Đang vào mùa nhãn chín rộ nên khoảng 1 tháng nay, tại các chợ lớn nhỏ cũng như trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội, các loại nhãn được bày bán la liệt, chất đống trên các xe thồ và sạp chợ. Các loại nhãn Thái, nhãn lồng Hưng Yên, nhãn quê,... có giá bán 30.000-50.000 đồng/kg tùy loại.
Tuy nhiên, ngoài các loại nhãn thường thấy thì trên thị trường còn xuất hiện một loại nhãn khổng lồ, to ngang quả vải thiều, vỏ bên ngoài có màu vàng sáng bóng nhìn rất đẹp mắt. Loại nhãn này có giá dao động 45.000-50.000 đồng/kg.
Theo lời quảng cáo của người bán, loại nhãn lồng giống mới này được trồng ở Hưng Yên, rất hút khách mua bởi cùi nhãn khá dày, vỏ mỏng, ăn lại khá ngọt. Đặc biệt, do mẫu mã cũng như màu sắc của vỏ nhãn rất đẹp nên nhiều người chọn mua đem biếu tặng người thân, bạn bè.
|
Loại nhãn quả to khủng, vỏ vàng sáng được bày bán la liệt tại chợ Hà Nội. |
Vừa mua xong 3 kg nhãn lồng Hưng Yên loại khủng tại một hàng hoa quả trên đường Nguyễn Xiển (Hoàng Mai, Hà Nội), chị Trần Thanh Nhàn ở Bắc Linh Đàm (Hoàng Mai) chia sẻ: “Tôi thấy quả nhãn có màu vàng khá đẹp, quả lại to nên mua về ăn dù giá đắt hơn loại nhãn khác rất nhiều”.
Song, theo chị Nhàn, chị có người nhà quê ở Hưng Yên, thỉnh thoảng được gửi nhãn lên cho. Tuy nhiên, chưa bao giờ chị thấy loại nhãn nào có màu vàng sáng, giống loại nhãn bán tại chợ hôm nay chị vừa mua.
“Nhãn ở quê gửi lên chỉ nhỏ bằng nửa, vỏ nhãn cũng thâm chứ không vàng”, chị nói.
Chị cho hay có nghe đồn rằng loại nhãn vỏ vàng là nhãn được sấy qua lưu huỳnh để tẩy màu cho vỏ vàng đẹp hơn.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Quỳnh ở Nguyễn Biểu (Ba Đình, Hà Nội) cũng cho biết, nhà chị rất hay ăn nhãn, năm nào tới mùa cũng mua về ăn khá nhiều. Tuy nhiên, năm nay khi đi chợ, chị thấy tiểu thương bán loại nhãn khá lạ, quả to, vỏ màu vàng khác với loại chị vẫn hay mua.
“Hôm trước tôi mua về ăn thử thì thấy chúng khá ngon, tuy không ngọt sắc nhưng loại nhãn này cùi dày, vỏ mỏng. Song, từ hôm ăn thử tới giờ tôi không dám mua thêm lần nào nữa, bởi tôi nghe người ta nói là loại nhãn này được dân buôn dùng lưu huỳnh tẩy cho vỏ quả nhãn sáng đẹp hơn”, chị Quỳnh cho hay.
Trao đổi với PV.VietnamNet về vấn đề trên, ông Vũ T.N, giám đốc một công ty chuyên doanh nông sản hữu cơ, cho biết loại nhãn quả to khủng được bày bán ở chợ Hà Nội hiện nay là nhãn Miền Thiết (1 trong 6 loại nhãn lồng được trồng ở Hưng Yên).
Còn về chuyện vỏ nhãn có màu vàng sáng, ông N. thừa nhận, các loại nhãn có vỏ màu vàng sáng đúng là được dùng lưu huỳnh để xử lý.
Theo ông Vũ T.N, quả nhãn tự nhiên vỏ thường màu thâm bởi có nấm mốc bao quanh, nhưng khi dùng lưu huỳnh xử lý thì vỏ sẽ sạch và sáng, vàng hơn rất nhiều. Dân buôn thường làm theo cách này để mẫu mã cũng như màu sắc quả nhãn nhìn bắt mắt hơn.
“Phương pháp này được các nước trên thế giới áp dụng khá nhiều. Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho phép áp dụng. Song, khi làm phải đảm bảo đúng liều lượng, thời gian cách ly tối thiểu 2 ngày để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng khi ăn nhãn”, ông N., cho biết.
PSG-TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện sinh học - Công nghệ thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng nói thêm, quả nhãn tươi muốn khỏi bị thâm người ta thường cho nhãn vào thùng bằng giấy hoặc sọt rồi đốt lưu huỳnh ở dưới đáy cho cháy lên tạo thành khí SO2, khí đó bay lên và bao phủ quanh vỏ, làm cho quả nhãn sáng hơn và không bị mốc, hỏng.
Đây là phương pháp sinh tiết hóa khô và chất lưu huỳnh được phép dùng trong công nghệ thực phẩm.
Theo PSG-TS. Nguyễn Duy Thịnh, không chỉ riêng với nhãn mà lưu huỳnh còn được dùng để bảo quản nhiều loại quả khác, như quả vải hay các loại thực phẩm khô.
Ông Thịnh cho hay, hàm lượng lưu huỳnh dùng bao nhiêu không quan trọng, bởi khi sử dụng chúng chỉ là chất khí chỉ bám vào bề mặt ngoài. Khi khí SO2 bay hết đi thì quả nhãn có thể ăn bình thường, không sợ độc hại.
Tuy nhiên, người ta phải cách ly ít nhất hai ngày mới đem ra bán cho người tiêu dùng mua về ăn. Lý do là khí SO2 bám vào vỏ quả nhãn, nếu chưa bay hết thì ngửi sẽ có mùi hơi hắc, gây cảm giác khó chịu. Do vậy mà nhiều người khi mua nhãn, thấy mùi khác lạ thường nghi ngờ nhãn được ủ ướp hóa chất độc hại.
Song, PSG-TS. Nguyễn Duy Thịnh cũng lưu ý, trong quá trình đốt lưu huỳnh để khí SO2 bám vỏ hoa quả mà ngửi trực tiếp khí này thì sẽ rất độc hại với sức khỏe, mắt lúc nào cũng có hiện tượng cay, chảy nước mắt. Thế nên, cần tránh tiếp xúc trực tiếp khi đốt lưu huỳnh.
Mời quý độc giả xem video về thực phẩm bẩn (nguồn VTV):