Theo chú Khánh, trồng tràm vừa có lợi về kinh tế, vừa có lợi về môi trường nên giờ đây cả gia đình chú gắn bó với rừng và luôn ra sức, quyết tâm bảo vệ rừng.
Chú Khánh, nông dân tỷ phú trồng rừng vùng rừng U Minh Hạ, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đang chăm sóc rừng tràm của gia đình.
Thấy được tầm quan trọng từ việc trồng rừng làm kinh tế, thời gian qua trên địa bàn huyện U Minh đã xuất hiện nhiều hộ nông dân trồng rừng (chủ yếu là trồng cây tràm và trồng cây keo lai) đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong việc trồng rừng ở vùng U Minh Hạ, chú Hồ Quốc Khánh, ở Ấp 21, xã Khánh Thuận, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) là một điển hình.
Từ trồng rừng, chú Khánh vươn lên làm giàu, trở thành tỷ phú trên vùng đất rừng U Minh Hạ nhờ thực hiện mô hình trồng rừng mà chủ yếu là cây tràm bản địa từ nhiều năm qua.
Chú Hồ Quốc Khánh, quê ở ấp Đông Mỹ, xã Trần Thới, huyện Cái Nước. Trước đây, cuộc sống gia đình chú gặp rất nhiều khó khăn, thiếu tốn. Cả gia đình chú có đến 12 nhân khẩu, đất sản xuất hơn 1 ha, mỗi năm trồng lúa được 70 đến 80 gịa không đủ cho gia đình ăn trong 1 năm nên cuộc sống lúc nào cũng khó khăn, túng thiếu.
Để tìm hướng đi cho cuộc sống gia đình, đầu năm 1986, gia đình chú Khánh chuyển qua Ấp 21, xã Khánh Thuận, huyện U Minh U Minh lập nghiệp.
Những năm đầu về đây sinh sống, thấy đất rừng U Minh còn rẻ nên vợ chồng chú Khánh về quê bán hết phần đất nông nghiệp hơn 1 ha để lấy tiền qua U Minh mua 25 ha đất rừng, với giá chỉ có 70 triệu đồng.
Vùng đất ở Ấp 21, xã Khánh Thuận lúc bấy giờ toàn là gốc tràm, năn, sậy mọc um tùm, mặt đất thì sâu trũng và nhiễm phèn nặng nên cấy lúa, trồng cây, nuôi cá đều hiệu quả không cao.
Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, học tập các mô hình sản xuất của bà con trong vùng, vợ chồng chú Khánh xác định vùng đất U Minh lúc bấy giờ rất thích hợp cho việc trồng tràm và nuôi cá đồng.
Ngoài tận dụng nguồn lao động sẵn có của gia đình để phát dọn gốc tràm, năn, sậy, vợ chồng chú Khánh còn thuê cơ giới đào đắp bờ bao, kênh mương để giữ nước phòng chống cháy rừng vào những tháng mùa khô.
Với tính siêng năng, cần cù và biết chịu đựng để vượt qua khó khăn, vợ chồng chú Khánh vẫn kiên trì bám trụ trên mảnh đất rừng tràm của mình cho đến ngày nay.
Rừng tràm của gia đình chú Khánh sắp đến ngày thu hoạch.
Sau khi đào mương, lên liếp, đắp bờ bao và phát dọn cỏ dại, vợ chồng chú Khánh đi mua cây tràm giống về trồng trên toàn bộ diện tích đất của gia đình.
Đất không phụ lòng người, sau 5 năm trồng, đợt thu hoạch đầu tiên, sau khi trừ chi phí, vợ chồng chú Khánh kiếm lãi trên 500 triệu đồng.
Thời điểm đó, 1 ha tràm 5 năm tuổi bán với gia trên 70 triệu đồng, có lúc cây tràm hút hàng giá lên đến bạc 100 triệu đồng/ha. Có được đồng vốn khai thác từ cây tràm, năm 2013 vợ chồng chú Khánh tiếp tục mua thêm 20 ha đất rừng tràm với giá 120 triệu đồng.
