'Hoa hậu quý bà' bỏ phố về quê làm nông dân
Chị Nguyễn Thị Thu Hường (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM) được nhiều người biết đến với cái tên thân thiện: "Hoa hậu quý bà". Trải qua biết bao gian nan, đến nay, chị Hường đã xây dựng được mô hình trang trại tổng hợp kết hợp du lịch sinh thái rộng hơn 20ha với nhiều sản phẩm nông nghiệp như nấm ăn, nấm linh chi, chăn nuôi bò sữa, dê sữa, trồng lan, nuôi cá... Giấc mơ làm nông nghiệp sạch, làm giàu từ nông nghiệp sạch của chị Hường giờ đã dần trở thành hiện thực.
|
Chị Hường bên vườn nấm linh chi vừa mới nhú. |
Nhưng ít ai biết, chị từng bị cả gia đình “từ mặt” khi dám bán đi căn nhà biệt thự tại trung tâm Sài Gòn, dồn tiền chỉ để về ngoại thành lọ mọ chăn dê, chăn bò, trồng nấm... như nông dân. “Tôi đã từng bị gia đình càm ràm vì dám bán nhà chạy theo giấc mơ nông nghiệp sạch, nhưng nông nghiệp với tôi là tình yêu lớn lao lắm”, chị Hường chia sẻ.
Bỏ chức giám đốc về cứu nguy đàn gà cổ thuần Việt
Trước đây, đã có thời gian anh Nguyễn Xuân Hòa (Nam Từ Liêm, Hà Nội) làm cho một ngân hàng lớn ở Hà Nội, sau chuyển sang làm giám đốc cho một công ty kinh doanh dịch vụ lớn. Với cương vị là giám đốc, công việc tiếp khách và ăn nhậu là chuyện thường xuyên. Song, mỗi lần ăn món gà trong các nhà hàng, quán nhậu, anh không cảm nhận được vị ngon vì miếng thịt gà mềm, không chắc, thiếu mùi thơm đặc trưng.
|
Mong muốn bảo tồn được giống gà quý của Việt Nam nên anh Hòa chấp nhận bỏ chức giám đốc về nuôi gà. |
Trong những lần đi tìm thực phẩm sạch về cho gia đình, anh thấy các loại gà đặc sản thuần chủng còn rất ít, thậm chí có loại nguồn gene có nguy cơ mai một do bị lai tạo quá nhiều. Thấy vậy, anh quyết định bỏ việc, bắt tay vào tìm các giống gà đặc sản thuần chủng của Việt Nam về gây giống, nhân đàn nuôi. Sau 5 năm bỏ ghế giám đốc về nuôi gà, anh Hòa đã bảo tồn được nguồn gene thuần chủng của gần chục giống gà thuộc hàng đặc sản, gà cổ, gà quý hiếm ở Việt Nam. Sau đó, anh nhân đàn rộng khắp, giúp những hộ dân liên kết với anh kiếm được tiền tỷ mỗi năm.
Bỏ giám đốc trăm triệu về mở trại trồng rau
Đang là giám đốc 1 công ty xây dựng có tiếng ở Đà Lạt (Lâm Đồng), kỹ sư Lê Hoàng Nhật (42 tuổi, phường 4, TP.Đà Lạt) lại bỏ ngang để về trồng rau. Khi anh bắt tay vào làm nghề nông, anh Nhật đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của người thân và gia đình, không ít người gọi anh là “Nhật khùng” vì cái quyết định gàn dở ấy.
Nhưng giờ đây, đã có nhiều người tìm đến “Nhật khùng” hỏi thăm kinh nghiệm trồng rau thủy canh. Hiện, mỗi tháng trang trại rau thủy canh của anh Nhật thu hoạch khoảng trên 3 tấn rau sạch, thu về không dưới 100 triệu đồng.
Bỏ giám đốc về quê cho con được "ăn sạch"
Là dân Tổng hợp Văn lại giỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng Hàn, chị Bùi Như Phong (SN 1977) là giáo viên ngoại ngữ, chuyên viên đào tạo cho nhiều công ty, dự án. Chị cũng từng là giám đốc trung tâm ngoại ngữ, công ty riêng về đào tạo, tư vấn du học, thu nhập hơn trăm triệu một tháng.
Nhưng càng thành công, chị Phong càng day dứt với thực tế rằng mình không thật sự yêu ngành sư phạm. Con trai lớn của chị lại hay bị các bệnh liên quan đến hô hấp. Đến năm 2013, chị Phong quyết định cho con về Hòa Bình sống với bà ngoại để con được hít thở không khí trong lành.
Về quê, chứng kiến cảnh những đầu nậu, thương lái đến các hộ nông dân ép dùng chất kích thích mới bao tiêu sản phẩm, chị Phong thấy sợ. Chị quyết định rời bỏ ngành sư phạm và bắt tay vào nuôi trồng nông sản sạch, trên chính diện tích đất của gia đình. Giờ "trang trại" của chị đang cung cấp thường xuyên cho 50 hộ gia đình và là một trong các đối tác cung cấp thực phẩm cho một trường học với hơn 1.900 học sinh.
Giám đốc ngân hàng thành nông dân trồng rau sạch thu 2 tỷ đồng/tháng
Nguyễn Phương Lan (32 tuổi, TP.HCM) đang cùng cộng sự chuyên dịch vụ cung cấp hệ thống trồng rau sạch theo mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp thủy canh. Nhưng khoảng 3 năm trước, việc từ bỏ vị trí giám đốc một chi nhánh ngân hàng để thử nghiệm trồng rau sạch khiến cô bị nhiều người chê “khùng”, gia đình cấm cản.
Cái duyên đến với rau sạch của Lan bắt đầu từ năm 2014. Trong một lần đến thăm người bạn là bác sĩ, thấy anh có mô hình trồng rau độc đáo, cô nhận thấy cơ hội kinh doanh từ đây. Lan nhờ bạn hướng dẫn kinh nghiệm trồng rau sạch theo mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp thủy canh.
Mô hình mới lạ đầy tiềm năng này lại phù hợp với nhu cầu trồng rau sạch của người dân các đô thị nên Lan càng có động lực để làm. Hiện Lan đã lắp đặt gần 800 hệ thống ở khắp nơi trên đất nước. Cô đã phát triển kinh doanh ra 3 miền, với doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/tháng và đang tìm cách xuất khẩu sang nước ngoài.