo website chính thức của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, bốn hành vi vi phạm của Viettel là: Viettel đã cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự tại 8 địa phương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk không đúng quy định trong Giấy phép. Hành vi này bị phạt 8 triệu đồng.
Cùng đó, Viettel cung cấp các kênh truyền hình trả tiền VTC4, VTC13, HTVC Phim truyện, BTV4, Điện ảnh MOV, Phụ nữ và Gia đình HcaTV2- You TV, HTVC Ca nhạc trên hệ thống truyền hình cáp tương tự tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk không đúng quy định Giấy chứng nhận đăng ký danh mục nội dung trên dịch vụ truyền hình trả tiền. Với hành vi này, Viettel bị phạt 8 triệu đồng.
Tiếp theo, Viettel cung cấp không đúng danh mục chương trình phim theo Giấy chứng nhận được cấp, hành vi này bị phạt 15 triệu đồng. Và cuối cùng, Viettel đã cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền di động không có giấy phép, hành vi này bị phạt lên tới 140 triệu đồng.
Chưa hết, đến tháng 11/2016, Viettel tiếp tục vi phạm các quy định về khuyến mại và giá cước sau thời điểm 1/11 và bị Cục Viễn Thông - Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt gần 300 triệu đồng.
Theo quy định, các nhà mạng thực hiện khuyến mại giảm giá với một nhãn hiệu dịch vụ viễn thông, nhãn hiệu hàng hóa viễn thông chuyên dùng theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông không được vượt quá 90 ngày trong một năm. Một chương trình khuyến mại không được quá 45 ngày. Và tính đến hết tháng 10/2016, các nhà mạng đã sử dụng hết số ngày theo quy định.
Tuy nhiên, theo Cục Viễn Thông, sau ngày 1/11/2016, qua theo dõi, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tiếp tục không đăng ký chương trình khuyến mại cho khách hàng thường xuyên trong 2 ngày 14 và 15/11; áp dụng chương trình khuyến mại cho khách hàng thường xuyên không đúng đối tượng; không đăng ký gói cước Toms 690 với Bộ TT&TT; không đăng ký khuyến mại, giảm giá 50% thẻ nạp cho khách hàng sử dụng gói cước Toms; khuyến mại giảm giá cho 1 chương trình quá 45 ngày; thời gian khuyến mại trong năm quá 90 ngày... Do vậy, nhà mạng Viettel đã bị Cục Viễn thông xử phạt thêm gần 300 triệu đồng.
Gây xôn xao với vụ “sim con bò”
Năm 2014, Viettel đã khiến dư luận xôn xao khi tham gia chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, được thực hiện tại 11 tỉnh biên giới, trong đó có Quảng Ninh. Tuy nhiên, theo phản ánh của Báo Lao Động thì “muốn nhận bò” thì tỉnh Quảng Ninh cũng phải “bán” số lượng sim điện thoại theo chỉ tiêu mà Viettel đưa ra (cụ thể 20.000 sim điện thoại, đổi 1.334 bò giống). Thông tin “bò đổi sim” gây bức xúc trong dư luận. Chính sách mang tính lợi nhuận này của Viettel gắn với một chương trình mang tính nhân văn khiến không ít câu hỏi được nhiều người quan tâm là liệu Viettel có lợi nhuận từ chương trình xã hội này không?
Theo tính toán của Zing, phải sau 3 năm, 15 thuê bao di động sử dụng liên tục với mức cước phí tối thiểu là 100.000 đồng/tháng (tổng doanh thu 54 triệu đồng) thì lợi nhuận thu được mới chỉ đủ để bù vào số tiền mà Viettel ứng trước ra mua bò. Trong khi đó, Viettel ứng trước 15 triệu đồng để mua bò giống lai sin cho chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” ngay từ ban đầu. Thế nhưng, nếu thuê bao này trung thành với mạng Viettel sau thời hạn 3 năm thì đây sẽ là thuê bao phát sinh lợi nhuận bình thường như những thuê bao khác của Viettel.
Tuy nhiên, một yếu tố rủi ro cũng cần phải tính đến đó là thuê bao tham gia gói cước con bò “nửa đường đứt gánh” không tiếp tục tham gia chương trình này như cam kết. Thống kê của Bộ TT&TT cho thấy số lượng sim đã vượt qua khoảng gấp rưỡi dân số Việt Nam. Hầu hết những người có điều kiện, có nhu cầu cũng đã sử dụng dịch vụ di động. Như vậy, sẽ có rất nhiều nhà hảo tâm muốn tham gia chương trình này sẽ phải chọn sim của Viettel là sim thứ 2. Nếu là sim thứ 2 thì mức độ trung thành với nhà mạng chưa thể nói trước được điều gì. Điều này đồng nghĩa với việc số tiền 360 tỷ đồng mà Viettel ứng ra trước để mua 24.000 con bò giống sinh sản là chương trình cũng có nhiều rủi ro.
Trước dấu hỏi từ dư luận, đại diện của Viettel cho biết: Nếu nói là thoả thuận, ép địa phương mua sim là oan cho chúng tôi. Viettel chỉ là đơn vị thành viên cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của Ban chỉ đạo. Nhưng nhiều địa phương có thể vì nôn nóng nên áp chỉ tiêu xuống dưới nên dễ gây hiểu lầm. Viettel không hề ràng buộc việc này khi tham gia chương trình. Chúng tôi cam kết sẽ theo chương trình đến cùng, kể cả không bán được số lượng sim như kế hoạch, nhưng chúng tôi vẫn tặng đủ số bò đã cam kết”.
Mặc dù đã lên tiếng giải thích trấn an dư luận, song ít nhiều tên tuổi của Viettel cũng đã bị ảnh hưởng từ vụ việc dễ gây hiểu nhầm này.