Ngôi nhà vườn ở Cần Đước (Long An) do kiến trúc sư Phan Tất Hội dành tâm huyết thiết kế và thi công tặng bố mẹ an hưởng tuổi già. Trên mảnh đất rộng 1000m2, anh cho xây dựng ngôi nhà 120m2, phần còn lại là sân, vườn và hồ nước điều hòa. Tổng chi phí hoàn thiện công trình khoảng 1,5 tỷ đồng.
Ngôi nhà mái dốc, phù hợp khí hậu địa phương, tránh nước mưa đọng và rất mát mẻ.
Chị Lê Ái – bà xã của kiến trúc sư Phan Tất Hội chia sẻ, hai vợ chồng chị đang sống ở Đà Lạt (Lâm Đồng), bố mẹ chồng sống ở Long An. Khi xây ngôi nhà này xong, chị và ông xã đã phải dành nhiều thời gian thuyết phục bố mẹ chuyển từ khu phố xá nhộn nhịp về đây sống. Bởi việc rời xa nơi đã gắn bó hàng chục năm với người lớn tuổi không phải là điều dễ dàng.
Chị tâm sự: “Mảnh đất này của bố mẹ chồng tôi. Cách đây 5 năm, ông bà mỗi ngày đều chạy xe máy hơn 5km để tưới từng cây dừa, cây nhãn, cây bơ và cây mai. Sự chăm sóc, yêu thương từng ngọn cây, ngọn cỏ của ông bà đã biến nơi đây thành nơi “đất lành, chim đậu, cây trái sum suê”.
Ý tưởng công trình được học hỏi từ ngôi nhà cổ 100 tuổi cách khu đất 200m.
“Từ xưa nhà Việt truyền thống đã mang vẻ đẹp rất riêng. Vợ chồng tôi lưu giữ, học hỏi và giữ gìn những giá trị văn hoá đó nhưng sử dụng ngôn ngữ hiện đại hơn để phù hợp văn hoá, nhu cầu sử dụng hiện tại”, chị Lê Ái nói.
Theo chị Ái, cái khó nhất của ngôi nhà là tối ưu hóa chi phí và tôn trọng những thứ mang đặc tính địa phương mà vẫn giữ được tiêu chuẩn của một không gian nghỉ dưỡng tiêu chuẩn.
Trong đó cũng bao gồm việc giao tiếp, trao đổi với thợ địa phương để họ hiểu được tinh thần và ý đồ của mình vào công trình, sử dụng vật liệu, tôn trọng khí hậu…
Một số hình ảnh phối cảnh của nhà.
Điểm độc đáo nữa trong ngôi nhà này là cánh cửa gỗ. Cánh cửa được kiến trúc sư Phan Tất Hội và người bác dành rất nhiều thời gian, tâm huyết.
Khi có gió, cần không gian kín đáo, gia chủ chỉ cần gập các phần chớp trên cửa, còn bình thường có thể mở ra để lấy gió và ánh sáng vào nhà.
Cánh cửa độc đáo, được kiến trúc sư và người bác dày công nghiên cứu.
Nội thất bên trong mang sự đan xen giữa cổ điển và hiện đại. Nhiều chi tiết đồ dùng cũng được chú trọng. Ví dụ như chiếc rế lót nồi, hiện nhiều nơi người dân đã ít sử dụng, do họ dùng bếp từ, bếp điện, không bị bám nhọ như bếp than, bếp củi. Tuy nhiên, chị Ái đã tận dụng rế đựng hoa quả, bày trí bàn trà rất mộc mạc, mang đậm hồn quê.
Ngoài ra, phần gỗ trên tường được chồng chị Ái làm thủ công. Gỗ được khò gas từng thanh trước rồi phết sơn chống ẩm và cuối cùng là phơi nắng. “Do Tết không có thợ nên gia đình tự làm cả rồi tự đóng luôn”, chị Ái chia sẻ thêm.
Xung quanh nhà là ruộng lúa canh tác theo kiểu truyền thống, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật nên gia đình cũng không phải lo lắng về vấn đề sức khỏe.
Ngôi nhà mát rượi với chim chóc, ong bướm làm tổ, hoa nở rực rỡ. Cuộc sống bình yên, nhẹ nhõm, rời xa những ồn ào của phố thị.
Các mảng sáng - tối trong nhà tạo ra vẻ đẹp nghệ thuật.
Phòng khách và bàn ăn thông nhau trên không gian mở. Chiếc rế lót nồi thành rổ đựng trái cây đẹp mắt.
Hàng hiên cản mưa, nắng mát rượi theo lối làm nhà của người Việt xưa.
Sân vườn quy hoạch khoa học, phân ra nơi đậu xe, đào ao nuôi cá và thảm cỏ xanh rì.
Khoảng trời tĩnh lặng và trong vắt.
Ngôi nhà dựng lên bằng tình yêu của gia chủ với mảnh đất, bằng sự tâm huyết và mong mỏi của người con dành cho bố mẹ.
Phòng bếp vào buổi tối, ánh sáng phân bổ hợp lý, tránh quá chói nhưng vẫn đủ sử dụng và tạo độ ấm áp, quây quần.
Mảng gỗ đen trên tường được chồng chị Ái làm thủ công.
Ngôi nhà cho người lớn tuổi sinh sống và đón các con về chơi vào các dịp cuối tuần, nghỉ lễ nên kiến trúc sư chú trọng đến yếu tố nghỉ dưỡng, để đại gia đình có những khoảnh khắc thật ý nghĩa bên nhau.
Các phòng ngủ đều có ánh sáng tự nhiên, view nhìn ra khu vườn xanh ngắt, thoáng đãng.
Hoàng hôn buông xuống cũng là lúc khu nhà lên đèn rực rỡ, gió mát từ đồng lúa thổi vào cho tâm hồn gia chủ sự thư thái, an yên.