Nuôi thập cẩm, la liệt các loại con đặc sản, thu gần nửa tỷ/năm

Google News

Ông nông dân Nguyễn Văn Điệp có quê gốc tỉnh Thái Bình ở bản Đông Phong (xã Thèn Sin, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu), sau khi phục viên đã bắt tay vào chăn nuôi ngựa, nuôi lợn, nuôi gà..., mỗi năm "đút túi" gần nửa tỷ.

Một ông nông dân đam mê chăn nuôi
Chúng tôi tới thăm lão nông Nguyễn Văn Điệp ở bản Đông Phong (xã Thèn Sin, huyện Tam Đường, Lai Châu) vào một ngày đẹp trời. Đón chúng tôi trước ngôi nhà 2 tầng khang trang, lão nông Nguyễn Văn Điệp cho hay, tôi có được cơ ngơi như hôm nay phần lớn là nhờ vào nuôi ngựa và lợn.
Khoe với chúng tôi đàn lợn và đàn ngựa béo tốt, khỏe mạnh, anh Điệp bồi hồi kể, tôi sinh ra ở miền quê lúa Thái Bình, đến năm 1969 tôi tham gia quân ngũ, đơn vị đóng quân ở Cụm kho 22, Cục Kỹ thuật, quân khu 3 (tỉnh Hòa Bình).
Suốt những năm tháng góp sức trong quân đội, tôi luôn có mong ước, một ngày phục viên sẽ về đào ao, nuôi cá, nuôi gà, nuôi vịt. Đây cũng là niềm say mê, yêu thích theo tôi từ tuổi thủa bé cho tới bây giờ.
Năm 1998, anh Điệp ra quân, trở về địa phương và lập gia đình. Đến năm 2001 anh cùng gia đình lên Lai Châu để xây dựng vùng kinh tế mới. Ban đầu, với số vốn ít ỏi, anh Điệp chỉ chăn nuôi lợn, gà nhỏ lẻ để lấy vốn xoay vòng và tận dụng nguồn phân để cải tạo đất trồng rau màu.
Nuoi thap cam, la liet cac loai con dac san, thu gan nua ty/nam
Nhanh nhạy với thị trường, lão nông Nguyễn Văn Điệp chuyển từ nuôi ngựa thồ sang nuôi ngựa sinh sản, thương phẩm, nhờ đó anh có nguồn thu nhập khá. Ảnh: Tuấn Hùng
Đến năm, 2012, có vốn anh xoay ra nuôi thêm 6 con ngựa để thồ vật liệu cho các công trình vùng cao. Từ khi bén duyên với nuôi ngựa, anh nhận thấy nuôi ngựa có nhiều ưu điểm như ngựa ít bị bệnh dịch, chi phí chăn nuôi lại thấp. Vì vậy, năm 2020 anh đã chuyển từ nuôi ngựa thồ sang nuôi ngựa sinh sản, ngựa thịt và ngựa giống.
Phương châm của anh Điệp rất rõ ràng, nếu ngựa đẻ ra con ngựa cái thì để nuôi lấy giống, đẻ con ngựa đực thì nuôi bán ngựa thịt.
Để có nguồn thức ăn cho ngựa, anh Điệp trồng hơn 4 nghìn mét vuông cỏ VA06, đồng thời thu gom rơm của các hộ gia đình trong và ngoài xã về dự trữ làm thức ăn cho ngựa vào mùa đông. Bên cạnh đó, anh cũng định kỳ tiêm vắc xin cho ngựa, đặc biệt là phòng chống bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng.
Chỉ tay vào đàn ngựa, anh Điệp nói, ngoài nuôi ngựa và lợn, tôi còn nuôi thêm gà, trồng ngô, lúa, rau màu các loại để tạo nguồn vốn xoay vòng, nhờ đó tôi có vốn mở rộng quy mô đàn ngựa và lợn. Chỉ tính riêng ngựa sinh sản, tôi có hơn 20 con. Từ mô hình tổng hợp này mỗi năm tôi đút túi gần nửa tỷ đồng.
Nuoi thap cam, la liet cac loai con dac san, thu gan nua ty/nam-Hinh-2
