Mít được coi là loại cây trồng chủ lực tại một số tỉnh Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tại các tỉnh phía Nam, cây mít được bà con trồng từ rất lâu và trồng trên nhiều loại hình như trồng xen trong các vườn cây ăn quả, trồng chuyên canh…
Đặc biệt, trong vòng hai năm trở lại đây, mít được thương lái thu mua với giá cao, lợi nhuận nhà vườn thu được từ 400 triệu đồng đến 600 triệu đồng/năm/ha. Mít bán được giá, bà con nhanh chóng chuyển đổi loại cây này thành cây trồng chính tại nhiều nhà vườn. Việc mua bán mít cũng nhộn nhịp hơn, hàng ngày thương lái đến tận vườn để mua gom mít, nhà vườn tất bật hái mít, cân và vận chuyển tấp nập.
Tuy nhiên, một khâu quan trọng trong quá trình này là làm sao để xác định một quả mít đã chín và đạt tiêu chuẩn thu hái mà không cần phải bổ nó ra, đặc biệt là khi thương lái có nhu cầu vận chuyển mít đường xa như xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc đưa mít ra miền Bắc… Chính vì nhu cầu cấp thiết này, nghề “ngửi mít” xuất hiện và ngày càng trở nên phổ biến.
Khác với cò mít là những người dẫn vào vườn mít thu mua, những người ngửi mít thuê là người đi cùng thương lái đến vườn để xác định độ già của mít và đảm nhận công việc hái mít cho chủ vườn. Vì loại trái cây như mít có một đặc điểm đặc biệt, không giống như nhiều loại trái cây khác có những đặc điểm riêng về màu sắc và hình dáng giúp nhận biết quả đã chín hay chưa một cách dễ dàng. Chính vì vậy các thương lái phải nhờ những người làm nghề ngửi mít thuê để xác định độ già của mít, giúp giảm thiểu rủi ro mua nhầm mít non hoặc mít nhiều xơ đen.
Người ngửi mít thuê thường “có tiếng tăm” trong giới buôn mít bởi họ có kinh nghiệm. Chia sẻ trên Dân Việt, anh Lê Văn Ngọc (Đồng Phú, Bình Phước), một người có thâm niên “ngửi mít” gần 10 năm nay cho biết dựa vào kinh nghiệm của bản thân, khi cùng thương lái đến các vườn mít, nhìn sơ qua là anh đã biết mít đã già hay chưa, ngay mà chủ vườn mít có khi còn không biết chính xác bằng anh.
Anh Ngọc chia sẻ, có 2 yếu tố để xác định trái mít đã già, đầu tiên là dựa vào mùi thơm của vườn để xác định, thứ 2 là phán đoán bằng mắt thường, nhìn vào cuống lá ở trên cuống. Cụ thể, những chiếc lá ở trên cuống nếu ngả vàng và có đốm thì đến 90% trái mít đó đã già vã vài ngày tới sẽ chín. Còn nếu lá còn xanh mơn mởn thì trái mít vẫn còn non, chưa đủ độ già để hái. Để chắc chắn, anh còn dùng dao chích nhẹ ở phần cuống, nếu như mủ mít chảy nhanh và trong khi trái mít sắp chín, còn nếu mủ đặc và chảy chậm thì chưa hái được.
Theo anh Ngọc, nhưng người có kinh nghiệm như anh Ngọc cũng biết được trái nào có xơ đen và phải loại bỏ. Theo đó, những quả mọc từ gốc và thân sẽ có xác xuất bị xơ đen nhiều hơn là trái mọc ở ngọn và cành. Về vẻ bề ngoài, quan sát những quả có núm đều đặn, căng chứ không co lại, gai to thì 70 % không có xơ đen. Nói thì dễ nhưng theo anh Ngọc, nghề này không phải ai cũng làm được, nếu hái trúng trái còn non, bị xơ đen không ngon thì không ai dám thuê mình nữa.
Về phía anh Ngọc, anh cho biết mình đã tích lũy kinh nghiệm trong suốt nhiều năm gắn bó với trái mít vườn. Anh Ngọc có kinh nghiệm 14 năm trồng và buôn mít, trong đó hơn 10 năm nay, anh được biết đến nhiều hơn với vai trò người “ngửi mít thuê” lành nghề.
Chính vì đòi hỏi kinh nghiệm “sành sỏi” mà những người ngửi mít thuê được trả lương rất hậu hĩnh. Đến mùa, mỗi ngày họ sẽ theo chân thương lái đi mua mít, việc nhận thù lao cả triệu đồng một ngày là rất bình thường. Từ nghề này, mỗi năm anh có thể mang về cả trăm triệu đồng. Tuy vậy, công việc độc lạ này vẫn rất khan hiếm nguồn lực. Anh Ngọc cho biết, ngoài anh ra, khu vực Bình Phước chỉ có hơn chục người cùng làm nghề này.
Anh Hùng Trần (thương lái buôn mít có tiếng tại TP. Hồ Chí Minh) cho hay, việc có một người cộng sự giúp mình lựa chọn và đánh giá mít tại vườn giúp anh lựa chọn được những thành phẩm mít ngon nhất để đưa đến tay khách hàng, không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro, chi phí mà còn giúp anh Hùng giữ chữ tín trong kinh doanh.
"Chính vì vậy mà tôi sẵn sàng trả công hậu hĩnh cho những người làm nghề ngửi mít thuê. Thường thì tôi luôn đặt lịch với những người làm nghề ngửi mít thuê mình đã quen từ trước, tuy nhiên khi vào mùa cao điểm thì nhiều thương lái cũng phải kẹt vì không tìm được người làm”, anh Hùng chia sẻ thêm.