"Sông Cầu nước chảy lơ thơ/Đôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi". Câu thơ lục bát trên gợi nhớ đến vùng đất Kinh Bắc cổ xưa, với những câu hát dân ca quan họ làm bao người say đắm. Không chỉ đi vào thơ ca, dòng sông còn ghi dấu ấn với giới sành ăn nhờ một đặc sản hiếm có.
Hàng năm, vào độ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch, khi gió heo may về, dân thuyền chài lại lênh đênh trên dòng sông Cầu khu vực chảy qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bắc Giang để săn bắt cua da.
Không như các loài cua khác thường có quanh năm, cua da chỉ xuất hiện khoảng 2 tháng, sau đó thì "mất tăm" không tài nào bắt được.
Theo người dân huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) giải thích, sở dĩ gọi là cua da vì chúng có một lớp da trên càng, cũng có người gọi là “cua ra” vì gắn với câu tục ngữ “Tháng Chín cua ra, tháng Ba cua vào”, song cua da vẫn là tên gọi phổ biến hơn cả.
Loại cua này thường sống trong các ghềnh đá đoạn sông Cầu chảy qua địa phận một số xã ven sông huyện Yên Dũng như: Đồng Việt, Đồng Phúc, Yên Lư, Thắng Cương,... và một số vùng ở Bắc Ninh. Việc đánh bắt cua rất khó khăn, nhất là vào những ngày mưa phùn gió bấc.
Cua da mỗi năm chỉ xuất hiện có một lần trên dòng sông Cầu thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh, hết mùa là người dân không thể đánh bắt được.
Chị N.M.A., 35 tuổi ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang sống có kinh nghiệm 12 năm mưu sinh gắn liền với sông nước cho biết, quanh năm lam lũ với tôm cá, chỉ mong đến mùa cua da bán đắt hàng, thêm thắt chút đồng ra đồng vào.
Đặc biệt, những ngày trời trở gió, rét buốt, dân chài lưới như chị không khỏi xuýt xoa. Trời càng rét mướt, họ càng phải đi thả rọ, lưới đánh bắt từ sớm.
“Loài cua này thường sống dưới đáy sông. Cứ tầm 3 giờ chiều, các thuyền lại xuống sông thả rọ, lưới đến 2-3 giờ sáng kéo lên để gỡ cua.
Vì đánh bắt khó, chẳng khác nào canh bạc nên hôm nào nhiều vợ chồng tôi bắt được 20kg, hôm ít chỉ được 5-7kg. Để có đủ lượng hàng giao cho nhà hàng, lái buôn, chị phải gom mua thêm của các nhà khác quanh vùng” - chị A. chia sẻ.
Cũng theo chị Anh cho biết, mấy năm nay, cua da trở thành hàng hiếm, được các thương lái từ các tỉnh lân cận về tận nơi lùng mua.
Mặc dù có giá đắt đỏ hơn so với nhiều loại hải sản, song không có cua mà bán. Thậm chí, nếu khách muốn mua cua da để biếu hay đãi khách phải đặt trước 1-2 ngày mới gom được cua ngon, nhiều trứng lên ai cũng tranh thủ vào mùa để mua được cua ngon thiết đãi khách quý.
Những năm gần đây, cua da sông Cầu trở thành hàng hiếm, có giá khá đắt.
Anh T.T.M., chuyên bán sỉ và lẻ cua da ở thị trấn Nham Biền (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) chia sẻ, loại cua này nhiều thịt, ngọt thơm, béo bùi, cua cái thì nhiều trứng, thường được chế biến thành các món lẩu, hấp bia, rang muối, cua rang me,...
Khi cua chín có màu vàng cam rất hấp dẫn khiến ai ăn một lần cũng khó quên.
“Loài cua sông này to bằng con ghẹ, về hình thức cơ bản trông giống cua đồng nhưng chân dài hơn và thân to gấp 3-4 lần, đặc biệt trên càng của chúng có một lớp lông như rêu bám vào. Phần mai mềm, mỏng nên khi ăn không phải dùng kìm để bẻ” - anh Minh cho hay.
Cũng theo Anh Minh, vào những ngày giá rét, cua ra nhiều, thuyền về làm hai chuyến lúc sáng sớm và tối muộn, tính ra mỗi ngày anh gom được 5-6 tạ cua, ngày nào bán hết sạch ngày đó. Nhưng cứ hễ gió đông nồm to, nắng nóng thì cua lại lặn mất, có bắt lên chúng cũng dễ chết.
Hiện giá bán lẻ cua da từ 450.000-550.000 đồng/kg tùy loại, sỉ từ 1 thùng xốp 20-25kg có giá dao động 370.000-520.000 đồng/kg.
Cua da chấm cùng bột canh, thêm tiêu, ớt hoặc làm nồi lẩu cua da nhiều gạch béo ngậy.
Thời điểm này đã gần vào cuối vụ cua da, song có những năm rét kéo dài đến tháng 12 âm lịch cua da vẫn còn lác đác. Dù là đặc sản nhưng không phải ai ở Bắc Ninh, Bắc Giang cũng từng được một lần nếm thử vị cua da bởi "hàng hiếm" và giá cao.