Từ nuôi lợn sinh sản, lão nông Nguyễn Văn Điệp cũng thu về kha khá mỗi năm. Ảnh: Tuấn Hùng
Cựu chiến binh nghị lực, gương mẫu
Sau khi đưa chúng tôi đi thăm một vòng các mô hình kinh tế của mình, anh Điệp kéo chúng tôi về nhà thưởng trà. Vừa nhâm nhi tách trà, anh Điệp kể cho chúng tôi nghe về lần thua to khi nuôi lợn.
Anh cho biết, làm nghề nông vui nhưng cũng rất vất vả, nhất là những lúc đàn vật nuôi bị dịch bệnh. Trước khi thành công với đàn ngựa, tôi đầu tư nuôi lợn vỗ béo thương phẩm với số lượng lớn.
Sau khi đầu tư xây dựng chuồng trại, anh Điệp đi khắp vùng lân cận mua giống lợn tốt về nuôi. Nhìn đàn lợn béo tốt, anh Điệp đặt rất nhiều hy vọng vào đó. Nhưng thật không may, đùng một cái đàn lợn của anh dính dịch tả lợn Châu phi rồi lăn ra chết. Anh ngậm ngùi đem đi thiêu hủy, lần đó gia đình anh thua mất khá tiền.
Rút kinh nghiệm, sau lần đó, anh Điệp đã nghiên cứu rất kỹ trước khi đầu tư vào chăn nuôi. Anh cho biết, trước khi nuôi ngựa, anh đã tìm hiểu nhiều nơi và học thêm kỹ thuật từ cán bộ nông nghiệp của huyện, của xã. Khi hiểu được đặc tính của đàn ngựa, từ việc chăm sóc, thức ăn đến những lúc ngựa sinh đẻ đều phải dành nhiều thời gian chăm sóc và thực sự tâm huyết mới có thể thành công.
Nuoi thap cam, la liet cac loai con dac san, thu gan nua ty/nam-Hinh-3
Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi, lão nông Nguyễn Văn Điệp trồng thêm hơn 4 nghìn mét vuông cỏ, nhờ đó đàn vật nuôi của anh luôn béo tốt, khỏe mạnh, cho thu nhập cao. Ảnh: Tuấn Hùng
Chia sẻ với chúng tôi về cựu chiến binh Nguyễn Văn Điệp, ông Lò Văn Họa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thèn Sin, huyện Tam Đường, Lai Châu cho biết: Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, anh Điệp luôn phát huy bản lĩnh người lính, ngoài gương mẫu trong phát triển kinh tế, anh còn tham gia nhiệt tình các hoạt động công tác hội cựu chiến binh xã, huyện.
Anh thường xuyên vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp đỡ những gia đình hội viên cựu chiến binh và nhân dân trong bản có hoàn cảnh khó khăn như chia sẻ về kỹ thuật, cách làm kinh tế hộ gia đình, giúp bà con từng bước phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.
Anh cũng rất tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia nhiệt tình phong trào thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và giữ gìn an ninh trật tự.
Chia tay lão nông Nguyễn Văn Điệp, hình ảnh người đàn ông dáng vóc tuy nhỏ, nhưng lại có nghị lực lớn vấn vương mãi trong tâm trí mỗi chúng tôi. Lão nông vùng cao của Lai Châu này quả thật là người nông dân thời công nghiệp 4.0. Anh không chỉ nhanh nhạy với thị trường mà còn là lão nông gương mẫu, xứng đáng là người lính "Cụ Hồ", là tấm gương làm kinh tế giỏi của địa phương.
Theo Tuấn Hùng / Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)