Thua lỗ được cảnh báo trước
Tháng 6/2014, giới đầu tư cũng như thị trường hàng không nội địa “giật mình” khi Tập đoàn Thiên Minh (TMG) tuyên bố chi hơn 6 triệu USD (hơn 100 tỷ đồng) mua hai thủy phi cơ để Hãng hàng không Hải Âu khai phá thị trường thủy phi cơ phục vụ du lịch tại Việt Nam.
Theo kế hoạch, 2 chiếc thủy phi cơ này sẽ về đến sân bay Nội Bài vào tháng 8/2014 và bắt đầu khai thác phục vụ du lịch với gồm dịch vụ bay ngắm cảnh trên Vịnh Hạ Long; bay dịch vụ (Air Taxi) và các dịch vụ bay chuyên biệt theo yêu cầu của khách hàng, trước mắt là tuyến Hà Nội - Hạ Long từ tháng 9/2014.
|
Hải Âu đang thua lỗ nặng nguy cơ ngừng bay - ảnh thủy phi cơ của Hãng hàng không Hải Âu/ nguồn Hải Âu |
Thời điểm năm 2014, Hãng hàng không Hải Âu cũng dự kiến sẽ khai trương dịch vụ thủy phi cơ du lịch tại khu vực phía Nam, bao gồm TP HCM, Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Bình Thuận), Cần Thơ, Châu Đốc (An Giang), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Ngay khi công bố kế hoạch khai thác thị trường thủy phi cơ, cùng với những lời khen ngợi cho sự đột phá, "chịu chơi" của ông chủ Tập đoàn Thiên Minh, không ít ý kiến cho rằng, việc đầu tư hàng triệu USD mua sắm thủy phi cơ của Tập đoàn này là một “canh bạc” ẩn chứa nhiều rủi ro.
Rủi ro được các chuyên gia hàng không phân tích ngay thời điểm Hải Âu đi vào hoạt động ở chỗ hành lang pháp lý, giá cả cũng như đối tượng khách hàng hướng đến.
Thứ nhất về hành lang pháp lý, do là đơn vị đầu tiên khai phá thị trường thủy phi cơ nên trước đó văn bản quy pháp pháp luật về hàng không chủ yếu quy định hàng không dân dụng.
Vướng mắc cơ bản nhất đối với hoạt động hàng không chung tại Việt Nam là thiếu quy hoạch, phân chia không phận ra các vùng không phận được kiểm soát và không phận phi kiểm soát; thiếu quy chế bay tầm thấp với cơ chế điều hành bay (trách nhiệm thuộc cơ quan điều hành không lưu bay) hoặc cơ chế hỗ trợ bay (trách nhiệm thuộc người điều khiển phương tiện bay), tương ứng với thủ tục xin phép bay hoặc thông báo bay.
Thứ hai về giá vé, thời điểm năm 2014 Hải Âu dự định mức giá dịch vụ chiều bay Hà Nội - Hạ Long và ngược lại dao động từ 250 USD – 350 USD/lượt (tương đương hơn 6 triệu đồng/lượt).
Tuy nhiên thực tế khi vào trang website của Hãng hàng không Hải Âu (www.seaplanes.vn) thì giá vé cho một tour bay Hà Nội – Hạ Long kết hợp du thuyền trên biển với thời gian 2 ngày 1 đêm thời điểm chưa khuyến mãi lên đến gần 14 triệu đồng/hành khách.
Thông tin từ trang web của Hải Âu (www.seaplanes.vn) cho thấy, hãng được thành lập từ năm 2011 với 4 sản phẩm dịch vụ chính là bay hành trình, bay ngắm cảnh, bay thuê chuyến và du lịch trọn gói.
Với mức giá này, rõ ràng ngay từ đầu Hải Âu đã “kén” hành khách, chỉ những người thực sự có thu nhập cao mới đủ tiền thực hiện chuyến du lịch như trên.
Đặt giả thiết một gia đình có 5 người để thực hiện chuyến du lịch phải bỏ ra gần 100 triệu đồng, số tiền không hề nhỏ.
Thua lỗ do chính sách?
Đúng như nhận định của các chuyên gia “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ sau hơn một năm hoạt động, mới đây lãnh đạo Hải Âu đã phải ngậm ngùi thừa nhận đang thua lỗ rất nặng.
Chia sẻ với Báo Giao thông, bà Đinh Thu Trang - Tổng giám đốc Hãng hàng không Hải Âu với ba tàu thủy phi cơ hiện có song một năm Hải Âu chỉ khai thác được khoảng 700 giờ bay, chưa bằng mức khai thác tối đa của một tàu bay.
Việc công suất đội bay dư thừa nghiêm trọng trong khi hãng vẫn phải trả chi phí nhân công, dịch vụ dẫn đến thua lỗ nặng, nguy cơ ngừng bay
“Hàng không Hảu Âu bị thua lỗ nặng, ảnh hưởng tới khả năng kéo dài hoạt động” bà Trang nói trên Báo Giao thông.
Theo bà Trang, về phương thức bay, phần lớn nhu cầu của Hàng không Hải Âu là bay bằng mắt ngoài đường hàng không. Tuy nhiên, hãng này lại thường xuyên bị “ép” bay theo các đường hàng không.
Tuy nhiên khi đường hàng không bị “đóng” (ví dụ đường hàng không từ Hà Nội đi Hải Phòng), Hàng không Hải Âu buộc phải bay vòng theo các đường hàng không khác, với thời gian và chi phí tăng lên nhiều.
Bà Trang cũng cho biết suốt thời gian qua, 100% các chuyến bay từ Nội Bài đi vịnh Hạ Long của Hải Âu đều phải bay vòng. Một khó khăn khác do thiếu các hành lang pháp lý, lãnh đạo các địa phương thường lúng túng khi Hải Âu này xin phép khai thác.
Từ chia sẻ của bà Trang, nếu nhìn ở khía cạnh văn bản pháp luật, chúng ta chưa bám sát theo kịp với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên ở góc độ đầu tư kinh doanh, những thua lỗ của Hãng hàng không Hải Âu xuất phát từ chính doanh nghiệp khi liều mình lao vào đầu tư lĩnh vực mới, chi phí lớn và mang tính đặc thù như hàng không thủy phi cơ.
Được biết, hiện các cơ quan chức năng mới chỉ cấp phép bay đến và đi 2/8 khu vực mà Hải Âu xin phép là Quảng Ninh và Bình Thuận. Các tỉnh còn lại trong danh sách là Khánh Hòa, Cần Thơ, An Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện vẫn chờ Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng phê duyệt.
Trả lời trên Kiến Thức, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết hiện tại, những đường bay nằm ngoài đường bay hàng không dân dụng đều phải xin phép Bộ Quốc phòng mới được bay. Điều này có nghĩa là Cục Hàng không Việt Nam dù có muốn cấp phép hay không cũng đều phải chờ ý kiến của Bộ Quốc phòng.
Trước những khó khăn của hãng hàng không Hải Âu, ông Cường cũng cho biết, trong thời gian tới Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Quốc phòng, rà soát lại những quy định liên quan và có những đề xuất cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động hàng không nói chung và hoạt động kinh doanh của Hải Âu nói riêng.
Được biết để giảm bớt khó khăn hiện Hải Âu đang cho một đối tác tại Indonesia thuê lại thủy phi cơ nhằm giảm lỗ.
Câu hỏi lớn được đặt ra là liệu hãng hàng không Hải Âu có đi vào “vết xe đổ” của Indochina Airlines hay Air Mekong không tình hình tài chính đã phát đi những tín hiệu rất xấu?