Bậc thấp nhất là 0-50 “số điện”, bậc cao nhất là từ 401 “số điện” trở lên. Người dùng trên 400 số điện/tháng sẽ chịu mức giá cao hơn nhiều, là 2.701 đồng/số điện, tức gần gấp đôi so với bậc thấp nhất.
Các kịch bản giá điện sinh hoạt
Tháng 11/2017, Bộ Công Thương đã dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Đến thời điểm này, đây đã là dự thảo lần 4. Trong đó, đáng chú ý là biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn được Bộ Công Thương chia làm 6 bậc như cũ. Bậc thấp nhất là 0-50 “số điện”, bậc cao nhất là từ 401 “số điện” trở lên.
Người dùng từ 0-50 số điện sẽ có mức giá điện thấp nhất là 1.549 đồng/số điện. Người dùng trên 400 số điện/tháng sẽ chịu mức giá cao hơn nhiều, là 2.701 đồng/số điện, tức gần gấp đôi so với bậc thấp nhất.
|
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành gồm 6 bậc. |
Trong quá trình lấy ý kiến, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng nhiều kịch bản về rút ngắn các bậc của giá điện.
Kịch bản 1A là rút từ 6 bậc còn 3 bậc, trong đó bậc thấp nhất giữ nguyên là từ 50 số điện đầu tiên (giá điện 1.484 đồng/số). Bậc 2 là từ 51 số điện đến 300 số điện với mức giá 1.768 đồng/số. Bậc 3 là từ 301 số điện trở lên chịu mức giá 2.559 đồng/số.
|
Một trong các kịch bản đưa ra. |
Ưu điểm phương án này là đơn giản, người dân dễ hiểu. Nhược điểm là 14 triệu hộ sử dụng từ 51-100 số điện một tháng và hộ dùng 101-200 số điện/tháng sẽ phải trả tăng thêm khoảng từ 10.000-12.000 đồng/tháng.
Kịch bản 2A là giảm từ 6 bậc còn 4 bậc. Trong đó, bậc thấp nhất vẫn là 50 số điện đầu tiên có giá điện là 1.484 đồng. Bậc 2 là 51-200 số điện chịu giá điện là 1.668 đồng. Bậc 3 là từ 201-400 số điện chịu giá 2.327 đồng. Bậc 4 là từ 401 số điện trở lên chịu giá 2.587 đồng.
|
Kịch bản khác rút ngắn từ 6 bậc còn 4 bậc. |
Ưu điểm phương án này là dễ hiểu do giảm từ 6 bậc còn 4 bậc. Nhược điểm là 8,5 triệu hộ sử dụng điện từ 51-100 số và từ 201-300 số phải trả tăng thêm khoảng 3.000-7.000 đồng/tháng.
Kịch bản 2B có nhiều khác biệt hơn, khi bậc thấp nhất là cho 100 số điện đầu tư (thay vì 50 số điện như hiện nay). Mức giá cho 100 số điện đầu tiên là 1.506 đồng/số. Bậc cao nhất vẫn là 401 số trở lên với giá bán điện là 2.587 đồng/số điện.
|
Kịch bản khác có số bậc thay đổi từ bậc thấp nhất 50 số điện lên bậc thấp nhất là 100 số điện. |
Tuy nhiên, Bộ Công Thương băn khoăn việc thực hiện phương án này sẽ khiến tiền ngân sách hỗ trợ hộ nghèo và hộ chính sách sẽ tăng thêm khoảng 258 tỷ đồng/năm do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng.
Vẫn giữ như cũ
Góp ý cho biểu giá điện bậc thang này, Hội Điện lực Việt Nam cho rằng: giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 4 từ 101 số điện đến 200 số điện là mức tiêu thụ trung bình của đại đa số các hộ sử dụng điện sinh hoạt tiêu thụ. Do vậy, Hội Điện lực đề nghị nên lấy mức tiêu thụ này làm gốc và bằng 100% giá bán lẻ điện bình quân để tính cho các bậc thang khác.
Còn theo Hội Nông dân Việt Nam, việc điều chỉnh giá điện sinh hoạt sẽ ảnh hưởng mạnh đến các đối tượng có thu nhập thấp, trong đó chủ yếu là các đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách xã hội và các hộ nông dân. Vì thế, trong các phương án Bộ Công Thương đưa ra thì kịch bản 1A của phương án 1 (tức rút gọn còn 3 bậc) là phù hợp, vì các đối tượng sử dụng điện có thu nhập thấp sẽ không bị tác động nhiều, đồng thời sẽ khuyến khích các nhóm khách hàng sản xuất, cơ sở lưu trú du lịch, kinh doanh, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Có nghĩa, Hội nông dân muốn giá điện sinh hoạt bao gồm 3 bậc, thay vì 6 bậc như hiện nay. Trong đó, giá điện bậc 1 là dành cho 50 kWh đầu, bậc 2 mới từ 51-300kWh, bậc 3 mới từ 301kWh trở lên.
Cả Bộ Công Thương lẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam đều cho rằng: Về lý thuyết, khi điều chỉnh số bậc thang điện sinh hoạt sẽ không làm thay đổi giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt nên không làm ảnh hưởng đến cơ cấu giá bán lẻ điện sinh hoạt của các nhóm khách hàng khác. Tuy nhiên, khi thực hiện điều chỉnh số bậc sinh hoạt tại phần lớn các kịch bản tính toán đều làm tăng số tiền từ ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội.
“Tiền điện phải trả tăng thêm hầu hết ảnh hưởng đến nhóm khách hàng thu nhập trung bình, thấp từ 51-100kWh và từ 201-300kWh/tháng (khoảng 8,6 triệu hộ chiếm 36% tổng số hộ 24,1 triệu hộ sinh hoạt), các hộ sử dụng nhiều điện từ 300kWh/tháng trở lên được hưởng lợi từ giảm giá điện. Điều này chưa phù hợp trong giai đoạn hiện nay, theo Bộ Công Thương.
Ngoài ra, hiện nay các tổng công ty điện lực đã triển khai lắp đặt công tơ điện tử cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt cũng như tăng cường công tác dịch vụ khách hàng nên dự kiến trong thời gian tới công tác ghi chỉ số công tơ, lập hóa đơn tiền điện sẽ được công khai, minh bạch hơn.
Vì vậy, trước mắt cả Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực đều kiến nghị tạm thời giữ nguyên cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt để “tránh xáo trộn trong việc thực hiện”.
Trả lời PV.VietNamNet tại thời điểm đưa ra lấy ý kiến lần đầu, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho rằng: Giá điện bậc thang thì rõ ràng có khuyến khích tiết kiệm vì càng dùng nhiều càng phải trả tiền nhiều.
“Tôi thì nghiêng về phương án rút gọn từ 6 bậc về 3 hay 4 bậc bởi dễ tính hơn. Theo thống kê, khoảng 65% số hộ dân dùng điện trong khoảng 150 kWh/tháng, nên chúng tôi đề xuất bậc thang đó giá thấp hơn giá trung bình một chút - khoảng 95,5%. Như thế đại đa số dân được hưởng giá điện thấp hơn”, ông Nguyễn Tiến Thỏa góp ý.