Đổi đời nhờ sầu riêng
“Bà con mua ô tô, xây nhà nhiều lắm. Từ đầu năm 2024 đến nay, riêng huyện tôi đã hơn 1.000 ô tô đăng ký mới. Tất cả nhờ sầu riêng”, một lãnh đạo huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) chia sẻ với PV Tiền Phong. Chúng tôi đi thực tế ghi nhận tại thủ phủ sầu riêng Krông Pắc vào một ngày trung tuần tháng 7. Thời điểm này, sầu riêng đang vào vụ thu hoạch. Hai bên đường, sầu riêng được bày bán, tập kết tấp nập. Từng đoàn xe đầu kéo nối đuôi nhau, có lúc đậu ken đặc bên đường, kho bãi chờ “ăn hàng”. Không khí vào vụ sầu riêng thật nhộn nhịp khiến lữ khách đường xa cũng chộn rộn theo.
|
Ông Y Phul Niê mua được xe ô tô nhờ sầu riêng. |
Men theo con đường đất đỏ bazan, chúng tôi đến thăm vườn sầu riêng rộng hơn 2 héc-ta của gia đình ông Lê Văn Thành (thôn Phước Hoà, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc). Nhà ông Thành có 350 cây sầu riêng, trong đó khoảng 150 cây đang cho thu hoạch. Nâng niu quả sầu riêng to tròn đang lơ lửng trên cây, ông Thành cho biết, sầu riêng ở đây là giống Dona, chuyên để xuất khẩu. “Hơn 1 tháng nữa, vườn cây sẽ cho thu hoạch. Năm nay vườn sầu riêng sai trái, dự kiến cho thu hoạch từ 45-47 tấn quả. Với giá bán 83.000 đồng/kg như năm ngoái, gia đình tôi dự kiến thu về hơn 3 tỉ đồng”, ông Thành phấn khởi.
Ông Thành cho biết thêm, nhờ cây sầu riêng, vừa qua gia đình tậu được ô tô, mua vài lô đất. Hiện, ông đang xây căn nhà trị giá hơn 2 tỉ đồng. “Với người giàu, có 5-7 tỉ rất bình thường nhưng với nông dân như tôi, đó là số tiền lớn. Cả đời làm nông, tôi chưa từng nghĩ có tiền tỉ trong tay. Tuy nhiên, nhờ sầu riêng, tôi đã đổi đời”, ông Thành phấn khởi.
Cũng nhờ “ôm gốc” sầu riêng, gia đình ông Y Phul Niê (buôn Jung, xã Ea Yông) đã vượt qua giai đoạn khó khăn, thậm chí xây được nhà khang trang, mua ô tô. Gia đình ông Y Phul có hơn 1,6 héc-ta sầu riêng, cho thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng. Theo ông Y Phul, cây sầu riêng mang lại nguồn thu tốt hơn nhiều cây trồng khác. “Nhờ cây sầu riêng, năm 2016, gia đình xây được nhà. Đến năm 2018, chúng tôi sắm được ô tô, phục vụ việc đi lại”, ông Y Phul Niê nói.
Sở hữu hơn 6 sào sầu riêng, gia đình chị Đỗ Thị Thơm (thôn Tân Lập, xã Ea Yông) đã tậu được ô tô từ năm 2018. “Năm đó, nhà tôi thu được 12 tấn sầu riêng, bán với giá 68.000 đồng/kg, giá cao nhất thời điểm đó. Nhà tôi quyết định mua ngay 1 chiếc ô tô trị giá 680 triệu đồng, tương đương với 10 tấn sầu riêng. Thời điểm đó, gia đình tôi rất háo hức, vui mừng”, chị Thơm chia sẻ.
Kỳ vọng một mùa bội thu
Tỉnh Gia Lai có gần 6.000 héc-ta sầu riêng, tập trung chủ yếu ở các huyện: Chư Prông, Ia Grai, Đăk Đoa, Chư Sê, Chư Pưh. Toàn tỉnh đã được cấp 54 mã số vùng trồng giống cây này với diện tích hơn 1.200 héc-ta.
Những ngày này, rất nhiều thương lái đổ về Gia Lai tìm mua sầu riêng. Họ sẵn sàng trả giá cao, đặt cọc để mua hàng. Riêng các vườn lớn, doanh nghiệp vào tận nơi ký hợp đồng thu mua với những điều khoản chặt chẽ, nhằm có lợi cho cả hai bên.
Mấy hôm nay, gia đình ông Châu Văn Hận (thôn Cát Tân, xã Ia Bang, huyện Chư Prông), khá bận rộn do đón nhiều thương lái từ miền Tây tới đặt vấn đề ký hợp đồng thu mua sầu riêng. Ông Hận chia sẻ, năm nay vườn của gia đình cho năng suất khá, chất lượng quả đẹp, các thương lái đến thăm, đưa ra giá khá hấp dẫn để ký kết thu mua. Với mức giá hiện nay, cộng sản lượng đạt khoảng 35 tấn, sau khi trừ hết chi phí, gia đình còn lãi khoảng 2,4 tỉ đồng.
Ông Đào Duy Quỳnh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Cao Nguyên (xã Ia Bă, huyện Ia Grai) cho hay, hợp tác xã có 100 héc-ta sầu riêng, được cấp 2 mã số vùng trồng từ năm 2023. Ông Quỳnh ước đạt, sản lượng sầu riêng năm nay của hợp tác xã khoảng 1.000 tấn.
“Rất nhiều thương lái vào vườn để tranh mua sầu riêng. Với kinh nghiệm của tôi, việc cắt giá bán xô có lợi hơn nhiều so với việc chốt giá bán hàng kẹp. Với tình hình như hiện nay, nông dân, thành viên hợp tác xã sẽ có một vụ mùa bội thu”, ông Quỳnh phấn khởi.