Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, thời điểm mà mọi giao dịch mua bán nhà cửa trầm lắng so với thời gian ngày rộng tháng dài trong năm, nhưng gia đình chị Nguyễn Phương Thùy, ở tỉnh Sơn La vẫn xuống mua căn hộ chung cư ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, với giá gần 3 tỷ đồng.
Chị Thùy cho biết: Mua nhà cận Tết thế này cũng là phương án đột xuất của gia đình tôi, vì tìm được nhà phù hợp, giá cả cũng có phần mềm hơn, nên gia đình tôi cũng quyết tâm xoay sở để mua cho xong.
|
Người mua nhà nên xem xét kỹ các thủ tục giấy tờ khi xuống tiền mua nhà dịp cận Tết Nguyên đán. |
Thế nhưng việc mua bán nhà trong thời điểm cận Tết cũng dẫn đến nhiều vấn đề rắc rối cho cả người mua và người bán, đặc biệt là phía người mua, nếu không cẩn trọng, họ sẽ dễ gặp phải những khúc mắc dẫn đến thiệt thòi.
Chị Thùy chia sẻ: “Mình ở Sơn La, người bán lại ở Hà Nội, tất cả trao đổi với nhau chủ yếu qua điện thoại, khi chốt được giá cả, tôi có nhờ người đến xem nhà, mình ưng thì chốt với người bán. Thế nhưng người bán lại không nói rõ là sổ đỏ họ cắm ở ngân hàng, nên khi xuống mua thì tôi mới biết. Để lấy sổ đỏ ra thì họ phải làm thủ tục tất toán với ngân hàng và làm thủ tục giải chấp, khi đó mới có thể mang sổ này đến văn phòng công chứng để thực hiện giao dịch mua bán.
Nhưng số tiền họ vay ngân hàng lại lên tới 2 tỷ đồng, mà tôi thì không thể mạo hiểm bỏ 2 tỷ ra để rút sổ cho họ, nhỡ mình rút sổ cho họ rồi họ không bán nữa thì tiền mình tính sao. Vướng mắc không thể giải quyết trong ngày một ngày hai, khiến cho gia đình tôi mất rất nhiều thời gian ăn ở lại Hà Nội để giải quyết, cả tuần nay vẫn chưa xong”.
Câu chuyện của anh Đỗ Văn Lâm, cũng rơi vào những vướng mắc phức tạp, theo chia sẻ của anh Lâm, gia đình anh thỏa thuận mua bán căn nhà ở Ngọc Thụy, Long Biên, thế nhưng chủ nhà lại đem sổ đi cầm cố. Lúc lên làm thủ tục mua bán, thì bên phía cầm sổ nhất định phải giải quyết xong nợ nần mới cho lấy sổ. Để cho được việc, tôi cũng đồng ý viết giấy tờ mua bán với nhau trước, rồi tôi ứng tiền ra cho chủ nhà rút sổ. Thế nhưng khi đi rút sổ ở chỗ cầm cố, thì số tiền họ nói với mình chỉ là tiền vay gốc, còn số tiền lãi thì giữa chủ nhà và người cầm lại không thống nhất được với nhau. Rắc rối không giải quyết được, mà thời điểm cận Tết công việc kinh doanh bận bịu, nên tôi đành bỏ, không dám mua nữa.
Thời điểm cận Tết, những người rao bán nhà đều ở vào tình thế bí bách, nên mới phải bán nhà để giải quyết những khó khăn, nên những người mua nhà thời điểm này cũng có thuận lợi hơn về giá cả đôi chút. Thế nhưng dịp cận Tết là thời điểm nhiều người khó xoay sở số tiền lớn, nếu như tiềm lực họ không đủ thì cũng sẽ gặp những khó khăn có thể xảy ra.
Nhưng cái khó khăn hơn cả, khi giao dịch mua bán nhà cửa thời điểm cận Tết chính là thủ tục giấy tờ, nếu như những căn nhà không bị thế chấp thì không sao, căn nào bị thế chấp thì lúc mua bán không tránh khỏi những thủ tục giấy tờ, đặc biệt là liên quan đến những món nợ lớn.
Ngoài ra, thời điểm cuối năm, trên các trang mạng xã hội thường xuất hiện thông tin rao bán nhà đất với lý do vỡ nợ, cần tiền trả nợ để câu khách hàng. Việc này cũng khiến không ít khách hàng tin tưởng và cho rằng giá sẽ rẻ hơn bình thường, nên đã bỏ tiền ra mua mà không xem xét, tìm hiểu kỹ.
Anh Lê Minh Hùng, chia sẻ: Tâm lý người mua thì thường thích mua được giá rẻ, nếu mua được của người khó khăn cần bán thực sự, thì cũng có thể mua được với giá mềm hơn thị trường. Nhưng nếu không tìm hiểu kỹ mà mua phải của người vỡ nợ giả, thì có khi giá lại cao hơn thị trường mà không hay biết.
Vì vậy, những người mua nhà thời điểm cận Tết Nguyên đán cần phải hết sức cẩn trọng trước những thông tin rao bán, cần tìm hiểu kỹ cả về giá cả thị trường và giấy tờ thủ tục liên quan đến tài sản mình định mua, để tránh rơi vào những rủi ro không mong muốn.
Ông Lê Minh Hùng, Chuyên gia Bất động sản ở Hà Nội: Đối với những nhà đất đang cầm cố ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng, thì khi mua, người mua nên đề nghị người bán cung cấp thông tin đầy đủ, để kiểm chứng qua các cơ quan chức năng hữu quan ở địa phương nơi có tài sản giao dịch. Hoặc dùng sổ đỏ bản photocopy và đề nghị công chứng viên tại Văn phòng công chứng tra cứu thông tin lịch sử giao dịch nhà, đất đó.
Cũng có thể yêu cầu người bán dẫn đến ngân hàng, hoặc tổ chức tín dụng đang cầm cố tài sản đó, để nhờ nhân viên ngân hàng cho kiểm tra xác minh tài sản.
Và điều quan trọng nhất, là ngân hàng hoặc tổ chức đó phải đồng ý cho thực hiện giao dịch mua bán tài sản đang thế chấp đó bằng văn bản. Chỉ khi có những văn bản giấy tờ chắc chắn đó, thì mới nên thực hiện giao dịch ký Hợp đồng đặt cọc một khoản tiền bằng số nợ ngân hàng. Sau đó, bên bán mang sổ đỏ đi giải chấp hoặc ủy quyền cho bên mua đi giải chấp tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm. Giải chấp xong, đôi bên có thể ký Hợp đồng công chứng mua bán nhà, đất và đi sang tên sổ đỏ như bình thường.
*Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại