Giá dầu chạm đáy thấp nhất 18 năm
Giá dầu liên tục lao dốc trong suốt ngày hôm qua, khi buổi sáng mất tới 9% và giảm gấp đôi khi kết thúc phiên vào buổi chiều. Sự sụt giảm gia tăng đang phản ánh mức độ bùng phát của dịch Covid-19, đang làm nền kinh tế thế giới lao đao.
Việc giá dầu thô giảm mạnh là kết quả giữa việc nguồn cung dư thừa và nhu cầu giảm mạnh. Nó giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp dầu mỏ đang bùng nổ của Mỹ.
Đại dịch Covid-19 đã khiến du lịch toàn cầu sụp đổ, khiến ngành công nghiệp dầu mỏ cũng bị vạ lây. Vô số chuyến bay đã bị hủy, các chuyến du lịch bị huỷ bỏ, đường cao tốc vắng tanh, các nhà máy đồng loạt đóng cửa.
|
Giá dầu giảm một phân do Nga và Ả Rập Xê Út không gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng. Ảnh: CNN. |
Ngoài ra, việc Nga và Ả Rập Xê Út không đồng ý gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng vào thời điểm này cũng là một cú sốc với ngành dầu mỏ.
“Dầu cho đến nay là một trong những kênh chịu tổn hại nặng nề nhất từ sự bùng phát dịch Covid-19”, Lukman Otunuga, Chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại FXTM, nhận định.
“Dầu WTI và dầu Brent đều lao dốc 60% kể từ đầu năm 2020 và có thể nới rộng đà lao dốc khi dịch bệnh làm u tối triển vọng về nhu cầu nhiên liệu.
Đổ thêm dầu vào lửa, cuộc chiến giá dầu đang diễn ra giữa Nga và Ả Rập Xê Út đang góp phần làm tăng lo ngại về tình trạng dư cung”, ông Otunuga chia sẻ.
Nhu cầu sụt giảm, nguồn cung vẫn tăng
Việc hạn chế đi lại, và dịch bệnh ngày càng lan rộng, khiến các nhà phân tích tiếp tục dự báo bi quan về thị trường dầu mỏ.
Goldman Sachs dự báo nhu cầu dầu năm 2020 sẽ giảm 1,1 triệu thùng mỗi ngày, xuống mức thấp trong tháng 3 khi nhu cầu có thể giảm 8 triệu thùng.
Louis Dickson, nhà phân tích tại Rytas Energy thậm chí còn bi quan hơn, ông dự đoán nhu cầu năm 2020 sẽ giảm 2,8 triệu thùng mỗi ngày.
"Nhiên liệu máy bay phản lực là vấn đề lớn nhất, khi các hãng hàng không trên khắp thế giới đã ngừng các chuyến bay vì lệnh hạn chế đi lại. Giao thông hàng không thương mại toàn cầu sẽ giảm khoảng 20% trong năm nay", Rystad dự đoán.
|
Cung dư cầu khiến giá dầu chưa thể hồi phục. |
Giá dầu cũng nới rộng đà lao dốc sau khi dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa tăng 8 tuần liên tiếp.
Cụ thể, nguồn cung dầu thô tại Mỹ tăng 2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 13/03/2020, thấp hơn dự báo vọt 2,6 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts, nhưng trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 421,000 thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API).
Bên cạnh đó, EIA cũng cho biết nguồn cung xăng sụt 6,2 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn dự báo giảm 3,8 triệu thùng từ một cuộc thăm dò. Còn dự trữ các sản phẩm chưng cất mất 2,9 triệu thùng trong tuần trước, thấp hơn dự báo giảm 3,2 triệu thùng từ cuộc thăm dò của Platts.
Vì sao giá xăng trong nước không giảm xuống 5.000 đồng/lít?
Với Việt Nam, các chuyên gia nói trên báo Pháp Luật TP HCM rằng giá dầu rớt dưới 20 USD thì giá xăng Việt Nam cũng không thể ở mức hơn 5.000 đồng/lít như năm 2002. Nguyên nhân, cơ cấu thuế và chi phí xăng Việt Nam chiếm đến 56%. Chưa kể Nhà nước còn tăng quỹ bình ổn giá xăng lên.
Theo Pháp Luật TP HCM, cơ cấu giá xăng phải cõng bốn sắc thuế gồm thuế nhập khẩu 20%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10% và thuế bảo vệ môi trường là 4.000 đồng/lít.
Ngoài ra người tiêu dùng còn phải trả lợi nhuận cho các công ty xăng dầu. Tính chung, người tiều dùng phải gánh các chi phí này từ 10.000 đồng/lít.
Mới đây, chiều 15/3, giá xăng E5 giảm 2.290 đồng/lít xuống còn 16.056 đồng/lít; xăng A95 được điều chỉnh giảm 2.315 đồng/lít, còn 16.812 đồng/lít.