Cưng rắn như con
Mấy hôm trời trở lạnh, anh Phan Đình Hòa cùng vợ phải chuẩn bị bạt che giữ ấm cho rắn. Nếu lạnh hơn nữa, anh chị phải thắp thêm bóng đèn tăng nhiệt độ để rắn không bị lạnh và sinh bệnh, thậm chí sẽ chết.
Trước đó, khi thời tiết nắng nóng, rắn nhà anh được che bạt để tránh nắng. Cả trong và ngoài gian nhà đều có quạt cây bật vù vù cả ngày.
Anh Hoài nói: “Hàng ngày phải quan sát, con nào bỏ ăn, con nào hay cáu kỉnh bất thường là phải chú ý. Thường gặp nhất là nhiễm khuẩn và đi ngoài”. Chính vì vậy, nhà anh sắm cả tủ thuốc cho rắn.
|
Con rắn hổ mang già nhất trong chuồng nhà anh Hòa dài gần 2 m và có giá trên 3 triệu đồng. |
Nói về tuổi nghề, người đàn ông này hóm hỉnh cho biết, thời gian anh gắn bó với rắn đã gần 20 năm, còn lâu hơn ở với vợ nên tỷ phú miền sơn cước này cưng rắng như con.
Rắn hổ mang nổi tiếng độc và hung dữ, thậm chí chuyện rắn xổng chuồng cũng thường xuyên xảy ra. Đã ba lần anh Hòa bị rắn độc cắn, may sao đều được cấp cứu kịp thời nên thoát nạn. Trong nhà anh, lúc nào cũng để sẵn thuốc trị rắn cắn.
Dãy nhà gạch nuôi rắn kiên cố được tách thành hai khu, một nuôi rắn trâu (hổ trâu) và một nuôi rắn phì (hổ mang). Dẫn tôi qua khu nuôi rắn phì, anh Hòa đeo dụng cụ bảo vệ và cầm theo đèn pin.
Trong gian nhà hơn 50 m2 nằm mát mẻ giữa vườn, các ô rắn được chia ra liên tiếp nhau. Diện tích mỗi ô chỉ 40x50 cm, đậy kín bằng hai viên gạch. Mỗi ô là “nhà” của một con rắn hổ mang. Những tiếng phì phì liên tiếp phát ra từ các ô nghe rợn người.
Trước khi bắt rắn ra ngoài, anh dặn tôi đứng ra xa và phải hết sức chú ý. Nói rồi, anh Hòa cẩn thận lật nắp đậy, dùng móc bắt con rắn hổ mang già nhất cho tôi xem. Con rắn phì khá hiền khi nhận ra chủ và sau khi được cho ăn no. Tính đến năm nay nó được 8 tuổi, dài gần 2 m và đã cho gia đình nhiều lứa trứng.
Rắn trâu không như rắn phì, thích sống thành bầy. Chính vì vậy, khu nuôi rắn trâu anh Hòa để chung cả gian nhà lợp lá. Bên trong bố trí thành các ổ lúp xúp lá cọ cho rắn cuộn bên trong. Mỗi ổ khoảng chục hoặc vài chục con quấn lấy nhau.
“Nuôi rắn được cái nhàn. Mỗi năm rắn chỉ ăn 6 tháng. Trong 6 tháng này, cứ ba ngày cho ăn một lần. 6 tháng mùa đông còn lại rắn không cần ăn”, vợ anh Hòa - chị Hoài cho biết. Theo chị, rắn ăn ít nhưng lại ăn đồ “độc” như thịt gà, cóc, ếch, lươn... Vì thế, hàng ngày chủ trại rắn phải tìm mua gà thải loại và cóc làm thức ăn cho rắn, thành ra giá thành nuôi cũng không hề rẻ.
300.000 đồng một quả trứng rắn
Khi được hỏi về thu nhập, anh Hòa cho biết, hiện gia đình anh có tổng cộng hơn 300 con rắn phì và gần 500 con rắn trâu. Nếu tính giá thịt, trước đây, số rắn này có giá trị khoảng 2 tỷ đồng. Nhưng gần hai năm nay giá rắn xuống hiện chỉ còn khoảng gần 1 tỷ đồng.
Ngoài rắn thịt, anh Hòa còn nuôi 150 cặp rắn để lấy trứng. “Rắn mỗi năm chỉ đẻ một lứa, mỗi lứa nhiều thì 40 - 50 quả”, anh Hòa vừa nói vừa mang hộp trứng rắn cho khách xem.
Trứng rắn màu trắng, vỏ mềm, to bằng quả trứng gà so, bầu dục. “Mỗi quả trứng rắn có giá trên dưới 200.000 đồng. Đắt nhất là trên 300.000 đồng”, anh Hòa kể. Với giá trứng ấy, mỗi năm anh chị cũng thu được khoảng hơn 100 triệu đồng.
Như vậy, mỗi năm, trừ chi phí anh chị thu được vài chục tới vài trăm triệu đồng. “Cả rắn thịt và trứng đều bán cho thương lái mang sang Trung Quốc. Trứng rắn thơm lắm nhưng dân mình không quen ăn. Không như người Trung Quốc, họ ăn cả trứng rắn lộn vì theo họ rất bổ”, chị Hoài cho hay.
Hiện nay, không chỉ gia đình anh Hòa mà những gia đình nuôi rắn ở xã bên cũng đều phụ thuộc vào thương lái và thị trường Trung Quốc. Theo lời chị Hoài, mỗi năm thương lái sẽ thu gom thành nhiều đợt rất thủ công.
“Trước khi họ tới thì gọi điện xem mình bán trứng hay thịt”, chị nói. Nếu thương lái không tới mua, trứng có thể bị hỏng. Còn rắn thịt quá lứa phải nuôi tiếp sẽ tốn kém vì rắn càng lớn, thức ăn tiêu thụ càng nhiều.
Tình trạng thu mua thất thường mấy năm gần đây vẫn diễn ra. Bị thương lái Trung Quốc ép giá, nhưng nếu không bán thì không biết tiêu thụ chỗ nào. Một vài hộ nuôi rắn xã bên còn nghĩ ra cách chế biến thành cao rắn hay ngâm rượu để chủ động ở đầu ra.
“Vợ chồng tôi đang tính sẽ nuôi thêm vài trăm con lợn hay vài nghìn con gà. Nếu chỉ nuôi rắn mà lại phụ thuộc vào thương lái thì bị động lắm”, anh Hòa nói.