Như đã hẹn với anh Trần Văn Hải-một ngư dân lâu năm, 5 giờ 30 phút một ngày giữa tháng 7, tôi có mặt tại bãi biển thuộc thôn Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong để được mục sở thị việc “săn thuồng luồng quái”. Với cái bắt tay thân thiện cùng nụ cười dễ mến, anh Hải kể cho tôi nghe kinh nghiệm lý thú về nghề này trong khi chờ con nước rút. Anh Hải cho biết, muốn bắt được cá chình biển phải đợi cho thủy triều xuống sâu, nước biển trong xanh thì mới “săn” được cá.
|
Anh Trần Văn Hải và Bùi Văn Thêm bên những con cá chình vừa săn được. Ảnh: A.N |
Mặt khác, người bắt cá chình phải là những ngư dân bơi lội giỏi, có kinh nghiệm nhìn mặt nước đoán biết nơi đàn cá tập trung và phải nhanh nhẹn, chính xác trong thao tác đâm cá thì mới có thể hành nghề. Bản thân anh Hải hàng năm vào mùa này đều tạm gác việc đánh bắt xa bờ bằng lưới để đi bắt cá chình. Anh Hải cho biết thêm: “Nghề này tuy ngắn nhưng thu nhập đều và cũng khá. Hình thức đánh bắt này cũng rất an toàn vì gần bờ. Và đặc biệt đi “săn thuồng luồng quái” có cái thú vị riêng của nó, ngư dân tụi tui thường đua nhau xem ai bắt được nhiều cá nên những buổi săn cá chình luôn tràn ngập tiếng cười, tiếng nói”.
Theo những ngư dân cao tuổi tại các xã bãi ngang, vào mùa này cá chình biển bơi vào bờ rất nhiều. Những mùa khác trong năm, cá chình sinh sống ở các rạn san hô, các bãi đá ngầm và cách xa bờ biển chừng 15 đến 20 hải lý. Nhưng do đặc điểm sinh sản, nên cứ vào những tháng hè hàng năm, nhiều đàn cá chình lại kéo nhau vào bờ cư trú để sinh sản. Đến đầu tháng 8 thì cá chình lại di trú về nơi chúng đã ra đi. Cá chình biển chủ yếu có 3 loại: cá chình bông, chình nghệ, chình dừa. Chúng thường núp dưới lớp cát mỏng để rình bắt tôm, cá nên khi lặn xuống biển để bắt cá ngư dân phải tinh mắt quan sát mới phát hiện ra được.
6 giờ sáng, khi thủy triều rút xuống rất cạn, mặt nước trở nên trong xanh, ánh nắng từ hướng Đông cũng lên vừa đủ thì các ngư dân mỗi người chọn cho mình một vùng biển và mang theo các vật dụng là kính lặn tự chế để nhìn rõ mọi vật trong nước, một đoạn dây cước dài dùng để xâu cá. Dụng cụ đâm cá được chế tạo bằng một đoạn tre dài, một đầu tre gắn với 3 thân sắt được mài nhọn và sắc, người dân nơi đây gọi là lưỡi lê và thi nhau lặn xuống mặt nước sâu không quá 2 mét để đâm cá. Tiếng hét của anh Hải vang lên đầu tiên với con cá chình dài khoảng 1 mét. Cá bị đâm xuyên bụng nằm quặn tròn ngay đầu lưỡi lê, báo hiệu cho những ngư dân khác biết đàn cá chình đang bơi tập trung tại vị trí anh Hải đang đứng. Ngay sau đó, chừng 7 ngư dân khác cũng bơi đến chỗ anh Hải. Chẳng mấy chốc đàn “thuồng luồng quái” hơn 30 con được nhóm anh Hải “săn” gọn. Đưa số cá vừa bắt được cho những người vợ đứng đợi sẵn trên bờ, cả nhóm lại tản ra và đi tìm đàn cá mới ở những vùng biển khác.
Bờ biển lúc này như một bức tranh sinh động, thanh bình với hình ảnh người vợ tần tảo phụ chồng cân cá bán tại chỗ cho những người thu mua, nhiều em nhỏ nô đùa í ới quanh mẹ; dưới mặt nước những người đàn ông trụ cột trong gia đình đang cần mẫn, chịu khó ngụp lặn đâm cá, thoảng chốc lại kéo lê những xâu cá nặng lên bờ với những lời nói đùa mộc mạc “trúng mánh rồi” hay “gạo về”. Phía Đông mặt trời đang lên dần với màu nắng nhạt.
Như những ngư dân khác, anh Bùi Văn Thêm, ở thôn Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong cũng có thâm niên trong nghề săn cá chình trên 20 năm. Nói về những kinh nghiệm khi săn cá chình biển, anh Thêm cho biết: “Nghề này nhìn thì đơn giản nhưng khi lặn xuống nước không phải ai cũng bắt được cá chình biển. Thân cá trơn, dài, tròn nên khi đâm phải nhắm chính xác phần bụng lúc phình ra. Phải đâm dứt khoát 1 lần vì loài cá này rất nhanh, đâm không trúng thấy động là chúng trốn mất tăm. Cá chình biển con dài nhất khoảng 2 mét với cân nặng khoảng 5 kg. Với những con cá to khi bắt được phải cẩn thận, không nên đụng vào phần đầu cá vì khi vừa đâm xong, cá vẫn còn sống có thể vùng vẫy cắn trúng tay. Làm nghề này vui nên tôi cũng tạm gác công việc thường ngày để tham gia”.
Trời dần trưa, thủy triều cũng lên dần. Lúc này mặt nước biển càng lúc càng đục, việc tìm cá chình cũng khó hơn. Khoảng 9 giờ sáng, các ngư dân lên bờ và tạm ngưng việc săn cá chình trong một ngày. Chỉ với 3 tiếng đồng hồ nhưng sản lượng cá chình bắt được của các ngư dân khá nhiều. Số cá chình anh Hải bắt cân lên được 14 kg với thu nhập gần 600 ngàn đồng. Riêng anh Thêm thì thu nhập từ việc bán cá chình được 500 ngàn đồng. Những ngư dân khác có thu nhập tương tự. Thu nhập trội nhất là ngư dân Trần Văn Lộc với 800 ngàn đồng. Anh Lộc cho biết: “Sáng nay bắt được số lượng cá như vậy là cũng bình thường. Những hôm may mắn không chỉ bắt được cá chình mà còn trúng đậm cá đuối nữa. Có khi bắt được mấy con cá đuối nặng gần 50 kg và phải huy động mấy ngư dân mới kéo vào bờ cân bán được”.
Kết thúc một buổi săn cá chình lý thú, các ngư dân thường không bán hết số cá đã bắt được mà để lại 1-2 con loại trên 1 kg, dài hơn 1 mét mang về nhà để chế biến thành các món như: nướng, xào, kho, nấu canh chua, nấu cháo, lẩu… nhâm nhi cùng vợ con. Thịt cá chình biển dai, ngọt, béo khi chế biến thành các món ăn đều có mùi vị rất đặc trưng nên những ai đã từng ăn qua đều không thể quên được món cá này.