Và chính kỹ năng này đã góp phần không nhỏ vào thành công của họ trong nhiều năm qua: tự tay điều hành công ty của riêng họ.
Thực tế cho thấy không phải nhà sáng lập nào cũng đủ khả năng ngồi trên ghế CEO hay còn gọi là Giám đốc điều hành, hoặc nếu không họ chỉ có thể ngồi ở vị trí đó không quá 5 năm. Bởi suy cho cùng việc điều hành một công ty không hề đơn giản, nó đòi hỏi nhiều kỹ năng đến mức đa phần người chủ công ty sẽ lựa chọn phương án an toàn là đi thuê CEO.
Bill Gates và Jeff Bezos là một trong số ít những nhà sáng lập có đủ khả năng đảm nhiệm vị trí CEO và là những CEO cực giỏi.
|
Hai tỷ phú Bill Gates và Jeff Bezos. |
Bill Gates giữ vị trí Giám đốc điều hành tại Microsoft trong gần 25 năm trước khi ông chuyển giao vị trí đó cho bạn đại học của ông là Steve Ballmer vào năm 2000.
Trong một bài phỏng vấn với tạp chí WSJ vào năm 2017, Bill Gates thừa nhận rằng thành công Microsoft có được đều đến từ rất nhiều đêm ông phải làm việc muộn ở văn phòng trong suốt những năm công ty bắt đầu đi vào hoạt động. Ông cho biết những cố gắng này được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh giữa ông và nhà sáng lập Steve Jobs của Apple.
|
Steve Jobs đang cầm chiếc iPhone mới được giới thiệu tại Macworld vào tháng Một năm 2007 ở San Francisco, California. |
CEO hiện tại của Microsoft là Satya Nadella cũng nói với tạp chí này rằng tỷ phú Bill Gates luôn có cách để khiến mọi người làm việc hết khả năng. “Khi có ai đó gặp Bill, họ sẽ muốn thể hiện toàn bộ năng lực với ông ấy”, Nadella cho biết.
Còn nhà sáng lập của Amazon là Jeff Bezos đã giữ vị trí CEO kể từ khi đế chế bán lẻ được thành lập vào năm 1996 cho đến nay. Hàng năm vị tỷ phú tự thân luôn gửi thư đến các cổ đông để nhấn mạnh triết lý kinh doanh giúp ông trở thành CEO thành công như ngày hôm nay: xây dựng văn hóa, san sẻ quyền lực, không ngừng nghĩ đến khách hàng, tập trung vào mục tiêu dài hạn và dám chấp nhận rủi ro.
Trong lá thư thường niên đầu tiên được ông gửi đi cách đây hơn 10 năm trước, vị tỷ phú viết rằng nếu muốn thành công bạn phải sẵn sàng đánh cược. “Thất bại và cải tiến luôn song hành”, ông viết. “Để có được cải tiến bạn bắt buộc phải thử nghiệm, và nếu bạn biết trước điều đó sẽ thành công thì đó không còn là thử nghiệm nữa”.