Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam "lạ" trong tháng 11, khi chỉ số VN-Index tăng hơn 10% và nhà đầu tư nước ngoài đổ xô gia tăng sự hiện diện. Tuy nhiên sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài chỉ thúc đẩy cục bộ, giúp các mã bluechip lớn lên. Đối với nhà đầu tư cá nhân, việc thị trường dựa hẳn vào hoạt động tài chính của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang khiến họ khốn đốn.
|
Ảnh minh họa. |
Chỉ số VN-Index 'lên đồng' ở một vài cổ phiếu
Với giá trị ghi nhận trong những phiên trước cho thấy tháng 11 là một tháng thần kỳ với các mã có thị giá lớn (bluechip). Cụ thể là VIC, VNM, ROS, SAB, VRE hay nhóm cổ phiếu ngân hàng như VCB, VPB… đang là đầu tàu kéo chỉ số VN-Index đi lên.
Không chỉ giá cổ phiếu tăng liên tiếp mà các hoạt động mua bán cổ phần của VNM cũng là cú hích lớn cho thị trường. Tuần trước, Jardine Matheson Holdings của Hong Kong đã gia tăng tỷ lệ sổ hữu tại Vinamilk lên 10% và cho biết ý định mua thêm.
Động thái mua nhanh với mức giá ngoài kỳ vọng đã giúp cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường tăng mạnh, kéo theo thị trường tăng điểm đáng kể.
Trong khi đó, VRE vừa chào sàn đã tăng một mạch và chưa cho thấy dấu hiệu dừng lại. Hiện cổ phiếu này đã tăng 26% so với ngày chào sàn tuần đầu tháng, đưa vốn hóa thị trường Vincom Retail vượt ngưỡng 100.000 tỷ đồng, và là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 6 trên TTCK Việt Nam.
Các hoạt động tranh mua cổ phiếu của ông lớn bán lẻ này đẩy lực cầu lên cao, góp phần đẩy mức giá cổ phiếu tăng mạnh.
Theo ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành và Trưởng bộ phận Khách hàng tổ chức ở Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC), có thể nhận thấy nhà đầu tư nước ngoài sẵn lòng mua giá cao hơn mức hiện tại của một số cổ phiếu, điển hình như VNM, VRE, điều này có thể dẫn tới việc “đánh giá lại” thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo số liệu của Bloomberg, tính đến hết ngày 21/11, mặt bằng hệ số giá trên lợi nhuận (chỉ số P/E) của VN-Index đã lên đến 18 lần - một mức rất cao kể từ 2012 đến giờ. Chứng khoán Rồng Việt thì nhận định so sánh với các thị trường khác trong khu vực và với P/E thị trường cận biên, kể cả thị trường mới nổi, P/E của Vn-Index đã có một vị trí rất khác, không còn rê nhất khu vực như trước.
Việc P/E của thị trường lên mức cao như vậy là hệ quả của việc VN-Index đã tăng 38% từ đầu năm đến nay. Đà đi lên lại chủ yếu được dẫn dắt bởi những cổ phiếu vốn luôn có P/E cao hơn hẳn mặt bằng chung, như VIC, ROS, SAB. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy chỉ số thị trường tăng cao, mà đầu tàu là VCB và VPB với những phiên tăng giá ấn tượng
Vốn hóa sàn TP.HCM cũng đạt mức kỷ lục hơn 100 tỷ USD, đưa VN-Index tiệm cận thời hoàng kim.
Mở đầu năm nay, VN-Index chỉ loanh quanh mốc 650 điểm, nhà đầu tư chỉ kỳ vọng kết thúc năm tiến sát mốc 800 điểm là thành công. Tuy nhiên chỉ trong 2 tháng của quý IV, chỉ số đã vượt mốc 900 điểm và được kỳ vọng đạt 1.000 điểm khi kết thúc năm.
