Thôn Thanh Bình, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông là nơi cư trú của cộng đồng người Nùng di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào quê mới từ lâu nay. Cũng như cư dân địa phương, người Nùng Thanh Bình trồng cà phê, trồng dâu, nuôi tằm. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, một loại cây trồng mới đã dần trở thành cây trồng mang lại thu nhập khá cho bà con Thanh Bình.
Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phi Liêng đưa người tới thăm nhiều nông hộ trong thôn Thanh Bình. Ông cho biết, từ vài năm trở lại đây, người Nùng Thanh Bình chuyển dần diện tích dâu tằm sang trồng cà chua Rita, giống cà chua cao sản chuyên trồng ngoài trời.
Ông Tùng thông tin, cà chua Rita là giống cà chua có sức sống tốt, sinh trưởng dễ dàng, cây khỏe, tán rộng, đậu trái tốt cả mùa nắng và mưa. Trọng lượng trái không lớn, trung bình từ 100-120 g một trái nhưng thịt dày, nhiều bột. Đặc biệt, cà chua Rita chống chịu bệnh bã trầu rất tốt trong mùa mưa, là giống cà chua thích hợp trồng ngoài trời.
Người dân thôn Thanh Bình (xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, Lâm Đồng) thu hoạch cà chua.
Ông Tùng cũng nhận xét, ở nhiều vùng trồng cà chua lâu năm và diện tích lớn, cà chua thường gặp nhiều bệnh hại. Còn với thôn Thanh Bình, đất mới, nông dân chăm kỹ, sử dụng thuốc và phân bón đúng kĩ thuật, những cây cà chua Rita của bà con rất khỏe, ít bệnh, năng suất trái cao và hình thức trái rất đẹp.
Chị Đỗ Thục Quyên, một trong những hộ đầu tiên trồng cà chua Rita ngoài trời tại thôn Thanh Bình đang trong vụ thu hoạch. Chị Quyên chia sẻ, trước đây gia đình chị chủ yếu trồng dâu tằm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các hộ lân cận, năng suất dâu tằm ngày càng giảm sút. Tìm kiếm một hướng đi mới, chị Quyên quyết định chuyển sang trồng cà chua Rita. Với 2,8 sào đất, chị Quyên áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến được học từ các buổi tập huấn và những người đi trước. Nhờ vậy, cà chua Rita của chị cho năng suất cao, trung bình mỗi đợt thu hoạch đạt từ 6 tạ đến 2 tấn quả.
Chị Quyên chia sẻ: “Trồng cà chua cơ bản cũng dễ, quan trọng là phải học kinh nghiệm trồng từ người đi trước, từ các lớp chuyển giao kỹ thuật. Đầu tư ban đầu cũng thấp, chủ yếu là công chăm hàng ngày phải rất chú ý ngừa sâu bệnh hại trước khi bệnh xuất hiện”. Theo chị Quyên, nhà chị thu hoạch cà chua theo đợt, khi trái già sẽ tiến hành hái và có thương lái tới thu mua ngay tại thôn. Giá cả thì tuỳ theo giá thị trường nhưng do mức đầu tư không cao nên hầu hết người trồng cà chua đều có lãi ổn định.
Nhờ hợp đất, hợp khí hậu và bàn tay chăm chỉ của người nông dân, cây cà chua Rita cho năng suất tốt trên mảnh đất Thanh Bình. Một trong những thương lái thường xuyên thu mua cà chua của bà con Thanh Bình, anh Hà Long Vũ cho biết: “Nói chung cà chua thôn Thanh Bình trái to, đẹp vì đất mới, bà con chăm rất kỹ, cũng ít phun xịt nên cà chua để được lâu, người tiêu dùng cũng thích. Giá chúng tôi thu mua tuỳ thuộc giá chợ lên xuống nhưng cơ bản cũng ổn định, các vựa thu hết hàng cho bà con, tiền nong cũng nhanh chóng, bà con yên tâm trồng”.
Nhờ vào ưu thế thổ nhưỡng, khí hậu, mô hình trồng cà chua Rita ngoài trời đang được nhân rộng tại thôn Thanh Bình. Theo thống kê của Hội Nông dân xã Phi Liêng, hiện nay, toàn thôn có hơn 40 hộ dân tham gia trồng cà chua với tổng diện tích trên 10 ha. Với sản lượng trung bình 27- 30 tấn/ha/vụ, cà chua Rita mang lại cho nông dân những vụ mùa rực đỏ. Nhờ năng suất cao và giá thành ổn định, cà chua Rita đã dần quen thuộc với bà con nơi đây, giúp bà con cải thiện đời sống bên cạnh nhiều cây trồng, vật nuôi khác.
Ông Hoàng Tùng đánh giá cao hiệu quả kinh tế của mô hình trồng cà chua Rita ngoài trời. Theo ông Tùng, đây là một hướng đi mới cho nền nông nghiệp địa phương, giúp bà con Nùng khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, tăng thu nhập và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề xã Phi Liêng cũng như bà con lo lắng nhiều là nếu mở rộng diện tích, cây cà chua sẽ gặp tình trạng bệnh như nhiều vùng trồng cà chua truyền thống khác. Bởi vậy, Hội Nông dân cũng như chính quyền xã Phi Liêng, bà con nông dân thôn Thanh Bình đang tính toán để sản xuất cà chua hợp lý hơn. Trong đó, có việc tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất theo quy mô nhóm hộ, liên kết bao tiêu sản phẩm ổn định cho người nông dân để đảm bảo những vụ cà chua bền vững.