Tem nhận diện thương hiệu bị lạm dụng
Gà Hồ (thị trấn Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) nức tiếng là giống gà quý tiến vua với vóc dáng to lớn (nặng trung bình 5-6kg), màu lông đẹp, da dày, thịt màu hồng, thơm ngon... Sau một thời gian có nguy cơ mất giống, gà Hồ đã được khôi phục, bảo tồn thành công. Đầu năm 2017, nhãn hiệu tập thể “Gà Hồ - Thuận Thành - Bắc Ninh” được cấp cho Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi gà Hồ với 9 hộ ở 2 thôn Lạc Thổ Bắc và Lạc Thổ Nam.
Ông Nguyễn Văn Đông - Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở KH&CN Bắc Ninh - cho biết, các hộ tự giám sát nhau để đảm bảo nuôi đúng quy trình. Gà trước khi bán được treo tem nhận diện nhãn hiệu ở cổ hoặc chân.
“Nhãn hiệu tập thể bước đầu được người dân khai thác hiệu quả. Gà Hồ của các hộ nuôi ngoài HTX có giá bán từ 220.000-250.000 đồng/kg, còn gà Hồ có tem giá khoảng 500.000-600.000 đồng/kg. Điều đó cho thấy nhãn hiệu khi được khai thác tốt sẽ nâng giá trị của gà Hồ lên gấp đôi” - ông Đông đánh giá.
|
Ông Nguyễn Đăng Chung (phải) đang giới thiệu về gà Hồ - Thuận Thành, Bắc Ninh. Ảnh: Lê Tú |
Ông Nguyễn Đăng Chung - Giám đốc HTX và Chủ nhiệm Câu lạc bộ gà Hồ - phản ánh một số khó khăn trong vấn đề quản lý nhãn hiệu: “Thực tế, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa phân biệt rõ tên chính xác của gà Hồ có chứng nhận nhãn hiệu tập thể và gà không có chứng nhận.
Cụ thể, nhiều hộ ngoài HTX ghi tên quảng cáo là “gà Hồ Lạc Thổ” hoặc tên của chính hộ nuôi và người tiêu dùng vẫn nghĩ mình mua được sản phẩm gà Hồ có bảo hộ với quy trình chuẩn đảm bảo chất lượng. Tình trạng nhầm lẫn tên nhãn hiệu dẫn đến sự thiệt thòi cho khách hàng và những hộ thuần nuôi gà Hồ, tâm huyết với con gà Hồ”.
Trước thực tế này, ông Chung cho rằng chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền rộng rãi để người dân biết về nhãn hiệu tập thể “Gà Hồ - Thuận Thành, Bắc Ninh”, tránh mua gà Hồ không chuẩn với giá cao.
Tình trạng lạm dụng tem nhãn cũng đã xảy ra. Ông Chung chia sẻ: “Chúng tôi treo tem nhận diện vào cổ, chân gà rồi mới bán ra thị trường. Việc tháo ra, đeo vào rất dễ dàng nên tem này đang bị một số người sử dụng lại. Các hộ trong HTX còn chăn nuôi đơn lẻ theo hộ gia đình nên cũng khó kiểm soát đầu ra”.
Theo ông Nguyễn Văn Đông, địa phương đã có chính sách quy hoạch diện tích đất cho HTX thuê để phát triển gà Hồ thương phẩm, đồng thời động viên nhân dân trong vùng nuôi gà Hồ. “Khi có quy hoạch, bà con sẽ tập trung sản xuất, nhân giống, các khâu sản xuất, kinh doanh cũng dễ kiểm soát hơn” - ông Đông hy vọng.
Cần nâng tỷ lệ gene gốc
Hiện 9 hộ gia đình của HTX chăn nuôi gà Hồ có khoảng 260 con gà thịt nặng từ 4,5kg trở lên, gà con để bán thương phẩm là trên 4.000 con. Mức độ thuần chủng của gà Hồ đạt 75%, còn 25% là các gene lai. “Chúng tôi đang tìm mọi cách cùng với các nhà khoa học nâng tỷ lệ gene gốc gà Hồ để sớm có sản phẩm gà Hồ thuần chủng như ngày xưa” - ông Chung nói.
Ông Đông giải thích, ưu điểm của việc lai tỷ lệ 75% gene gốc là tăng khả năng sinh trưởng cho gà Hồ, vì giống gà Hồ thuần chủng có tỷ lệ sinh sản và ấp nở rất thấp. Tuy nhiên, nếu lai với tỷ lệ cao thì sẽ mất dáng đặc trưng của gà Hồ.
Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH&CN Bắc Ninh) Lê Xuân Tâm cho biết: “Sở đang phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp - nơi đang giữ nguồn gene quý của gà Hồ - về địa phương khảo sát, đánh giá và chọn ra những con gà bố mẹ thuần chủng nhất để cho sinh sản. Nếu tốc độ sinh trưởng tốt sẽ cho nuôi thương phẩm và nhân rộng mô hình sản xuất trên một số điểm”.
HTX chăn nuôi gà Hồ đang áp dụng chính sách mỗi hộ có từ 2-8 gia đình gà Hồ, mỗi gia đình gồm khoảng 5 con mái và 1 con trống. Mỗi tháng có khoảng 350 trứng được chuyển sang máy ấp để nhân giống. Toàn bộ quy trình từ lúc gà con nở cho đến lúc sinh sản đều được người nuôi quan sát kỹ, ghi chép. Những con gà nhanh nhẹn, mào đỏ, nổi mã, gân chân nhiều, mắt sáng, đạp mái tốt mới được lựa chọn làm gà giống.