Tính tới phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đã tăng hơn 36% so với mức đóng cửa vào cuối 2016. Dòng vốn ngoại đổ vào thị trường đạt gần 14.000 tỷ đồng kể từ đầu năm đã phần nào cho thấy sự hấp dẫn kênh đầu tư này.
Nhà đầu tư cạn kiệt túi tiền kiếm được từ đầu năm
Theo nhiều chuyên gia phân tích, việc các blue chip thanh khoản rất cao không có nghĩa là thị trường được trông cậy cả vào đây. Dù VN-Index đã xác lập đỉnh mới nhưng thị trường đang cần các cổ phiếu khác để thay thế những mã lớn nếu chỉ số muốn đi tiếp một cách bền vững. Đáng chú ý, 80% nhà đầu tư trên sàn thua lỗ là điều nguy hiểm, bởi thị trường chỉ thanh khoản cục bộ với khối lượng lớn.
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia phân tích cấp cao của Công ty chứng khoán KimEng, cho rằng: “Sự lớn lên của một số ít mã cổ phiếu có vốn hóa lớn là lực đẩy chính cho đà thăng hoa của thị trường. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang hết sức ảo, vì bị dẫn dắt bởi hoạt động tài chính của các doanh nghiệp này để đi lên. Nhà đầu tư cá nhân đang đứng ngoài của cuộc chơi của khối ngoại”
Thị trường đang trở nên đắt hơn nhưng cũng phụ thuộc vào nhóm ít cổ phiếu vốn hóa lớn, nếu loại trừ nhóm này ra thì thị trường đang rất rẻ.
Trong nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn nhất thị trường hiện nay, đồng nghĩa chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số VN-Index thì bốn cổ phiếu VIC, ROS, VRE, SAB cũng có P/E đứng đầu. Theo số liệu cập nhật, VIC và ROS hiện có P/E ba chữ số, lần lượt là 218 lần và 105 lần. VRE là 78 lần và SAB là 42 lần.
Ông Khánh phân tích thêm bốn cổ phiếu này chiếm 24% vốn hoá của sàn TP.HCM, nhưng thực tế chỉ đóng góp 6% tổng lợi nhuận, nên đã vô tình kéo mặt bằng P/E của thị trường lên cao hơn mức bình thường. Nếu tạm bỏ qua 4 cổ phiếu trên, P/E toàn thị trường giảm đáng kể xuống chỉ còn 14,7 lần. Như vậy sự mất cân đối của thị trường là rất lớn.
Thị trường liên tục xác lập kỷ lục mới, nhưng 80% mã cổ phiếu đang thanh khoản trên sàn giảm giá, kể cả các mã bluechip khác đang là dòng đối lưu chảy ngược với VN-Index, rất dễ tạo ra sóng ngầm. Rõ ràng, tỷ lệ để nhà đầu tư chọn phải mã giảm giá đang rất cao so với mã tăng, chưa kể các mã tăng của nhóm bluechip hiếm khi có hàng cho nhà đầu tư trong nước.
“Thị trường trong 7 tháng đầu năm hoạt động tương đối ổn định, nhưng 3 tháng trở lại đây là rất ảo. Thực tế phần đông nhà đầu tư thua lỗ, tiền họ kiếm được trong 7 tháng đầu coi như mất sạch, thậm chí là âm vào vốn, và nhiều người còn rời sàn ra đi. Thị trường vẫn lên điểm đều đặn đang đánh thẳng vào niềm tin của nhà đầu tư”, ông Khánh chia sẻ.
Chuyên gia này nói rằng thị trường đang trải qua một giai đoạn hết sức kỳ lạ, khi nhà đầu tư bay cao với chỉ số nhưng cạn kiệt túi tiền. Diễn biến đang xảy ra khiến niềm tin nhà đầu tư tụt dốc, họ vẫn chưa biết dựa trên cơ sở nào để tiếp tục với cuộc chơi đầy mâu thuẫn này.