Trước đây, le le vẫn được biết đến là loài chim hoang dã hoặc để nuôi làm chim cảnh, nhưng nay nhiều người dân ở vùng ĐBSCL đã tìm cách đưa loài chim này về gia đình, nuôi thuần để cung ứng cho các nhà hàng, quán nhậu.
Nhiều nhà hàng đã coi món le le như một món ăn đẳng cấp và thường dành cho giới thượng lưu. Riêng những người sành điệu ẩm thực thì coi le le là “hàng độc”, là món đại bổ có khả năng phục hồi sức khỏe và tăng cường sinh lực. Hiện nay trong thực đơn của nhiều nhà hàng, quán ăn đặc sản miền Tây đều giới thiệu món le le xào bầu, le le quay nước dừa… và coi đó là món ngon hảo hạng.
|
Le le vốn là loài chim hoang dã nhưng đã được nhiều người thuần hóa nuôi trong ao nhà, trở thành nghề "làm giàu" mới ở miền Tây. Ảnh: I.T |
Anh Đặng Văn Triều, ấp Bình Lễ, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu chỉ nuôi 200 con le le trong ao mà có thu nhập tới 250-300 triệu đồng/năm nhờ vừa bán con giống và bán le le thịt.
Theo anh Triều, thịt le le hiện tại được các nhà hàng đặt mua thường xuyên với giá dao động từ 350.000 - 400.000 đồng/kg, còn con giống bán cho các hộ nuôi trong vùng.
Đặc biệt, trong ao thả le le của anh Triều còn kết hợp nuôi cá bống mú và trên bờ trồng dừa cho thu nhập thêm đáng kể.
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Tây cho biết: Ở ấp Bình Lễ, trước đây chỉ có một vài hộ nuôi le le nhưng đến nay đã có trên 10 hộ nuôi, mô hình này hiệu quả nên phát triển rất nhanh. Đây là loài động vật hoang dã nên rất khỏe, ít bệnh, phù hợp với vùng đất này.
Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Phước Long cho biết: Khoảng 3 năm trở lại đây, Phước Long mở rộng mô hình nuôi le le với 14 hộ, những hộ này nuôi tăng đàn rất nhanh, kinh tế ổn định. Phước Long sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.
Trong khi đó, ở huyện Châu Thành (An Giang), có anh Sa Lê (dân tộc Chăm) ở xã Vĩnh Hanh cũng nuôi le le bán hoang dã rất thành công. Anh Sa Lê hiện đang sở hữu đàn le le lên đến 500 con, tổng giá trị lên đến 250 triệu đồng.
Anh Sa Lê cho biết: Ý tưởng ban đầu nuôi loài chim này do anh xem trên tivi thấy nuôi hiệu quả nên anh đã mua con giống về nuôi thử nhưng bước đầu đã đem lại thành công. Ban đầu con giống của anh đa phần mua từ người dân săn bắt ngoài thiên nhiên như ở Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, và cả tận bên Campuchia… Qua nhiều năm nuôi và có kinh nhiệm giờ đây anh đã cho le le tự sinh sản để gây đàn.
Le le thường đẻ vào đầu mùa mưa, nhưng nhiều nhất tháng 7 đến tháng 8, mỗi con đẻ từ 8 - 15 trứng. Sau khi nở vài ngày, le le con sẽ theo mẹ đi kiếm ăn.
Kinh nghiệm cho thấy việc dùng lò ấp trứng bằng điện thì tỷ lệ trứng le le nở thành công rất thấp. Vì vậy, nhiều người đã nuôi thêm gà tre (gà mái) để ấp trứng le le.
Khu chuồng nuôi le le của anh Sa Lê cũng khá đơn giản, với diện tích hơn 1.000m2 đất sau nhà, anh đào ao và chỉ chừa lại 1/3 diện tích đất để trồng thêm cỏ, dưới ao anh thả thêm lục bình, bèo,… Thức ăn chính của le le là lúa ngoài ra một số loại bèo và lục bình.
Le le không những biết bay mà còn bơi lội và lặn rất tài tình. Với đặc tính đó, chuồng nuôi le le phải rộng và thoáng, giữa có hồ nước, xung quanh trồng nhiều cỏ dại như sậy, lục bình, năng, lát để tạo môi trường hoang dã cho chim trú ẩn và đẻ trứng. Ảnh: I.T
Từ lúc trứng nở đến lúc trưởng thành, khoảng 8 tháng là có thể xuất bán. Ngoài ra, để bảo vệ đàn le le khỏi đám chuột, rắn, hoặc bỏ đàn, anh Sa Lê làm một cái nhà kín nhưng chỉ dùng lưới màn nhỏ bao chặt xung quanh. Trước khi thả nuôi, còn cắt tỉa bớt lông cánh để le le không thể bay qua khỏi lưới rào.
Nhằm bảo đảm an toàn, đề phòng chuột, mèo phá hoại khu nuôi le le thì người nuôi phải bao quanh chuồng một lớp hàng rào lưới dầy và chắc chắn.