Những chú ý khi chọn nhà để mua
Địa điểm
Địa điểm là yếu tố không thể không chú ý khi mua nhà. Bạn biết rằng vị trí tọa lạc ngôi nhà ảnh hưởng đến giá cả và độ phù hợp cũng như sự thuận tiện cho việc học của cọn bạn và việc làm của bạn.
Nếu khả năng không mua được nhà gần trung tâm thì cũng nên xem xét vị trí gần các tiện ích cần thiết như chợ, trường học, nơi làm việc…, không nên vì thiếu tiền mà mua nhà ở nơi quá xa. Ngôi nhà chưa đẹp có thể sửa lại trong tương lai nhưng vị trí thì bất di bất dịch trừ khi bán đi và mua nhà nơi khác.
|
Ảnh minh họa. |
Hàng xóm và lân cận
Câu nói "Bán anh em xa, mua láng giềng gần" rất đúng. Nhiều người cũng hay lựa chọn nhà khi khu vực đó có người thân, bạn bè sinh sống hay khu đó có trình độ dân trí như mong muốn.
An toàn
Nhiều người nghĩ rằng trong nhà thì an toàn, thì không đáng phải lo nhưng bạn có biết, có hàng trăm yếu tố trong nhà tưởng như vô hại nhưng lại ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm như: nguy cơ ngã từ lan can, nguy cơ trượt ngã do nền nhà trơn trượt, an toàn điện, chay nổ, ẩm mốc…
Tình hình an ninh
Khi quyết định mua một ngôi nhà, bạn cũng nên xem xét tình hình an ninh của khu phố mà bạn dự định sinh sống. Ở đó có thường xuyên xảy ra các vụ trộm cắp hay có nhiều tội phạm xuất hiện hay không,…
Lưu ý khi mua nhà
Xem xét kỹ hợp đồng mua bán
Hợp đồng mua bán được xem là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên khi tiến hành thủ tục mua bán nhà đất, căn hộ chung cư.
- Trước khi giao kết hợp đồng, người mua phải xem xét kỹ các điều khoản, nhất là các điều về quyền và nghĩa vụ của bên mua và bán, các điều khoản về thanh toán, quy định về thời gian bàn giao căn hộ, thời điểm chuyển quyền sở hữu và thời hạn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; những chế tài phạt vi phạm được nêu trong hợp đồng…
- Trong các hợp đồng thường ràng buộc rất kỹ nghĩa vụ thanh toán tiền của khách hàng theo tiến độ dự án nhưng nghĩa vụ của chủ đầu tư về bàn giao căn hộ lại rất chung chung. Do đó, người mua cần thỏa thuận cụ thể về thời hạn dự kiến giao nhà, thời điểm giao nhà cụ thể, chế tài nếu vi phạm. Nếu chủ đầu tư không hoàn thành, người dân cần yêu cầu thanh lý hợp đồng.
- Hợp đồng mua bán phải đúng tên mình với chủ đầu tư/người bán.
- Nếu là hợp đồng góp vốn, người dân cần kiểm tra tiến độ thi công dự án, nếu đóng tiền theo từng giai đoạn thì khối lượng xây dựng phải tương ứng
- Thực hiện đúng các quy định về chuyển nhượng đất, hạn chế tối đa những thỏa thuận chuyển nhượng mua bán mà các bên tự ký tay với nhau nếu không cần thiết hoặc không an toàn pháp lý.
Kiểm tra kỹ thông tin liên quan đến chủ đầu tư
Theo Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, chủ đầu tư phải công khai những thông tin bắt buộc về dự án trên trang web doanh nghiệp hay sàn giao dịch.
Người mua cần tìm hiểu thật kỹ lưỡng các thông tin liên quan đến chủ đầu tư. Cụ thể như:
- Các thông tin cần thiết về dự án như giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư/kinh doanh, quy hoạch/bản đồ/bản vẽ chi tiết… Yêu cầu chủ đầu tư đưa ra các giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án.
Trường hợp là nhà chung cư hay tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó. Xem xét ký việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với Nhà nước như giấy nộp tiền sử dụng đất và tiền thuế liên quan đến dự án…
- Tìm hiểu kỹ năng lực của chủ đầu tư (thương hiệu, lịch sử, tiềm lực tài chính, …) qua việc triển khai các dự án đã thành công, năng lực của chủ đầu tư (thông qua các dự án đang thi công).
- Những tranh chấp, bất đồng của chủ đầu tư với người mua nhà/cư dân và cách hành xử của chủ đầu tư trước các tranh chấp, bất đồng trong quá trình triển khai dự án trước đó.