Ngày 19/1/2021: Phiên giao dịch tỷ USD, VN-Index mất 61 điểm
Phiên giao dịch này diễn ra với tâm lý chốt lời khiến thị trường lao trong biển lửa, có thời điểm VN-Index mất tận 75 điểm.
Cuối phiên VN-Index mất gần 61 điểm (-5,11%) xuống còn 1.131 điểm; HNX-Index giảm 2,81% còn 224,02 điểm, UPCoM-Index giảm 3,06% còn 76,15 điểm.
Thanh khoản thị trường trên cả 3 sàn giao dịch đạt hơn 25.000 tỷ đồng, tương ứng hơn 1 tỷ USD, thanh khoản thị trường xác lập mức kỷ lục. Điều này khiến các lệnh trên HoSE bị ứ đọng không thể giao dịch.
Theo nhiều thông tin, thị trường giảm mạnh trong phiên 19/1 đến từ việc vị thế của thị trường đã kéo dài, từ tháng 12/2020 tới nay, đòn bẩy thị trường đã duy trì ở mức cao. Thêm vào đó là VN-Index giằng co quanh vùng 1.200 trong các phiên gần đây.
Ngoài ra, trong phiên sáng nay, có thời điểm nhà đầu tư không thực hiện lệnh được, bảng điện không thể hiện được mức giá kịp thì thông thường các nhà đầu tư sẽ đặt lệnh bán MP (lệnh bán bằng mọi giá).
Cộng hưởng các yếu tố khiến thị trường xuất hiện mức độ bán tháo tăng mạnh, hầu hết cổ phiếu giảm sàn bất chấp thông tin về cổ phiếu đang tốt hay xấu.
Ngày 9/3/2020: Giảm kỷ lục 6,3% vì tin COVID-19
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một trong những phiên giao dịch giảm mạnh nhất trong lịch sử ngày 9/3. VN-Index giảm 6,3%, HNX-Index giảm 6,4%. Đây là mức giảm kỷ lục trong một phiên giao dịch của VN-Index kể từ năm 2001.
Theo thống kê, trên sàn HoSE, 368 cổ phiếu giảm điểm, chỉ có 34 mã tăng giá. Trong danh mục VN30, 22/30 mã cổ phiếu giảm sàn. Trong đó, 19 mã cổ phiếu trắng bên mua cuối phiên giao dịch. Không riêng một vài nhóm cổ phiếu nào mà đồng loạt tất cả gần như giảm kịch phiên.
Nguyên nhân giảm điểm mạnh do tâm lý nhà đầu tư phản ứng tiêu cực trước tình hình dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Việt Nam, số ca mắc bệnh mới tăng đáng kể. Diễn biến này tương tự thị trường chứng khoán Hàn Quốc có những đợt giảm điểm rất mạnh khi xuất hiện đợt bùng phát ca mắc bệnh mới.
|
Các phiên giao dịch giảm điểm lịch sử của TTCK Việt Nam. |
Ngày 5-6/2/2018: VN-Index giảm hơn 110 điểm
Kết phiên ngày 5/2/2018, VN-Index giảm mạnh 56,33 điểm (5,1%) còn 1.048,71 điểm, giá trị vốn hóa bốc hơi hơn 180.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8 tỷ USD. Đà giảm lan rộng ra cả thị trường khi sàn Hà Nội với HNX-Index và UPCOM-Index cũng có mức giảm tương đương.
Thị trường ghi nhận hơn 100 mã cổ phiếu giảm sàn, mức độ ảnh hưởng còn nghiêm trọng hơn ở nhóm VN30 khi gần một nửa số cổ phiếu trắng bên mua. Tâm lý nhà đầu tư rơi vào trạng thái hoảng loạn với quyết tâm bán bằng mọi giá.
Bước sang đầu phiên giao dịch 6/2, đà giảm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi hiệu ứng "call margin" từ các công ty chứng khoán bùng nổ, tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa thể bình tĩnh.
Toàn bộ thành quả của thị trường trong 2 tháng gần đây đã bị xóa bỏ chỉ sau 2 phiên giao dịch, khi VN-Index đã giảm tổng cộng hơn 110 điểm. Đồng thời mốc quan trọng 1.000 điểm vượt qua đầu năm 2018 cũng đã bị phá vỡ.
Nhiều chuyên gia chứng khoán lúc bấy giờ cho rằng thị trường là bị ảnh hưởng từ thị trường thế giới. Thêm vào đó, thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua tăng điểm mạnh, giá các cổ phiếu vốn hóa lớn lên nhanh hơn so với hiệu quả kinh doanh.
