Giá vàng hôm nay 7/4 trên thị trường quốc tế chao đảo nhưng vẫn giữ được mốc khá cao cho dù USD tăng dựng đứng vì kỳ vọng vào Fed.
Giá vàng trong nước
Kết thúc phiên giao dịch 6/4, giá vàng 9999 trong nước được SJC và Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:
SJC Hà Nội: 68,15 triệu đồng/lượng - 68,82 triệu đồng/lượng
Doji Hà Nội: 68,00 triệu đồng/lượng - 68,70 triệu đồng/lượng
SJC TP.HCM: 68,15 triệu đồng/lượng - 68,80 triệu đồng/lượng
Doji TP.HCM: 68,05 triệu đồng/lượng - 68,75 triệu đồng/lượng
Giá vàng quốc tế
Đêm 6/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.920 USD/ounce. Vàng giao tháng 6 trên sàn Comex New York ở mức 1.923 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 6/4 cao hơn khoảng 1,3% (25 USD/ounce) so với đầu năm 2021. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 53,8 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 15,0 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 6/4.
|
Giá vàng chịu áp lực giảm. |
Giá vàng trên thị trường quốc tế chao đảo nhưng vẫn giữ được mốc khá cao cho dù USD tăng dựng đứng vì kỳ vọng vào Fed.
Vàng giảm giá chủ yếu do đồng USD tăng mạnh so với rổ các đồng tiền chủ chốt. Chỉ số DXY, đo lường biến động đồng USD so với 6 đồng tiền chính trên thế giới, tăng vọt lên ngưỡng 99,5 điểm.
Giới đầu tư đánh cược vào khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm phần trăm lên 0,75-1%.
Tuy nhiên, vàng vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ.
Ngành công nghiệp vàng của Nga gần đây không bán vàng sang các nước châu Âu. Do vậy, nguồn cung trên thế giới suy giảm.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đã bán ròng vàng trong hai tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, dự báo họ sẽ mua ròng. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tạo ra sự bất ổn địa chính trị đáng kể, khiến một số quốc gia đặt câu hỏi về vai trò của USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới.
Vàng biến động mạnh trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) lên kế hoạch cấm nhập khẩu than từ Nga do cuộc chiến tại Ukraine. Nhiều dự báo cho rằng, giá năng lượng sẽ tăng mạnh, qua đó làm cho lạm phát ngày càng leo thang. Nhiều người đã đưa vốn vào vàng để trú ẩn.
Trong khi đó, Fed tăng mạnh lãi suất có thể sớm làm hạ nhiệt lạm phát. Áp lực chốt lời khi vàng lên ngưỡng 1.945 USD/ounce đã nhanh chóng kéo vàng về trở lại vùng 1.920 USD/ounce.
Dự báo giá vàng
Dù giảm, về dài hạn, vàng vẫn được coi là một tài sản hấp dẫn đối với các ngân hàng trung ương đang tìm cách đa dạng hóa khỏi đồng USD. Dù vậy, một số nhà kinh tế khẳng định, phải mất nhiều thập kỷ trước khi USD mất vị thế thống trị, vì nó hiện chiếm khoảng 60% dự trữ toàn cầu.
Gần đây, chênh lệch lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm và 10 năm thu hẹp và có dấu hiệu đảo ngược. Đây là một tín hiệu cảnh báo có thể xảy ra suy thoái. Suy thoái sẽ khiến vàng trở nên hấp dẫn.
Trong tuần này, biên bản cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) từ tháng 3 sẽ được công bố. Nó sẽ tiết lộ chi tiết về kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán của Fed. Câu chuyện của vàng sẽ được cân bằng bởi tốc độ tăng lãi suất của Fed.