Doanh thu 9T2022 của NKG đạt 18.771 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% YoY, trong khi LNST giảm 84% YoY xuống 290 tỷ đồng do tiêu thụ yếu và giá đầu vào tăng cao.
Cụ thể, trong Q3 vừa qua, xuất khẩu bắt đầu giảm. Sản lượng tôn mạ xuất khẩu giảm -63% YoY và -52% QoQ xuống 83 nghìn tấn, chiếm 47% tổng sản lượng tiêu thụ, so với 63% trong 6 tháng đầu năm.
Tại thị trường trong nước, những điều chỉnh trong lĩnh vực bất động sản và hạn chế tín dụng ngân hàng đối với nền kinh tế đã cản trở nhu cầu đối với sản phẩm tôn mạ trong Q3, tiếp nối xu hướng giảm trong nửa đầu năm khi thị trường chờ đợi giá bán giảm theo diễn biến giá HRC.
Tuy nhiên, nhờ mức nền cơ sở thấp trong Q3/21 (phong tỏa trên quy mô lớn ở khu vực phía Nam), sản lượng tôn mạ trong 9T tăng 9,4% YoY lên 157 nghìn tấn và ống thép tăng 4,4% YoY lên 121 nghìn tấn. So với quý trước, sản lượng tôn mạ trong nước giảm 1,3% trong khi ống thép tăng 15%.
NKG đã không thể duy trì ổn định giá bán trong nước trong Q3 do xuất khẩu thấp. Biên lợi nhuận gộp 9T2022 giảm xuống 9% (9T2021: 16,6%), riêng trong Q3 là -3,6%. Sự suy giảm của biên lợi nhuận gộp đến từ giá bán giảm và hàng tồn kho giá cao được mua chủ yếu vào đầu cuộc chiến tranh Nga-Ucraina.
Q4/2022 – Giai đoạn khó khăn chưa đến hồi kết
Tiêu thụ sẽ thấp hơn Q3 do triển vọng bức tranh kinh tế vĩ mô toàn cầu ảm đạm và cạnh tranh cao hơn với thép giá rẻ của Trung Quốc cũng như các nhà sản xuất thép khác của Việt Nam. Diễn biến này có thể kéo dài ít nhất đến giữa năm 2023. Giá HRC đã giảm nhanh từ giữa tháng 10 nhưng xu hướng giảm sẽ chậm lại do nguồn cung trên toàn cầu bị hạn chế.
Doanh thu chủ yếu sẽ dựa vào thị trường trong nước với tỷ suất lợi nhuận gộp ít tiêu cực hơn biên lợi nhuận xuất khẩu. Xuất khẩu tôn mạ có thể đạt 42 nghìn tấn (-79% YoY, -49% QoQ). Doanh số bán hàng trong nước của tôn mạ và thép ống dự kiến đạt 44 nghìn tấn (-10% YoY, -10% QoQ) và 73 nghìn tấn (+15% YoY, -10% QoQ). Xuất khẩu chiếm 30% tổng sản lượng tiêu thụ.
Tồn kho giá cao, giá bán giảm kết hợp với dự phòng hàng tồn kho sẽ khiến biên LN gộp Q4 giảm xuống -27,4% từ -3,6% trong Q3/22 và 12,1% trong Q4/21. Dự báo doanh thu và lỗ ròng Q4 lần lượt là 2.630 tỷ đồng (-70% YoY) và –865 tỷ đồng (so với LNST 452 tỷ đồng trong Q4/21).
Triển vọng 2023 - Nhu cầu phục hồi chậm từ giữa 2023
Lạm phát thấp hơn từ giữa năm 2023 sẽ khuyến khích nhu cầu tôn mạ toàn cầu, hỗ trợ sản lượng xuất khẩu nhích lên. VDSC không kỳ vọng xuất khẩu sẽ hồi phục mạnh do chính sách thương mại tại các thị trường ngày càng thách thức đối với các nhà sản xuất Việt Nam. Mỹ đã nới lỏng các biện pháp bảo hộ đối với thép Nhật Bản, EU và Anh từ cuối năm 2021/đầu năm 2022.
EC tái áp đặt hạn ngạch thuế quan đối với tôn mạ của Việt Nam từ tháng 7/2022 đến giữa năm 2024 và đang xem xét áp thuế chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu. Nhu cầu tại thị trường trong nước sẽ được hỗ trợ bởi giải ngân đầu tư công mà chúng tôi cho rằng sẽ mạnh mẽ hơn vào năm 2023 nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Theo đó, VDSC dự báo sản lượng tôn bán tăng 10,6%, trong đó xuất khẩu tăng 10% và trong nước tăng 12%. Sản lượng thép ống có thể tăng 8,5%. Giá bán sẽ giảm trong 6T2023, trước khi quay trở lại xu hướng tăng trong 2H do nhu cầu toàn cầu phục hồi.
Tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ đạt 5,5%, nhích nhẹ so với mức 4,5% của năm 2022. Về tổng thể, doanh thu và LNST năm 2023 có thể đạt 21.455 tỷ đồng (+0,3%) và 147 tỷ đồng, so với mức lỗ ròng dự kiến -575 tỷ đồng vào năm 2022.
Thêm sản phẩm tôn mạ chất lượng cao phục vụ xuất khẩu với dự án nhà máy Nam Kim Phú Mỹ
NKG đã lên kế hoạch mở rộng sang phân khúc thép mạ cao cấp hơn thông qua dự án mới nhà máy Nam Kim Phú Mỹ. Việc xây dựng sẽ bắt đầu vào Q4/2022 và kéo dài trong ba giai đoạn đến cuối năm 2026. Sản phẩm mới sẽ là thép mạ sử dụng trong các thiết bị điện gia dụng, đòi hỏi kỹ thuật sản xuất cao hơn so với sản phẩm tôn mạ hiện nay của NKG chủ yếu dùng trong xây dựng.
VDSC đánh giá dự án sẽ đóng góp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng sinh lời của NKG từ năm 2024 nhờ tận dụng lợi thế chi phí sản xuất thép thấp trong nước, từ đó giúp ổn định biên lợi nhuận. Doanh thu và LNST giai đoạn 2023-2028 ước tính tăng trưởng kép hàng năm lần lượt là 9%/năm và 35,5%/năm.
Áp dụng kết hợp ba phương pháp định giá gồm chiết khấu dòng tiền FCFF, P/E và P/B, VDSC đưa ra mức giá mục tiêu cho NKG là 11.800 đồng/cổ phiếu, tương đương khuyến nghị MUA với tỷ suất sinh lời dự kiến 30% tính theo giá đóng cửa ngày 18/11/2022.
Với mức P/B hiện tại là 0,42 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 10 năm là 0,87 lần, mức định giá hiện tại có vẻ hấp dẫn để đầu tư dài hạn vào NKG. Giá trị sổ sánh/ cổ phần dự phóng cho năm 2022 và 2023 là 18.044 đồng/cổ phiếu và 18.588 đồng/cổ phiếu, tương đương P/B cuối năm 2022 và 2023 lần lượt là 0,50 và 0,49.