Theo đó hàng loạt các công ty lớn Nhà nước thoái vốn, nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia đấu giá sắp đến ngày nộp tiền, sắp nghỉ Tết nên mọi người sẽ thoát danh mục để giảm chi phí margin... Khi xuất hiện yếu tố ảnh hưởng như vậy thì việc xảy ra “điều chỉnh sốc” là điều không tránh khỏi.
Ngày 9/8/2017 - Tin đồn khiến thị trường bốc hơi 2 tỷ USD vốn hóa
Đà lao dốc của nhóm cổ phiếu ngân hàng, mà tâm điểm là cổ phiếu BID của Ngân hàng BIDV ngày 9/8/2017 đã khiến VN-Index ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu năm 2016.
Tin đồn bắt bớ liên quan lãnh đạo ngân hàng và những hiệu ứng tiêu cực từ thế giới là nguyên nhân chính, tạo áp lực lớn đến nhóm vốn hóa lớn và nhóm cổ phiếu tài chính.
Mức giảm của nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm hơn 1/3 thị trường, với vốn hóa nhóm này "bốc hơi" hơn 15.700 tỷ đồng. Riêng diễn biến giảm sàn của cổ phiếu BID - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã khiến thị trường mất 7.500 tỷ đồng vốn hóa.
Ngày 24/8/2015: Giá dầu 'kéo' VN-Index mất hơn 5%
Ngày 24/8/2015, VN-Index đóng cửa sụt giảm tới 29,37 điểm, tương đương 5,28% so với tham chiếu. HNX-Index sụt giảm 5,81%. Tình trạng trắng bên mua diễn ra trên diện rộng khi có hơn 200 mã cổ phiếu giảm sàn.
Nguyên nhân chính đến từ thị trường hàng hóa khi giá dầu Brent giảm sát mức 44 USD mỗi thùng, đà lao dốc liên tục của "vàng đen" làm dấy lên lo ngại về một đợt khủng hoảng kinh tế mới.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng là nguyên nhân quan trọng, trở thành giọt nước tràn ly khi sụt giảm tới 8,45% với chỉ số Shanghai xuống mức đáy thấp nhất nhiều năm.
Thị trường rơi vào các đợt hoảng loạn mà không xuất phát trực tiếp từ nội tại cũng khiến sự lo ngại chung tăng lên. Nhà đầu tư trở nên hoang mang hơn khi không rõ những xáo động lớn ở thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ còn kéo dài đến đâu. Giá dầu khi ấy được cho có thể sụt giảm sâu hơn nữa.
Ngày 8/5/2014: VN-Index mất gần 33 điểm vì sự kiện biển Đông
Ngày 8/5/2014, VN-Index mất 32,88 điểm (5,87%) còn HNX-Index cũng giảm hơn 6% với 340 mã cổ phiếu giảm sàn. Tỷ lệ giảm 5,87% trong một phiên giao dịch cũng là kỷ lục cao nhất từ khi sàn HoSE đi vào hoạt động tháng 7/2000 đến thời điểm này.
Nguyên nhân của phiên giảm điểm là những lo ngại của nhà đầu tư về địa chính trị liên quan đến những căng thẳng trên biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa Việt Nam. Đà rút vốn lan rộng trên toàn thị trường với lực bán ra bằng mọi giá.
Ngày 21/8/2012: Bầu Kiên bị bắt, cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm sàn
Phiên giao dịch ngày 21/8/2012 mở cửa với thông tin ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) - cựu Thành viên Hội đồng sáng lập Ngân hàng Á Châu (ACB) - bị bắt đã khiến nhà đầu tư hoảng loạn, tạo nên làn sóng bán tháo ồ ạt. VN-Index chốt phiên giao dịch giảm 20,44 điểm (4,67%), HNX-Index giảm 3,7 điểm (5,24%).
Thông tin bầu Kiên bị bắt đã tác động lớn đến nhóm cổ phiếu ngân hàng khiến 8/9 cổ phiếu ngân hàng niêm yết lúc đó đều đỏ lửa. Cổ phiếu ACB mất 6,9%, chạm mức giá sàn 24.100 đồng, trong khi cổ phiếu EIB mất 4,8% xuống còn 19.800 đồng.
Nhóm VN30 có đến 25 mã giảm sàn, nhiều mã cổ phiếu bluechip cũng chịu cảnh trắng bên mua và dư bán sàn hàng loạt. Chỉ trong 3 phiên từ 21-23/8, VN-Index đã giảm 10,2% khiến vốn hoá thị trường bốc hơi khoảng 80.200 tỷ đồng.