Thế nên, Tết đến là khoảng thời gian rảnh rỗi hiếm hoi để họ xả hơi, làm những gì mình thích và theo đuổi.
Những ngày giáp Tết, đường phố Hà Nội thoáng đãng hẳn lên. Hà Nội trở nên bình yên và đáng yêu.
Lang thang ra Hồ Tây, với tâm trạng phấn khích, tôi nhấc máy lên gọi cho ông bạn là doanh nhân, giám đốc của hãng cửa thông minh. Chuông điện thoại reo mãi, nhưng không ai trả lời. Gọi đến cuộc thứ ba ông bạn doanh nhân Việt Nam của tôi mới mở máy.
|
Tết đến là khoảng thời gian rảnh rỗi hiếm hoi để những doanh nhân xả hơi, làm những gì mình thích và theo đuổi. |
Tôi hỏi: Ông đang ở đâu? Tết này chơi gì? Em đang ở sân golf bác à. Lo Tết cho anh em xong rồi, đến lượt giành thời gian cho mình. Quanh năm làm quần quật, trước Tết đôn đáo tất tưởi, giờ đến lượt mình. Rằng bận quá nên bộ gậy để mốc meo, thi thoảng tiếp mấy đối tác nước ngoài, cầm gậy vụt, quả bóng bay tứ tung. Dịp Tết là cơ hội để ra sân “luyện chưởng”, thưởng ngoạn không khí trong lành trên những thảm cỏ xanh mướt để rồi ra Giêng lại tiếp tục cho một năm mới.
Hầu hết các doanh nhân đều mắc bệnh “nghiện việc”. Thấy việc là ham. Kinh doanh, kiếm ra tiền như một hấp lực lôi kéo người ta vào công việc. Từ chỗ gặp gỡ, đàm phán để ký kết các hợp đồng kinh tế làm ăn đến việc tổ chức triển khai thực hiện, lo nhân sự rồi xử lý chuyện thương trường, thanh toán công nợ, lo lương bổng cho anh em,... cứ thế đầu tắt mặt tối từ này này qua ngày khác cho tới cận Tết.
Cũng may, Tết cổ truyền nay được nghỉ cả tuần nên muốn đi làm cũng chả biết làm việc với ai. Cơ quan công sở nghỉ, các đối tác đều nghỉ cả, cán bộ công nhân lo về quê, vậy là doanh nhân được tự do hoàn toàn. Đây là thời điểm duy nhất trong năm có thể cai được cơn “nghiện việc” nên mới giành thời gian đi sân golf.
Thời của hội nhập, làm ăn với nước ngoài, họ xuống sân bay đều muốn ra sân golf để thưởng ngoạn không gian của hồ nước, của cây xanh vừa để tranh thủ đại tu sức khỏe. Không biết chơi golf thiệt đủ đường, đành phải tranh thủ luyện. Chuyện của anh bạn tôi như đã nói ở trên không phải là hiếm mà là thói quen của một tỷ lệ khá lớn các doanh nhân.
|
Tết cũng là dịp nhiều doanh nhân đi phát quà Tết cho trẻ em vùng cao. |
Khác với những nam doanh nhân, Anh Thơ, giám đốc của một hãng sơn lại có kiểu chơi Tết khác người. Tôi hỏi, Tết đến rồi, em đang ở đâu? Rằng, năm nay em đi Quế Phong, năm ngoái em đi Sốp Cộp rồi. Rằng chúng em lên đó để phát quà Tết cho trẻ em vùng cao.
Anh Thơ cho hay, mỗi năm Tết đến, nhóm bạn của cô lại đi về một vùng biên ải nào đó, nơi có những bản làng heo hút nghèo khó, nơi đó có những đứa trẻ với đôi mắt trong veo đi chân đất trong những ngày giá lạnh. Họ rất cần được giúp đỡ. Nhóm của cô tổ chức gói bánh chưng, thu gom quần áo ấm và mua thực phẩm lên tận những bản vùng cao, vào từng hộ gia đình để phát quà.
Cô tâm sự, rằng ai đã trải qua một thời tuổi thơ lam lũ sẽ cảm nhận được việc làm thiện nguyện có ý nghĩa lớn lao thế nào.
Họ đến những vùng sâu, vùng xa heo hút không chỉ thuần túy là những cặp bánh chưng, những tấm áo ấm mà hơn thế là một tấm lòng, một lời động viên chia sẻ động viên những người dân miền núi để họ tin yêu vào cuộc sống, từ đó biết vượt lên để thoát nghèo, từng bước tạo dựng một tương lai tốt hơn cho các thế hệ con em.
Tết em đi miền núi, còn con em thì bỏ cho ai?, tôi hỏi. Rằng, em cho con em đi cùng. Cháu ở thành phố, quanh năm chúi mũi vào chuyện học hành, được đi về miền núi cũng là dịp để cháu giảm bớt căng thẳng, thêm vào đó cũng là cách để cho cháu cảm nhận được những giá trị mà mình đang được hưởng, từ đó sẽ có tấm lòng nhân ái hơn. Cho đi là cách tốt nhất để nhận lại mà anh.
Năm ngoái nhóm của cô đi Sốp Cộp. Huyện này ở Sơn La, giáp Lào. Gọi là huyện nhưng diện tích còn lớn hơn cả tỉnh Ninh Bình. Trao đủ mấy trăm suất quà cho tám xã mất ba ngày, đêm giao thừa mới về tới nhà.
“Bọn em thiện nguyện đích thực, không quay phim, không chụp ảnh, không post hình lên facebook, bằng tấm lòng của mình thôi anh. Anh có bao nhiêu đóng góp bấy nhiêu, không có sổ công đức đâu nhé. Tiền tiêu vặt đọc đường phải tự túc, phương tiện bọn em lo”, cô nói khi biết tôi cũng muốn tham gia chương trình thiện nguyện.
Hỏi ra mới biết rằng, tổ chức thiện nguyện như Anh Thơ không chỉ có một vài chục người mà nay đã lên tới hàng ngàn người, thu hút hàng trăm doanh nhân tham gia. Họ là người ở khắp mọi nơi, không chỉ có Hà Nội, Sài Gòn mà còn cả Tây Nguyên, ven biển miền Trung. Có người tham gia đi trực tiếp đến vùng sâu vùng xa trao quà, có người chỉ chuyển tiền qua tài khoản rồi ủy thác cho ai đó mua quà.
Nói như vậy cũng chưa hẳn đã hết chuyện ăn Tết của doanh nhân. Tôi gọi cho một ông bạn đang là sếp của một nhà băng. Ông đang cùng bạn gái đi nước ngoài. Đi đổi gió chút ông à!, giọng ông hồ hởi.
Thời hội nhập và toàn cầu hóa là vậy, khi trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký song phương và đa phương có điều khoản về miễn thị thực. Đặc biệt là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN có hiệu lực, việc đi lại trở nên thuận lợi hơn. Tết Việt, mình được nghỉ ngơi, giá cả dịch vụ trở nên đắt đỏ, bay ra nước ngoài du lịch chi phí rẻ hơn nhiều, lại không bị soi, tiện đủ đường.
Tôi chúc ông có chuyến đi vui vẻ. Còn tôi, cũng chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi vào xứ Nghệ, lên tận vùng bản làng miền núi xa xôi như đã nhận lời với nhóm thiện nguyện của Anh Thơ.
“Cho đi cũng chính là nhận lại”, tôi nhớ câu này và đang muốn làm một điều gì đó cho cộng đồng. Thử cho đi xem năm tới mình có khá giả thêm không!