Nghề "spa" hàng hiệu: Sơ sẩy một tí là đền vài trăm triệu

Google News

Với những món đồ giá trị lên đến vài tỷ đồng, thợ spa chăm sóc, làm đẹp và sửa chữa hàng hiệu cũng mang trên mình áp lực rất lớn.

Ngày nay, việc "săn" những món đồ đến từ các thương hiệu xa xỉ trên thế giới đã trở thành thú vui của giới siêu giàu Việt Nam. Trong đó, nhiều người không ngại chi hàng tỷ đồng nhằm sở hữu chiếc túi, đồng hồ, bộ quần áo, giày dép phiên bản giới hạn.
Chính vì điều này mà ngành spa (chăm sóc, làm đẹp) và sửa chữa hàng hiệu đã ra đời và trở nên phổ biến ở các kinh đô thời trang. Đồng thời, mỗi người thợ muốn hành nghề đều trải qua quá trình đào tạo và đạt đủ tiêu chuẩn của các hãng thời trang cao cấp quốc tế.
Nghe
Những chiếc túi xách Himalaya Birkin cực hiếm với giá trị vài tỷ đồng được giới siêu giàu săn đón (Ảnh: REUTERS). 
Ra nước ngoài để học sửa hàng hiệu
Anh Lê Kim Bằng (40 tuổi) và chị Nguyễn Thị Xuân (34 tuổi, cùng ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) hiện đang là một trong những nghệ nhân Việt Nam đạt đủ tiêu chuẩn xử lý hàng hiệu được tập đoàn ALMA FRC (Pháp) cấp chứng chỉ hành nghề.
Hiện nay, công ty anh chị đang tham gia phục chế 500-700 món hàng hiệu/tháng. Thế nhưng, vì đặc thù công việc, cả hai cũng đưa ra nhiều chính sách. Trong đó, với các món đồ mà chi phí gia công gần bằng 1/2 giá trị sản phẩm, anh Bằng hoàn toàn được quyền từ chối.
Nghe
Với đam mê thời trang, anh Bằng đã sang Đức học chứng chỉ hành nghề spa hàng hiệu tại Việt Nam (Ảnh: NVCC). 
Năm 2008, khi là sinh viên, anh Bằng may mắn sở hữu chiếc quần đến từ thương hiệu cao cấp của Ý. Chính vẻ đẹp từ chất liệu, kiểu dáng và sự tỉ mẩn trong đường kim mũi chỉ đã khiến đam mê thời trang nảy lên trong lòng chàng trai trẻ. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư công nghệ sinh học, anh Bằng quyết từ bỏ để theo đuổi ngành buôn bán hàng xa xỉ.
Qua thời gian sử dụng, nhiều món hàng đắt đỏ bắt đầu hư hỏng. Thời điểm đầu khi Việt Nam chưa có cơ sở sửa chữa, hầu hết các sản phẩm đều mất dần giá trị. Nhận thấy nhu cầu về ngành spa hàng hiệu tại Việt Nam, anh Bằng cùng vợ đã đầu tư toàn bộ nguồn vốn tích lũy để sang châu Âu tu nghiệp.
"Ngay khi nhận chứng chỉ quốc tế, mình liền mời các chuyên gia nước ngoài về nước để tiếp tục giảng dạy cho các thợ thủ công. Hiện tại vì tính chất đặc thù, khó khăn trong đào tạo nên hầu hết các thợ giỏi tại cơ sở của mình đều là người thân trong gia đình" - anh Bằng chia sẻ.
Nghe
Các thợ làm việc trong ngành đều đạt đủ chứng chỉ, đồng thời mỗi năm sẽ được chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam đánh giá lại chất lượng (Ảnh: NVCC). 
Những yêu cầu đặc biệt trong ngành spa hàng hiệu xa xỉ
Là thú vui xa xỉ, vì vậy giới nhà giàu Việt Nam không ngần ngại chi tiền khủng nhằm chăm sóc, làm đẹp và sửa chữa những món đồ hàng hiệu. Trong đó, nhằm giữ giá trị theo thời gian, người dùng thường sử dụng các biện pháp bảo vệ như phun chất chống nước, bụi bẩn, đặt khung riêng biệt theo đúng kiểu dáng, và định kỳ 3 tháng sẽ kiểm tra, phun dầu (lotion) giữ độ ẩm cho da…
Thế nhưng, với các loại túi mà da được cấu tạo từ chất liệu đặc biệt như hợp kim antimon, titanium, đồng, kim loại tổng hợp khác, da thở (loại da thấm mồ hôi nhằm tạo dấu ấn riêng biệt của chủ nhân)... thì cần thêm phương pháp chăm sóc riêng và thợ giỏi tay nghề.
"Thời trang biến đổi liên tục với hàng trăm nghìn kiểu dáng, vì vậy thợ spa hàng hiệu cần cập nhật xu hướng, nghiên cứu chất liệu để biết cấu tạo loại da, loại sơn, và các hạt da nhằm chế tạo chất liệu phù hợp.
Đồng thời, để đảm bảo sản phẩm phục chế như ban đầu thì môi trường làm việc phải vô trùng, công nghệ, kỹ thuật đúng tiêu chuẩn quốc tế…" - anh Bằng nói.
Nghe
 Với giá trị lên đến vài tỷ đồng, những chiếc túi hiệu đòi hỏi sự tỉ mỉ khi sửa chữa (Ảnh: NVCC).
