|
Nhiều ngân hàng đã sớm lên kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông năm 2017. Trong ảnh là giao dịch tại Ngân hàng Eximbank. Ảnh: Thuận Thắng. |
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông để tổ chức đại hội cổ đông năm tài chính 2017. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng sẽ là ngày 9-2. Thời gian tổ chức đại hội cổ đông dự kiến là ngày 20-4.
Trước Sacombank, Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt đã công bố tổ chức đại hội cổ đông vào ngày 28-3 tới.
Ngày 2-2 tới Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt cũng sẽ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10%, tức 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng.
Với 646 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, LienVietPostBank sẽ chi khoảng 646 tỉ đồng để tạm ứng cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 9-2.
Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu VN (Eximbank) cũng vừa thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 29-1 để cổ đông thực hiện các quyền đề cử, ứng cử. Dự kiến ngày 5-2 Ngân hàng này sẽ gửi thư mời cho cổ đông để thông báo về số lượng thành viên dự kiến được bầu bổ sung vào Hội đồng quản trị.
Sau khi kiểm tra hồ sơ, ngày 22-3 Eximbank sẽ nộp hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận nhân sự dự kiến.
Hiện tại, HĐQT Eximbank có 9 thành viên bao gồm: ông Lê Minh Quốc - Chủ tịch HĐQT, ông Đặng Anh Mai - Phó Chủ tịch HĐQT, ông Yasuhiro Saitoh - Phó Chủ tịch HĐQT và các thành viên khác như ông Nguyễn Quang Thông, ông Hoàng Tuấn Khải, ông Ngô Thanh Tùng, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Yutaka Moriwaki.
Tổng giám đốc hiện tại của ngân hàng là ông Lê Văn Quyết. Theo kế hoạch, đại hội cổ đông của Eximbank sẽ tổ chức vào ngày 27-4.
Như vậy đến nay đã có ba ngân hàng thông báo ngày đại hội cổ đông dự kiến. Nhưng năm trước do kết quả kinh doanh kém khả quan hơn nên nhiều ngân hàng lên lịch họp cổ đông rất muộn. Nhiều ngân hàng dù đã công bố ngày nhưng liên tục hoãn.
Sacombank cũng vừa công bố báo cáo quản trị năm 2017. Trong đó ngân hàng này cho biết trong năm 2017 đã thực hiện đúng đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Các giải pháp thu hồi nợ xấu đã được thực hiện quyết liệt, qua đó đã thu hồi được một phần nguồn vốn tồn đọng, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng, thông qua đó cũng làm nền tảng cho việc rút ngắn thời gian hoàn thành đề án tái cơ cấu.
Ban điều hành cũng hoàn thành nhiều đề án để nâng chất lượng hoạt động của ngân hàng. Hiện hội đồng quản trị Sacombank đã hoàn tất xây dựng và áp dụng mô hình quản trị, điều hành phù hợp với giai đoạn phát triển mới.