Chia sẻ trong hội thảo khoa học “Áp lực lao động nghề nghiệp của giáo viên phổ thông hiện nay: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp", diễn ra sáng 16/11, cô Dương Thị Phương Thảo, trường THCS Mạc Đĩnh Chi, Hà Nội, cho hay cô và đồng nghiệp đã trải qua nhiều áp lực trong nghề giáo.
Áp lực từ nhiều phía
Theo cô Phương Thảo, áp lực đầu tiên đến từ các cuộc thi giáo viên. Mỗi lần thi, họ thường nói vui với nhau là “chuẩn bị lên thớt”.
Để thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp quận, cô thảo phải chuẩn bị từ hơn một tháng, sau đó được chọn thi cấp thành phố. Ngày 21/11 dự thi, trong khi đồng nghiệp đang liên hoan, 19h, cô Thảo vẫn phải ngồi trong phòng học để chuẩn bị trang trí, dặn dò học sinh. Nữ giáo viên cũng không có thời gian cho sinh nhật đầu tiên của con gái thứ hai.
"Đến giờ, tôi vẫn không hiểu sao mình lại trải qua quãng thời gian đó. Tôi phải khóc và chưa bao giờ thấy nghề mình làm khổ sở, áp lực như vậy", cô Thảo nói.
Nữ giáo viên cho rằng đồng nghiệp của mình cũng chịu áp lực tương tự. Họ không có con đường nào khác, bởi chỉ có cách đó mới đạt được “bệnh thành tích”, mang lại kết quả cho toàn trường.
|
Cô Dương Thị Phương Thảo, trường THCS Mạc Đĩnh Chi, tâm sự đồng nghiệp của mình vừa đi xuất khẩu lao động hôm 16/11 vì lương giáo viên không đủ sống. Ảnh: Q.Q. |
Ngoài ra, giáo viên còn chịu áp lực về lương bổng thấp. Cô Thảo có 14 năm dạy học, vào biên chế sau 5 năm đứng lớp, nhưng mức lương hiện tại là 4,7 triệu đồng.
“Xin hỏi với mức lương này, tôi sống như thế nào ở thủ đô? Tôi may mắn được gia đình hỗ trợ mới có thể bám trụ nghề. Không ít giáo viên không có sự ủng hộ của gia đình sẽ phải suy nghĩ về việc mình có thực sự tâm huyết với nghề không", nữ giáo viên nêu quan điểm.
Từ đó, cô giáo này cho rằng không trách được giáo viên bán hàng qua mạng hoặc làm nghề tay trái kiếm sống. Một đồng nghiệp của cô Thảo dạy Ngữ văn 13 năm, giờ phải bán hoa hồng và thời trang qua mạng. Thời gian nhập hàng, quảng cáo, chuyển hàng nhiều hơn dành cho nghiên cứu, giảng dạy.
Nữ giáo viên cũng cho hay một đồng nghiệp khác vừa bay sang Nhật Bản xuất khẩu lao động theo chồng, dù trước đó người này tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp quận và đạt thứ hạng cao.
"Trước khi đi, cô giáo tâm sự với đồng nghiệp rằng 'Em sắp thoát rồi chị ạ'. Phải chăng suốt những năm qua, cô giáo đã chịu quá nhiều áp lực đè nặng lên vai, khiến những háo hức, khát vọng ban đầu trở thành gánh nặng cần vứt bỏ?", cô Thảo đặt câu hỏi.
Với giáo viên dạy Lịch sử bậc THCS, không thể dạy thêm, chỉ có tiền lương 4,1 triệu đồng/tháng, làm sao bám trụ nghề, nên chỉ có cách xuất khẩu lao động.
Cô Phương Thảo cho hay hai trường hợp nêu trên tương đối điển hình về xu thế của giáo viên hiện nay, khi họ bị đặt lên vai rất nhiều áp lực. Nếu trước kia có thống kê một nửa giáo viên ân hận vì chọn nghề, có lẽ con số này hiện giờ còn cao hơn.
“Hãy cởi trói cho chúng tôi”
TS Phạm Thị Kim Anh - ĐH Sư Phạm Hà Nội - cho hay hiện tại, từ giáo viên, nhà trường đến Bộ GD&ĐT đều chạy theo "bệnh thành tích trong giáo dục", khiến thầy cô rất mệt mỏi với các chỉ tiêu. Ví dụ, 100% học sinh phải lên lớp, không được em nào bỏ học. Tất cả điều này tạo ra căn bệnh không trung thực trong giáo dục.
|
TS Phạm Thị Kim Anh - ĐH Sư Phạm Hà Nội - cho rằng "bệnh thành tích trong giáo dục" đè nặng đôi vai của giáo viên. Ảnh: Q.Q. |
Chỉ khi nào khâu quản lý được cởi trói, thầy cô mới được giải phóng và chữa được "bệnh" thiếu trung thực. Đừng đặt lên vai người thầy những chỉ tiêu nặng nề nữa. Nếu sẵn sàng cho học sinh trượt, đúp khi các em học yếu, kém, thầy cô đỡ khổ.
Cô giáo Dương Thị Phương Thảo cho hay để giảm áp lực cho giáo viên, trước tiên cần thay đổi thi cử, giảm tải chương trình, tiết học, hồ sơ.
"Tại sao bắt chúng tôi chép tay đến 80 trang trong sổ chủ nhiệm, trong khi tất cả danh sách hồ sơ học sinh, thông tin phụ huynh đã có trên máy tính? Tại sao không in ra mà bắt chép? Điều này rất vô lý nhưng diễn ra từ năm này đến năm kia", cô Thảo nêu.
Học sinh bây giờ khổ quá
PGS.TS Đặng Bá Lãm - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam - nêu quan điểm giáo dục phổ thông cần đa diện, theo thứ tự tầm quan trọng là: Thể, đức, trí, mỹ; tương ứng sức khỏe, quan hệ xã hội, hiểu biết thế giới và năng lực thẩm mỹ (cả cảm xúc và hành vi).
Theo ông Lãm, trẻ học ở trường phổ thông (6 đến 18 tuổi) cũng là quá trình các em trưởng thành, trở thành công dân của xã hội, thời gian chủ yếu ở trường, lớp. Vì vậy, nhà trường phải giáo dục trẻ cách chăm sóc sức khỏe khoa học.
PGS Lãm cho hay nhà trường tạo áp lực không chỉ khiến cho học sinh căng thẳng mà còn tạo ra các cuộc đua giữa phụ huynh với nhau. Ông đề xuất chỉ cho học sinh học nội dung cơ bản, còn các vấn đề hàn lâm, mang tính đào tạo nghề nghiệp nên để sau chương trình trung học phổ thông.