Người nông dân đặt tên cây siêu quả Magic S bằng một cái tên dân dã là cây cà chua thân gỗ. Đây là cây trồng được Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu, đưa từ Nam Mỹ về Việt Nam và phổ biến cho nhiều người dân cùng áp dụng để chuyển đổi cây trồng.
Gia đình ông K’Ly ở thôn 1, xã Tân Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng là người đầu tiên trồng cây cà chua siêu quả Magic S của huyện Di Linh. Hiện tại, gia đình ông có 2.500
Ông K’Ly cho biết, ông bắt đầu trồng cây cà chua thân gỗ từ tháng 4.2017. Cây cà chua tăng trưởng rất nhanh và khỏe, chỉ sau 8 tháng, nhiều cây trong vườn đã vươn cao hơn 3m và ra quả, chuẩn bị cho thu hoạch.
“Cây khá dễ trồng, chỉ cần bón phân vi sinh và hóa học, tưới nước 4-5 ngày/lần và rất ít khi nào phải đụng đến thuốc bảo vệ thực vật”, ông K’Ly cho biết.
Theo nhiều tài liệu, cây cà chua thân gỗ có tuổi thọ trên 15 năm, ra trái quanh năm. Năng suất có thể đạt từ 30-45 tấn/hecta. Quả có nhiều thịt, hình bầu dục, khi chín có màu tím, có vị chua ngọt, dùng để ăn sống, xay sinh tố, làm rượu vang... Đây là loại quả được nghiên cứu là chứa nhiều vitamin, giá trị dinh dưỡng cao, chống oxy hóa, chống lại nhiều loại bệnh tật.
Theo thống kê của UBND xã Tân Thượng, hiện tại, trong xã có hơn 10 hộ đã phá càphê để trồng cà chua thân gỗ. Tại xã Tân Châu, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng cũng có khoảng chục hộ đang bắt đầu trồng loại cây này.
Trước đây, cà chua Tamarillo đã xuất hiện tại Hà Nội và TPHCM với giá gần rất cao, từ 800-1,3 triệu đồng/kg. Sở dĩ giá cao như thế là do hàng nhập khẩu từ Nam Mỹ. Với việc người nông dân trong nước có thể trồng được, giá thành giống cà chua quý giá này có thể sẽ “hạ nhiệt” để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân.
“Tôi cũng không hi vọng người dân sẽ mua cà chua giá tiền triệu như trên mạng, chỉ cần giá bằng giá cà phê 35-50 ngàn đồng/kg trở lên là bà con có thể sống được bằng loại cây này”, ông K’Ly bày tỏ.