Đất nhọc nhằn nuôi người cơ cực
Làng nghề nồi đất có từ bao giờ, chẳng ai biết được nhưng với người dân xã Trù Sơn, Đô Lương, Nghệ An, đây là cái nghề cơ cực nhất. "Truyền thuyết kể rằng, ông trời cho mỗi làng được chọn một nghề. Đến ngày đi bốc thăm chọn nghề thì người được cử đại diện cho làng ngủ quên mất. Khi đến nơi thì chỉ còn nghề nặn nồi đất vì cực nhọc không ai chọn nên đành nhận về cho làng", ông Nguyễn Hữu Thanh (xóm 6, xã Trù Sơn) kể về sự tích nghề nặn nồi đất của cha ông mình.
Ông Thanh bảo, kiếm cơm từ đất thì không dễ dàng, khó ngay từ phần nguyên liệu. Đất để làm nồi phải là đất thịt, dẻo, mà ở đây không có, phải sang mãi bên huyện Yên Thành, Nghi Lộc đào rồi chở về. Đó là chuyện ngày xưa, nay thì phải mua, có khi đặt hàng người ta chở đến tận nơi, cất vào góc sân để dùng dần.
Đất nhào nặn, lọc bỏ sạn sỏi, khi nào mềm, dẻo thì mang ra nặn thành nồi. Nghề nồi đất có lẽ là công việc phân hóa theo giới tính rõ nhất. Cũng không rõ có quy ước nào không nhưng từ xa xưa đến giờ, đàn ông chỉ lo đất, chất đốt và bán sản phẩm, công đoạn làm nồi, đốt nồi đều do cánh phụ nữ đảm nhận.
"Nghề này phải tỉ mẩn, khéo léo, kiên trì, đàn ông họ ăn to nói lớn, không trụ được. Có khi ngồi tù tì từ sáng đến trưa rồi từ trưa đến tối", cụ Phạm Thị Hoàng nói.
Cũng không rõ tại ngồi lâu nên mỏi hay phải ngồi tư thế đó mới làm việc thoải mái nhất mà khi vào việc, những người phụ nữ này đều chung dáng ngồi khá lạ, nếu đầu gối không quá tai thì cả phần ngực tựa hẳn vào chân.
Cụ Hoàng năm nay 81 tuổi, cũng ngót nghét 65 tuổi nghề, đôi bàn tay nhăn nheo nhưng khéo léo, thoăn thoắt vắt đất, một tay đẩy bàn xoay, một tay ấn vào nắm đất để tạo thành chiếc sanh hay vung nồi. Sản phẩm sau khi tạo hình được đặt trên một tấm ván mỏng, hẹp rồi mang ra nắng phơi.
"Phải trông nắng mà "đon" lúc nào nồi vừa khô để mang vào gọt dũa cho đẹp rồi phơi tiếp. Cái nghề này chả có sách vở gì dạy cả, cứ người trước bày cho người sau, phải dùng tay, dùng mắt mà "đo" ấy vậy mà trăm cái như một", cụ Hoàng rủ rỉ về cái nghề đã theo mình ngót cả đời người.
Nghề nồi đất phải canh đủ thứ. Canh nắng, canh mưa, canh lửa rồi mới ra được thành phẩm là chiếc nồi nhẹ, mỏng, chắc chắn, gõ vào nghe như chuông khánh.
Cực "chạy mưa" có lẽ không thể so với cái khổ của thợ đốt lò nung nồi. Lò đặt giữa sân, nên phải chọn lúc trời nắng đẹp mới có thể nhóm lửa. Đốt 4-5 tiếng nồi mới chín, trong quãng thời gian ấy người đốt lò gần như không có thời gian để nghỉ, bởi chất đốt thường là lá cây, nhanh đỏ nhưng cũng mau tàn, phải tiếp liên tục.
Bà Nguyễn Thị Ngà bịt kín mít, chỉ hở đôi mắt, cầm một chiếc sào, liên tục đẩy chất đốt vào sâu trong lò để lửa tản đều. Đó là lúc người thợ đốt lò "vào lửa trận". Trên nắng dội xuống, lửa trong lò táp ra, người thợ đốt phải áp sát lò để đảm bảo lửa đủ mạnh và đều khắp lò, canh để đảo nồi chín đều. Bịt bằng mấy lớp khăn nhưng khi tháo ra, mặt bà Ngà đỏ tấy như tôm luộc, mồ hôi ướt đẫm cả trán, chảy xuống gò má.
