Lợi thế sông nước, gắn với quy hoạch phát triển vùng nuôi trồng thủy sản, nhiều nông dân trên địa bàn huyện An Phú (tỉnh An Giang) mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên sông. Trong đó, nông dân xã Nhơn Hội đã triển khai mô hình nuôi cá lồng bè mang lại hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương.
Nhơn Hội là vùng đất biên giới còn nhiều khó khăn, nhưng với lợi thế sông nước, nông dân nơi đây đã mạnh dạn phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên sông, mang lại sinh kế ổn định. \
Ông Trần Văn Thiệu (ngụ ấp Bắc Đai, nuôi cá cóc trong bè trên sông hơn 10 năm) cho biết: “Cá cóc là loại cá có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc so với nuôi cá khác.
Nhưng vốn đầu tư khá cao, thời gian nuôi dài, trung bình từ 18 - 24 tháng mới xuất bán. Với diện tích lồng bè khoảng 130m3, mỗi năm thả nuôi trên 8.000 con cá cóc giống. Sau 1 năm nuôi, cá đạt trọng lượng từ 1,2 - 1,5kg/con, bán giá 160.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi hơn 300 triệu đồng”.
Theo ông Thiệu, để nuôi cá cóc đạt hiệu quả cao, người nuôi phải hiểu được đặc tính của cá, cách chăm sóc, thức ăn hợp lý từng thời điểm thì cá mới phát triển tốt.
|
Bè nuôi cá mè hôi và cá he của ngư dân đầu nguồn huyện An Phú, tỉnh An Giang. Trong số các loài cá đặc sản được nông dân An Phú nuôi thành công có mô hình nuôi cá cóc-một loài cá ngon trên dòng sông Mê Kông. |
Hàng ngày, phải kiểm tra bè rất kỹ, nếu cá có biểu hiện yếu, ăn ít hơn mỗi ngày thì phải xử lý, điều trị ngay. Đồng thời, phải thường xuyên vệ sinh bè sạch sẽ để hạn chế cá nhiễm bệnh.
Bên cạnh, yếu tố dinh dưỡng trong thức ăn thủy sản cũng góp phần quan trọng giúp nâng cao lợi nhuận khi xuất bán. Do đó, ngoài sử dụng thức ăn sẵn có, ông còn bổ sung thêm nguồn cá tạp đánh bắt ngoài tự nhiên.
Theo ông Thiệu, nếu cho cá ăn bằng nguồn cá tạp đánh bắt ngoài thiên nhiên, thì cá sẽ mau lớn, ít nhiễm bệnh và ít tốn chi phí hơn so với cho ăn thức ăn công nghiệp. Trung bình 1 con cá cóc đạt trọng lượng 1kg sẽ tiêu tốn ít nhất 6kg cá mồi trong quy trình nuôi.
Nhơn Hội là một trong những địa phương khai thác tốt tiềm năng lợi thế mặt nước để thực hiện nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt.
Toàn xã Nhơn Hội, huyện An Phú (tỉnh An Giang) có 30 hộ nuôi cá cóc, cá lăng nha, cá nàng hai và 2 hộ nuôi cá ao hầm với diện tích 1,3ha.
Địa phương còn phát triển 1 tổ hợp tác nuôi cá lồng bè với 8 thành viên. Tổ hợp tác này, ngoài nuôi cá cóc còn phát triển thêm mô hình nuôi cá mè hôi, mè vinh, cá ét, cá he, cá heo đuôi đỏ...
Nhờ tăng cường chuyển giao kỹ thuật nuôi cá, liên kết với bà con trong bao tiêu sản phẩm nhằm cung ứng cá chất lượng cho khách hàng và đảm bảo thị trường đầu ra ổn định, mỗi năm xuất ra thị trường trên 40 tấn cá đặc sản các loại, cho doanh thu 3,9 tỷ đồng, trừ chi phí còn lợi nhuận 1,2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, mô hình nuôi cá lồng bè vùng đầu nguồn còn tham gia giải quyết việc làm cho 30 lao động địa phương có thu nhập ổn định từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng…
Đánh giá về hiệu quả mô hình nuôi cá lồng bè ở địa phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Hội (huyện An Phú, tỉnh An Giang) Nguyễn Thế Lương cho biết: “Hiện, mô hình nuôi cá cóc trong lồng bè đang được nhiều nông dân phát triển. Do đầu ra tương đối ổn định, giá ở mức trên 150.000 đồng/kg, nên mang lại thu nhập khá cho ngườinuôi”.
Để phát triển nuôi cá lồng bè trên sông và khai thác tối đa tiềm năng lợi thế này, bên cạnh tuyên truyền vận động, khuyến khích nuôi các loài cá có giá trị kinh tế cao, Hội Nông dân xã đã triển khai lồng ghép các chính sách hỗ trợ nông dân, tổ hợp tác có điều kiện để mở rộng quy mô, phát triển kinh tế nghề nuôi cá lồng bè. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho người dân, giúp họ cải thiện cuộc sống ngày càng tốt hơn...
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú, (tỉnh An Giang) từ đầu năm đến nay, sản lượng thủy sản thu hoạch trên địa bàn huyện đạt 10.195 tấn (sản lượng nuôi 10.004 tấn, sản lượng khai thác 191 tấn), đạt 46,34% so kế hoạch năm, tăng 120 tấn so cùng kỳ.
Cùng với tăng cường kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản, huyện quy hoạch phát triển vùng nuôi trồng thủy sản và khuyến khích người dân nuôi các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và đảm bảo môi trường nuôi, định hướng tìm đầu ra tiêu thụ.