Năm 2018, vợ chồng chú Khánh tiếp tục mua gom góp tiền bạc để thêm 6 ha đất rừng tràm. Như vậy, đến nay tổng diện tích đất rừng của chú Khánh là 51 ha.
Mua được đất, chú Khánh cải tạo đất và đưa vào trồng tràm. Sau khoảng 5 đến 6 năm trồng, chú Khánh bắt đầu thu hoạch và mỗi vụ cũng kiếm được vài tỉ đồng từ việc bán tràm cừ cho thương lái.
Hiện nay, số tràm của 3 miếng đất rừng của gia đình chú Khánh trong thời kỳ phát triển xanh tốt và sắp đến ngày thu hoạch. Nếu từ giờ đến khi thu hoạch, giá cả cây tràm thương lái thu mua ổn định thì sau khi thu hoạch hết diện tích trồng tràm của gia đình chú Khánh thu lãi trên 2 tỉ đồng.
Gia đình chú Khánh vừa xây cất được ngôi nhà mới khang trang.
Theo chú Khánh, trồng tràm vừa có lợi về kinh tế, vừa có lợi về môi trường. Trồng tràm vốn đầu tư không nhiều, chủ yếu là cải tạo đất, mua cây giống, thuê người trồng. Từ vụ trồng thứ hai trở về sau, chi phí ít lại. Ưu điểm của cây tràm là rất dễ trồng, dễ chăm sóc, rủi ro ít và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cây tràm rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn, thời gian thu hoạch khoảng 5 – 6 năm.
Nhưng muốn trồng tràm mang lại hiệu quả kinh tế cao nó còn phải lệ thuộc vào nhiều yếu tố quan trọng khác như khâu chọn cây giống, chăm sóc và có kế hoạch chủ động trong phòng chống cháy rừng vào những tháng mùa khô.
Nếu trồng rừng mà mình không thực hiện tốt công tác phòng chống cháy, để xảy ra cháy thì coi như tài sản của gia đình mình sẽ bị mất trắng. Riêng gia đình tôi cũng như nhiều hộ nông dân trồng rừng tràm khác trên địa bàn hạn chế tuyệt đối không để rừng cháy.
Thường xuyên đi kiểm tra rừng, các hộ trồng rừng lân cận luân phiên nhau trực và phát dọn cỏ, dây leo, đào hố chứa nước, không mang vật nhạy bén lửa vào rừng, đốt bờ, bụi vào những tháng mùa khô…”.
Tranh thủ thời gian chờ khai thác rừng tràm, dưới kênh mương theo các tán rừng, chú Khánh thả nuôi các cá đồng như cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặc bổi. Trên các liếp bờ cao bao xung quanh nhà, chú Khánh trồng cây ăn trái như xoài, dừa, mít, chuối sứ, đu đủ…
Chỉ tính riêng khoảng này, mỗi năm gia đình chú Khánh thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình chú Khánh từng bước được ổn định, vươn lên và trở thành tỉ phú trong vùng.
Bí thư Chi bộ Ấp 21, xã Khánh Thuận Nguyễn Thanh Tần nhận xét: “Nhờ chịu khó lao động nên hiện nay gia đình chú Khánh đã có của ăn, của để và là một trong những hộ giàu có của địa phương. Năm 2018 vừa qua, chú Khánh đã xây dựng được ngôi nhà ở khang trang trị giá trên 1 tỉ đồng.
Không chỉ trồng tràm phát triển kinh tế gia đình, chú Khánh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc và phương pháp phòng chống cháy rừng tràm vào những tháng mùa khô hiệu quả của gia đình cho những bà con trong xóm, ấp học tập, làm theo.
Những năm qua, gia đình chú Khánh còn tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Những năm qua, chú Khánh còn gương mẫu trong xây dựng nông thôn mới như trồng hoa, cây cảnh trên sân vườn, trồng hàng rào cây xanh theo quy định nhằm nhằm góp thêm tiêu chí môi trường để xã Khánh Thuận sớm về đích nông thôn mới theo kế hoạch đã đề ra”.