Với diện tích trồng hoa chiếm 50% đất canh tác, làng hoa Thới An (quận 12) bắt đầu vào vụ từ gần 1 tháng trước Tết Nguyên đán.
Theo các chủ vườn, hoa sẽ xuất bán từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 30 Tết Nguyên đán Tân Sửu. Thời gian này, nhiều thương lái đến đặt cọc nhưng họ chưa nhận vì giá cả không thống nhất.
Ba tháng trước Tết bắt đầu gieo giống, hầu hết chủ vườn phải thuê nhân công thời vụ. "Mỗi ngày tôi đều làm các công đoạn như bón phân, tỉa lá, tưới nước 2 lần", anh than niên nói rồi tưới cho luống hoa mào gà vừa trổ bông.
Dịp này, mỗi thửa ruộng có tới hàng chục người tất bật chăm sóc để hoa kịp bung nở đúng vào dịp Tết. Chị Dung cho biết, công đoạn tỉa lá, ngắt nụ nhầm để cây tập trung dinh dưỡng nuôi các nụ chính.
Đây là công việc thời vụ nhẹ nhàng, giúp người lao động kiếm từ 120.000-150.000 đồng/ngày. Công việc nhiều, các nhà vườn hầu như phải thuê thêm người làm. "Công việc kiếm tiền Tết này lại đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ. Bất kể cái nắng giữa trưa họ cũng phải đứng liên tục hàng giờ tập trung tỉa từng nụ hoa từ cây này sang đến cây khác, nên nếu không quen việc sẽ rất dễ bị mỏi gối, đau lưng", chị Dung chia sẻ.
Mỗi này, anh Định trộn hàng trăm ký đất trồng gồm tro, trấu và xơ dừa cho vào các chậu bông để bổ sung dinh dưỡng cho cây.
Bên cạnh đó, một nhóm khác cũng bắt đầu phân loại cây bệnh để đem đi tiêu hủy.
Các loại hoa đang dần nở rộ, khoe sắc.
Xu hướng hiện nay là những loại hoa có màu sắc rực rỡ, tuổi thọ lâu, giá cả phải chăng, do vậy chủ các nhà vườn hiện tại vẫn ưu tiên trồng hoa truyền thống. Bà Nguyễn Thị Phượng (đã gần 20 năm trong nghề) ở phường Thới An, quận 12 cho biết, năm nay tập trung nhiều vào chất lượng phân hữu cơ. Do giá phân tăng, giá sản phẩm dự kiến cao hơn chút, khoảng 5-10% tùy loại.
Chị Trịnh Thị Kim Lan - chủ vườn hoa cho biết, ngoài chi phí vốn, nguyên vật liệu tăng cao cũng là lý do các chủ vườn phải cân nhắc kỹ số lượng cung cấp ra thị trường. Năm nay vườn nhà chị có khoảng 10.000 gốc hoa. "Nhà tôi có từ 7-8 loại, đa số là các loại hoa truyền thống như vạn thọ, cúc, mào gà, đại đóa, pha lê, hướng dương,... Năm nay do ảnh hưởng của mưa khiến hoa chết nhiều, công việc cũng vất vả hơn, mình làm từ sáng tới tối mới về", nữ chủ vườn chia sẻ.
Thời gian này, nhiều thương lái đã đến xem hoa để nhập hàng bán. Những luống đẹp đã được khách là người dân TP.HCM đặt mua hết. Nhưng theo chị Lan, phải chục ngày trước Tết không khí tại đây mới nhộn nhịp.