Hiện tại, cơ sở spa hàng hiệu của anh Bằng đang tạo việc làm cho 30 thợ gia công. Tùy vào kiểu dáng và mức độ hư hỏng của món hàng hiệu mà thời gian spa có thể kéo dài vài giờ đến vài tuần.
"Với nhiều đại gia sở hữu hàng trăm chiếc túi hiệu, mình sẽ đến tận nhà, thẩm định và phân loại, xử lý dần trong vài tháng. Chuyện hóa đơn lên đến trăm triệu đồng cũng thành lẽ bình thường" - anh Bằng nói.
Nhằm đảm bảo quy trình phục chế, toàn bộ vật liệu đều được anh Bằng nhập khẩu trực tiếp từ các nhà cung cấp hàng đầu trên thế giới. Riêng với những món hàng hiệu có kiểu dáng chuyên biệt, anh buộc chế tạo khuôn đúc riêng.
"Chỉ tính riêng về màu, trên thế giới hiện có 3 màu cơ bản và 2 màu trắng đen nhưng mình đã pha chế ra 2.700 màu khác nhau. Nếu một sản phẩm bị ẩm mốc, dính màu thì công ty luôn có máy móc phân loại vết bẩn tự nhiên hay nhân tạo, sau đó cần dùng hóa chất gì để trả lại vẻ đẹp" - anh Bằng khẳng định.
Nghe
Hầu hết các sản phẩm đều được phục chế thủ công, đảm bảo đúng tiêu chuẩn quốc tế (Ảnh: NVCC). 
Sơ sẩy là đền vài trăm triệu/một chiếc túi
Qua quá trình hành nghề, anh Bằng chia sẻ không ít lần gặp các ca khó. Trong đó, ngay những ngày đầu tiên mở công ty, anh đã gặp ngay chiếc túi xách đặc thù khi chỉ được xử lý đúng một lần đã bắt buộc thành công.
"Sơ sẩy một tí là đền vài trăm triệu và không thể sửa thêm lần hai. Trong đó bạn biết các sản phẩm hàng hiệu luôn có đường vân, kiểu dáng, chất liệu khác nhau nên đòi hỏi sự tỉ mỉ.
Riêng da thở của LV, loại da có thể hô hấp, biến đổi màu sắc khi chạm vào nước, mồ hôi, vì đây là đặc điểm riêng từ nhà mốt nên hoàn toàn không được dùng phun sơn. Khi đó, người thợ phải dùng quy trình xử lý riêng biệt, đắt đỏ mà Việt Nam chỉ có vài thợ lành nghề xử lý được" - anh Bằng nói.
Nghe
 Những chiếc túi được phục chế lại như mới (Ảnh: NVCC).
Nghe
Một chiếc túi LV được tháo riêng từng bộ phận để chăm sóc lại như mới (Ảnh: NVCC). 
Sản phẩm được anh Bằng cho rằng khó phục chế nhất hiện nay là chiếc túi Chanel Caviar. Theo đó, chiếc túi được cấu tạo từ loại da đặc biệt khi đường vân nổi bóng loáng như nước, vân dưới lại mờ đục như đất.
"Nếu phun sơn toàn bộ thì tất cả sẽ bóng, không phun thì mờ. Lúc này nó đặt ra một bài toán mà để đạt độ tinh xảo thì phụ thuộc hoàn toàn vào tay nghề thợ và công nghệ của nước ngoài" - anh Bằng kể.
Ngoài ra, chiếc túi Metallic Dior cũng khiến anh Bằng đau đầu khi cấu thành từ nhiều lớp sơn hợp kim bóng như gương với vô vàn hạt kim loại phản chiếu ánh sáng. Điều này yêu cầu thợ cần tách từng lớp hợp kim để sửa chữa từng chi tiết một.
Nghe
Chiếc túi Metallic Dior được xem những sản phẩm khó phục chế nhất hiện này (Ảnh: NVCC). 
"Hay chiếc túi Monogram của Louis vuitton hay Gucci vô tình bị mất vân, thợ phải tự pha chế màu và vẽ tay hoàn toàn từ 1 đến 2 tuần mới trả lại nguyên bản" - anh Bằng nói thêm.
Về nhu cầu thị trường, anh Bằng cho biết, công ty anh chỉ đang đáp ứng một phần nhu cầu nhỏ của giới nhà giàu Việt Nam. Thế nhưng, để theo đuổi nghề làm đẹp hàng hiệu này, bên cạnh kỹ thuật người thợ còn cần kiến thức và niềm đam mê với thời trang.
Nghe
 Vợ chồng anh Bằng mong muốn sẽ tiếp tục mở rộng và đào tạo nhiều thợ lành nghề về thị trường này tại Việt Nam (Ảnh: NVCC).
"Việt Nam không thể gia công 100% như mới nhưng 98% giá trị thì mình hoàn toàn tự tin đã làm được. Thậm chí nhiều bạn bè quốc tế như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đã sang Việt Nam để tham khảo công nghệ.
Trong thời gian sắp tới, mình mong muốn tiếp tục học tập thêm nhiều kỹ thuật tinh xảo và mở các lớp đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm nhằm mở rộng thị trường" - ông chủ cơ sở spa hàng hiệu cười.
Theo Loan Tô/Dân trí

>> xem thêm

Bình luận(0)