Ủy ban châu Âu (EC) đã phạt Mastercard Worldwide gần 650 triệu USD vì vi phạm các quy tắc chống độc quyền bằng cách tăng phí xử lý thanh toán gây thiệt hại cho người tiêu dùng và bán lẻ ở các quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu (EU), The New York Times cho biết.
Hình phạt được đưa ra hôm qua sau một cuộc điều tra kéo dài 6 năm của cơ quan quản lý chống độc quyền châu Âu liên quan khoản phí mà các ngân hàng tính phí cho các hoạt động giao dịch mua bán được thực hiện bằng thẻ tín dụng.
|
EC đã quyết định phạt Mastercard gần 650 triệu USD do vi phạm Luật Cạnh tranh. Ảnh: Reuters. |
Ủy ban châu Âu cũng lưu ý thêm Mastercard đã hợp tác trong cuộc điều tra này nên số tiền phạt cuối cùng 650 triệu USD đã được giảm 10% so với trước đó.
Theo các nhà quản lý EC, Mastercard đã buộc những người kinh doanh chỉ sử dụng các ngân hàng ở nước họ khi xử lý thanh toán. Hành động này được xem là ngăn chặn khách hàng và các nhà bản lẻ mua sắm với mức phí thấp hơn tại các ngân hàng ở những nước châu Âu khác. Vì vậy, họ phải trả một khoản phí cao hơn cho việc mua hàng.
Bà Margrethe Vestager - Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề cạnh tranh, cho biết người tiêu dùng châu Âu sử dụng thẻ thanh toán mỗi ngày để mua thực phẩm, quần áo hoặc mua hàng trực tuyến.
“Trong khi khách hàng và người bán có thể mua sắm vì các điều kiện tốt hơn được cung cấp bởi các ngân hàng tại các quốc gia thành viên thì quy tắc của Mastercard đã làm tăng chi phí thanh toán thẻ một cách giả tạo, gây hại cho họ”, đại diện EC cho biết.
Quyết định xử phạt Mastercard là động thái mới nhất trong hàng loạt quyết sách của EC nhằm giảm thiểu chi phí thẻ đối với người sử dụng trong một thập kỷ trở lại đây.
Mastercard Worldwide là công ty đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ, hoạt động trong lĩnh vực thực hiện thanh toán giữa các ngân hàng của người mua và người bán sử dụng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng.
Khi một người mua hàng thanh toán cho nhà bán lẻ bằng thẻ tín dụng, ngân hàng của nhà bán lẻ sẽ phải trả một khoản phí cho ngân hàng phát hành thẻ. Phí này ngân hàng của nhà bán lẻ tính vào nhà bán lẻ, làm tăng thêm phí của người mua hàng.
Trước năm 2015, mức phí giao dịch này khác nhau ở khắp châu Âu. Nhưng quy định của Mastercard ở thời điểm đó bắt buộc các ngân hàng nhận được thanh toán bằng thẻ phải áp dụng mức phí cố định ở các nước này.
Phía Mastercard đã tỏ thái độ chấp thuận án phạt của Ủy ban châu Âu. Đại diện doanh nghiệp cho rằng đây là một cột mốc quan trọng và trong tương lai sẽ tập trung vào những gì họ đang làm tốt nhất là phát triển và cung cấp các giải pháp thanh toán an toàn, liền mạch cho khách hàng.