Những năm qua, nhờ thực hiện hình thức liên kết trong giao khoán đất rừng phòng hộ ven biển cho người dân, gắn công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với phát triển sản xuất dưới chân rừng, mà đai rừng phòng hộ tại thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) ổn định, không bị xói lở, mất đất và đai rừng như thực trạng chung của tuyến biển Tây Cà Mau.
|
Ốc len bu thành từng chùm trên thân cây mắm, người bắt chỉ việc nhặt hoặc tuốt từng vốc bỏ vào vật đựng-thường là cái can nhựa 20-30 lít. |
Ông Hai Sơn ở thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) nhận khoán đất rừng phòng hộ tại đây nhiều năm qua. Bên cạnh làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, dưới chân rừng ông Sơn thả nuôi ốc len, mỗi ngày thu nhập vài trăm ngàn đồng.
Ngoài việc phải mua con giống, thì nguồn ốc len con sản sinh tự nhiên tại khu rừng ngập được giao quản lý cũng nhiều, chỉ hơn 6 tháng là đến kỳ thu hoạch.
Nói là nuôi nhưng thực chất chỉ quản lý, ốc đeo bám cây mắm, ăn bã bùn của lá cây, đất phù sa mà phát triển tự nhiên. Ốc len bán tại chỗ có giá trên 60.000 đồng/kg, đến tay người tiêu dùng thường trên 100.000 đồng/kg. Món ốc len xào nước cốt dừa là một trong những đặc sản ẩm thực của xứ Cà Mau, vừa ngon vừa dinh dưỡng.
Ngoài ra, các nguồn lợi dưới chân rừng: Tôm, cá, cua…cũng là nguồn thu không nhỏ để ổn định kinh tế gia đình. “Vào mùa ba khía hội, chỉ cần vài giờ mỗi đêm đi bắt cũng được vài trăm ngàn”, ông Hai Sơn cho biết.
Trước đây, ông Hai Sơn là hộ nghèo ở xã Phú Mỹ, huyện Cái Nước, đi làm thuê khắp nơi nhưng vẫn không đủ cho miếng ăn hằng ngày, nói chi tích cóp lo cho tương lai, nhất là việc học hành của các con.
Theo ông Hai Sơn, đặc sản ốc len sống trên bùn, theo con nước hằng ngày mà đeo bám theo những thân cây, phát triển tự nhiên, không phải bổ sung thức ăn, không nuôi nấng chăm bẵm, chỉ quản lý.
Từ khi nhận khoán đất rừng kết hợp giữa bảo vệ và sản xuất, cuộc sống của ông Hai Sơn và nhiều hộ nhận khoán đất rừng nơi đây được ổn định và dần phát triển hơn. “Không tác động nhiều, vì đây là rừng phòng hộ, là môi trường cho ốc len phát triển tự nhiên, chúng tôi chỉ giữ không cho người dân vào chặt cây phá rừng. Dưới chân rừng thì nuôi ốc len; các giống loài thủy sản khác được khai thác hạn chế và có lựa chọn mang tính bảo tồn”, ông Hai Sơn chia sẻ.
Hình thức giao khoán đất rừng phòng hộ ven biển gắn với bảo vệ và phát triển rừng tại thị trấn Cái Đôi Vàm như là hình mẫu để nhân rộng, nhất là khi địa phương đang quyết tâm bảo vệ đai rừng trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.