Khách ùn ùn nạp thẻ khuyến mại 50% “vét”, nhà mạng “thất thủ"?

Google News

(Kiến Thức) - Việc các nhà mạng dừng khuyến mại 50% giá trị thẻ nạp sau hôm nay (28/2) khiến nhiều thuê bao di động trả trước đua nhau nạp thẻ "vét". Dường như nhiều lúc, dịch vụ nạp thẻ qua tài khoản ngân hàng bị quá tải.

Từ ngày 1/3, các nhà mạng di động chỉ được khuyến mãi đến tối đa 20% giá trị thẻ nạp đối với thuê bao trả trước và tối đa 50% giá trị thẻ nạp đối với thuê bao trả sau theo Thông tư số 47 ngày 29/12/2017 của Bộ TT&TT về quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất.
Như vậy, hôm nay là cơ hội cuối cùng cho các thuê bao di động trả trước nạp thẻ điện thoại để hưởng trọn khuyến mại 50% giá trị thẻ nạp. Chính vì thế, hôm nay, rất đông khách hàng đổ xô đi mua thẻ điện thoại để tận dụng cơ hội này.  
Chia sẻ với Kiến Thức, chị Nguyễn Thị Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Để không bỏ lỡ cơ hội cuối cùng này, sáng nay tôi đã mua liên tiếp 2 thẻ nạp mệnh giá 500.000 đồng để nạp vào tài khoản dùng dần”.
Tương tự chị Trang, anh Duy Khánh cũng nạp luôn cả triệu đồng tiền điện thoại ngay sáng sớm vì sợ hôm nay sẽ nghẽn mạng: “Do là lần cuối cùng, thành ra ai cũng đổ xô đi nạp thẻ. Tôi sợ nghẽn mạng không nạp được nên mới sớm ra là nạp luôn rồi. Không chỉ nạp cho mình, tôi còn nạp luôn thẻ cho điện thoại của cả bố và mẹ mỗi người 300.000 đồng để các cụ dùng dần”.
“Đằng nào cũng phải nạp nên nhân tiện hôm nay vẫn được khuyến mại 50% , tôi tận dụng cơ hội này", anh Nguyễn Anh Sơn (Ba Đình, Hà Nội) nói.
Tại đại lý của các nhà mạng hay các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng bán sim/thẻ điện thoại di động, lượng khách tăng đột biến. Cô Chiến ở Vĩnh Tuy, Hà Nội - chủ một tiệm tạp hóa nhỏ - cho biết, dù cửa hàng của cô không lớn nhưng cũng rất nhiều khách tìm đến mua thẻ điện thoại của các nhà mạng. "Từ sáng đến giờ, tôi bán rất chạy thẻ điện thoại, lại toàn những thẻ mệnh giá lớn, khác hẳn hàng ngày chỉ bán lác đác vài thẻ mệnh giá nhỏ", cô Chiến nói.
 Rất đông người đổ xô đi mua thẻ điện thoại...
 Ai cũng muốn tranh thủ được hưởng nốt mức khuyến mại 50%.
 Nhiều cửa hàng "hoạt động" liên tục trong sáng hôm nay.
Theo khảo sát của Kiến Thức, trên các trang mạng hiện cũng đăng tải hàng loạt thông tin về lần khuyến mại 50% thẻ nạp cuối cùng, đồng thời nhắc các thuê bao “tranh thủ nạp ngay kẻo nỡ” cơ hội này.
Có vẻ như do lượng người nạp thẻ qua mạng quá đông nên có nhiều thời điểm, đường link nạp thẻ điện thoại qua tài khoản ngân hàng bị nghẽn. Chị Vân ở Hà Nội cho biết, từ sáng đến giờ, chị nhờ người bạn nạp hộ thẻ điện thoại qua tài khoản ngân hàng nhưng dịch vụ của ngân hàng này liên tục báo lỗi, không nạp được. "Được biết đây là dịch vụ có sự liên kết với nhà mạng Viettel nên tôi đoán có thể do nhu cầu người nạp thẻ điện thoại Viettel quá đông nên mạng bị nghẽn", chị Vân nói.
Nhiều thời điểm trong sáng nay (28/2), khách hàng không thể nạp được tài khoản điện thoại qua dịch vụ ngân hàng. 
Mời quý độc giả xem video: "Dừng khuyến mãi nạp thẻ 50%, người dân nói gì?". Nguồn: VTC1.
Người tiêu dùng nuối tiếc
Bắt đầu từ 2005, khi thị trường viễn thông bùng nổ, để thu hút khách hàng trong thời điểm thị trường còn chưa định hình, các nhà mạng đã liên tục tung ra các chương trình khuyến mại nạp thẻ.
Khởi đầu với ưu đãi 50%, ngay khi có một nhà mạng tăng lượng khuyến mại, các đơn vị khác buộc phải lao theo để cạnh tranh. Mức ưu đãi dần lên tới 100%, 150% và có lúc lên tới 200% ở một vài nhà mạng.
Để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn, tháng 7/2010, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã đưa ra quy định về việc không khuyến mại thẻ nạp hơn 50%. Quy định này đã phần nào kìm hãm cơn lốc khuyến mại "khủng". Tuy nhiên, các nhà mạng vẫn tìm đủ cách để lách luật, kéo thêm thuê bao mới.
Trước thực trạng này, Bộ TT&TT đã ra Thông tư số 47 ngày 29/12/2017 về quy định hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất. Theo đó, từ thời điểm 1/3/2018, các nhà mạng chỉ được khuyến mại đến tối đa 20% giá trị thẻ nạp đối với thuê bao trả trước và tối đa 50% giá trị thẻ nạp đối với thuê bao trả sau.
Điều này đã khiến nhiều người tiêu dùng khá tiếc nuối.
Bảo Ngọc

>> xem thêm

Bình luận(0)