"Nung là công đoạn quan trọng nhất, quyết định thành bại của cả mẻ nồi. Nếu lửa chưa đủ, nồi sẽ sống, nếu quá lửa, nồi bị "già", dễ vỡ. Sau 4-5 tiếng đối diện với lò lửa, mấy lần "bảo hộ" nhưng da vẫn bỏng rát", bà Ngà nói.
Nỗi lo giữ nghề
Những năm 80-90 của thế kỷ trước là thời gian hưng thịnh của làng nghề nồi đất Trù Sơn. Thời điểm ấy, cả xã phải vài trăm nhà làm nồi, lò nung thay nhau đỏ lửa, khói mịt mù cả một vùng trời.
Từ những chiếc trách (sanh), siêu đun thuốc hay nồi đồ xôi, qua bàn tay khéo léo của phụ nữ làng nồi, chất đầy hai chiếc bồ, theo những người đàn ông rong ruổi trên xe đạp khắp các huyện trong tỉnh, sang mãi Hà Tĩnh, Quảng Bình...
Khi nồi gang, nồi nhôm lấn át thị trường thì nồi đất trở nên thất sủng, những chiếc lò trở nên nguội lạnh, lâu dần người ta đập hết đi. Ấy là chuyện của vài chục năm về trước, nay nồi đất Trù Sơn làm đến đâu, tiêu thụ đến đó, thậm chí khách đặt hàng trước cả năm.
"Nay không ai phải đẩy xe đạp bán nồi nữa, làm đủ số lượng, xe tải về tận nơi lấy. Nồi Trù Sơn nay nhập thẳng cho các nhà hàng đặc sản trong tỉnh hay ra các tỉnh phía Bắc, nhất là vào dịp Tết hoặc nhập cho các đại lý.
Dù giá cả, công lênh chả bao nhiêu nhưng được cái đầu ra ổn định, chịu khó chắt lót thì vẫn có cái để tiêu. Nhưng không biết đến hết đời chúng tôi, còn ai giữ được nghề không?", bà Lưu Thị Thiết - chủ một cơ sở sản xuất nồi đất có quy mô ở Trù Sơn, tâm sự.
Bà Thiết có 5 người con, trừ đứa con út đang học cấp 3, còn lại đi làm ăn xa, chẳng ai mặn mà với nghề tổ tiên để lại. Hai ông bà vẫn gắng giữ lấy nghề, làm không kịp thì thuê chị em trong làng.
Ăn học và trưởng thành nhờ những chiếc nồi đất của bà, của mẹ, trải qua những năm tháng tuổi trẻ đẩy xe đạp thồ chất đầy trách, chõ xôi, siêu đun thuốc... rong ruổi khắp Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình để bán, Chủ tịch UBND Trù Sơn Nguyễn Thụy Chính nhiều tâm tư và trăn trở với nghề cha ông để lại. Theo nhẩm tính của ông, hiện toàn xã không đến 20 hộ sản xuất nồi đất thường xuyên với trên 100 lao động, chủ yếu là người già, chị em phụ nữ trên 40 tuổi.
"Sản phẩm của làng nghề cũng đa dạng hơn, ngoài trách, siêu còn có chậu hoa cây cảnh..., làm đến đâu tiêu thụ đến đó. Đầu ra thì không phải lo nhưng lao động kế tục, giữ nghề ông cha thì là vấn đề lớn", ông Nguyễn Thụy Chính tâm tư.
Công việc không nặng nhọc nhưng vất vả, thu nhập thấp, kiểu nghề "bòn bạc lẻ" này không đủ sức hấp dẫn đối với người trẻ.
"Trừ một số người có tay nghề đặc biệt, được trả mức 80 nghìn đồng/ngày công và thợ đốt lò 120 nghìn đồng/người/lò thì những người tính theo sản phẩm thu nhập chỉ ở mức 50-60 nghìn đồng/ngày.
Nếu làm đều tay thu nhập mỗi tháng trên dưới 2 triệu đồng. Còn đi làm công nhân nhà máy, mỗi tháng thấp lắm cũng 5-6 triệu bạc, bằng 2-3 lần "còng lưng, tức ngực" nặn nồi, lại được cái chân tay sạch sẽ", ông Nguyễn Văn Luyện - chồng bà Thiết lí giải.
Làng nồi đất Trù Sơn đang vào vụ Tết, nhưng đằng sau cái tấp nập, vội vã của những chuyến hàng là nỗi ưu tư, trăn trở của những người đau đáu với nghề ông cha.