Thời gian gần đây, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng có xu hướng tăng ở nhiều kỳ hạn. Trong tháng 12/2021, lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 12 tháng vào khoảng 6,8 -7,4%/năm.
Lãi suất ngân hàng cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về Nam A Bank với mức 7,4% cho kỳ hạn 16 tháng, 24 tháng và 36 tháng đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến.
Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất ngân hàng cao nhất vẫn là Nam A Bank với mức 7,2%. Techcombank duy trì 7,1%/năm cho khách hàng gửi từ 999 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn 12 tháng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ.
|
Lãi suất ngân hàng tăng dịp cuối năm. Ảnh minh hoạ |
Tiếp theo là ngân hàng SCB với mức lãi suất 7,15% cho kì hạn 18 tháng.
GPBank đã tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,5 điểm %/năm ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, mức lãi suất ngân hàng cao nhất ở kỳ hạn 6 tháng hiện nay là GPBank với 6,5% và lĩnh lãi cuối kỳ.
Ở kỳ hạn 3 tháng, PVcomBank, SCB, GPBank đều đang niêm yết lãi suất cao nhất hệ thống ngân hàng với mức lãi suất 4%/năm.
Lãi suất cao nhất kỳ hạn 1 tháng là 4% thuộc về PVcomBank, SCB, GPBank.
Eximbank tăng lãi suất huy động thêm khoảng 0,1-0,3%/năm ở các kỳ hạn ngắn. VPBank tăng lãi suất gửi tiết kiệm online thêm 0,4-0,8%/năm ở một số kỳ hạn. Techcombank đã nâng lãi suất tiết kiệm ở hầu hết các kỳ hạn.
4 ngân hàng Big4 là Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank đồng loạt có mức lãi suất cao nhất là 5,5-5,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Theo đánh giá của chuyên gia Công ty chứng khoán SSI, cuối năm nhiều ngân hàng tăng lãi suất do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn cao khi đến chu kỳ cuối năm và Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu phục hồi sản xuất sau giai đoạn dịch bệnh và bắt đầu cần vốn để kinh doanh.
Một yếu tố nữa thúc đẩy lãi suất tăng là một số ngân hàng vừa được nới chỉ tiêu tín dụng lên khá cao. Để cân đối nguồn vốn, các ngân hàng đẩy mạnh lợi thế thế thu hút khách hàng, nhất là các khách hàng có số tiền gửi lớn.
Các chuyên gia cho rằng, từ đầu năm 2022, lãi suất tiền gửi có thể tăng 0,3 - 0,5 điểm %. Khi đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng sẽ ở mức 5,9 - 6,1%/năm. Tuy vậy, tỷ suất này vẫn thấp hơn so với mức 6,8%/năm trước dịch bệnh.
Video: Giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo. Nguồn: VTV24