Cách đây không lâu, truyền thông Hàn Quốc lên tiếng và đặt nghi vấn về việc Mumuso mạo danh thương hiệu của đất nước này để bán hàng sản xuất tại Trung Quốc. Cơ quan sở hữu trí tuệ của Hàn Quốc cũng xác nhận công ty này đăng ký tại Hàn Quốc, nhưng không có bất kỳ hoạt động sản xuất nào tại đây.
Trước vụ việc này, Bộ Công Thương cũng đã lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra các hoạt động của Mumuso Việt Nam, và đến nay chưa có kết quả chính thức. Trong khi đó, doanh nghiệp này vẫn đang sống khỏe và kinh doanh thuận lợi với tổng số 32 cửa hàng trên cả nước.
Chỉ gia công tại Trung Quốc?
Trưa 7/6, dù không phải là ngày cuối tuần nhưng tại cửa hàng của công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam (Mumuso) - thương hiệu tự nhận là công ty bán lẻ hàng tiêu dùng mang phong cách Hàn Quốc, nằm trong một trung thương mại lớn trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP.HCM) vẫn nhộn nhịp người mua sắm, trong đó, phần đông là giới trẻ.
|
Hầu như 100% các sản phẩm tại cửa hàng Mumuso đều ghi xuất xứ đến từ Trung Quốc. Ảnh: P.M. |
Dừng chân khá lâu trước quầy mỹ phẩm, chăm sóc sắc đẹp của cửa hàng, Anh Thư và nhóm bạn thuộc trường đại học Ngoại Ngữ - Tin Học, đã chọn được một số món hàng yêu thích như mặt nạ, nước hoa hồng, kem dưỡng da tay.
“Chúng tôi thường sử dụng các loại sản phẩm này có xuất xứ từ Hàn Quốc vì đây là nơi rất mạnh về hóa mỹ phẩm. Các mặt hàng ở đây có hình thức rất đẹp, giá cả cũng rất tốt, tôi hay mua chúng ở các cửa hàng của thương hiệu này”, Thư nói.
Tương tự nữ sinh viên này, nhiều khách hàng trẻ cũng yêu thích mặt hàng hóa mỹ phẩm và văn phòng phẩm của Mumuso vì tin rằng chúng có nguồn gốc và xuất xứ từ Hàn Quốc.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Zing.vn, hầu hết sản phẩm được bày bán ở đây từ quần áo, phụ kiện; đồ gia dụng; thiết bị điện, điện tử; thực phẩm cho đến hóa mỹ phẩm đều ghi nơi sản xuất là Trung Quốc, bên cạnh nhãn dán ghi tiếng Anh và tiếng chi chít tiếng Hàn.
Thắc mắc về việc thương hiệu của xứ sở kim chi nhưng hàng hóa lại sản xuất ở Trung Quốc, một nhân viên bán hàng tại đây khẳng định, nguyên liệu và thiết kế đều của Hàn Quốc, nhưng sản phẩm được gia công tại Trung Quốc. Việc này khiến sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng, vừa khiến chi phí sản xuất, vận chuyển thấp hơn.
Cách đó không xa trong trung tâm thương mại này là cửa hàng của Công ty CP đầu tư thương mại Mini Số Việt Nam (Miniso) - đơn vị tự nhận là thương hiệu tiêu dùng bán lẻ có trụ sở đặt tại Nhật Bản. Tại đây, các khách hàng trẻ cũng nườm nượp ra vào, chọn mua mỹ phẩm và các mặt hàng tiêu dùng khác.
|
Hóa mỹ phẩm cũng được gắn nhãn xuất xứ từ Trung Quốc nhưng được giới trẻ ưa chuộng. Ảnh: P.M. |
Các ngành hàng của thương hiệu chuyên bán sản phẩm Nhật Bản tương tự Mumuso, là các sản phẩm về thời trang, đồ dùng gia đình, đồ điện tử, hóa mỹ phẩm.
Ngoài ra, điểm giống nhau đáng lưu ý của 2 thương hiệu này là bên cạnh nhãn ghi chi chít tiếng Nhật, tiếng Anh, bao giờ cũng đi kèm nhãn bằng tiếng Việt với thông tin: “xuất xứ Trung Quốc”, nhập khẩu và phân phối bởi Miniso hoặc Mumuso.
Mặc dù Miniso quảng cáo có hơn 80% sản phẩm đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Trung Quốc… nhưng, theo quan sát, gần như 100% mặt hàng đều ghi xuất xứ Trung Quốc.
Tuy vướng lùm xùm “treo đầu dê, bán thịt chó”, hiệu quả kinh doanh của các thương hiệu này vẫn đang rất tốt do vị trí đặt cửa hàng tiện lợi và phù hợp với nhóm khách hàng mục tiêu là giới trẻ.
Cụ thể, các khu vực tập trung đông nhóm đối tượng từ 18-35 tuổi như xung quanh các trường đại học, trung tâm thương mại, phố đi bộ… luôn có sự hiện diện của ít nhất một cửa hàng và luôn tấp nập người ra vào.
Tính đến nay, chuỗi cửa hàng của Mumuso đã mở rộng ra tới 32 cửa hàng trên khắp cả nước. Trong đó, riêng tại thị trường TP.HCM, số cửa hàng đã chiếm hơn một nửa và có đến 8 điểm kinh doanh nằm trong các trung tâm thương mại lớn. Theo kế hoạch mà Mumuso đưa ra, công ty sẽ tiếp tục phát triển lên 80 cửa hàng trong thời gian tới.
Riêng Miniso, sau 5 năm hoạt động tại Việt Nam, đến nay thương hiệu đã có tổng cộng 37 cửa hàng, trong đó, riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM chiếm hơn 2/3.
Có thực sự rẻ?
Ngoài việc gắn mác Hàn Quốc, Nhật Bản, điều tự hào của các cửa hàng này còn là cung cấp sản phẩm với giá phải chăng, giá rẻ cho khách hàng, nhất là những đối tượng trẻ.
|
Nhãn mác trên từng sản phẩm đều ghi xuất xứ từ Trung Quốc. Ảnh: P.M. |
Cụ thể, Mumuso giới thiệu các sản phẩm do công ty phân phối mang phong cách Hàn Quốc với mức giá thấp nhất là 22.000 đồng như bộ 2 móc dán tường, dụng cụ lăn bụi. Ngoài ra, các sản phẩm khác lại có giá nhích hơn từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Trong khi đó, Miniso lại đưa ra mức giá nhỉnh hơn một chút, dao động từ 43.000-420.000 đồng.
Với mức giá này, mặc dù thu hút giới trẻ, nhiều bà nội trợ lại lắc đầu bước ra cửa hàng mà không chọn một món đồ nào vì chúng đắt hơn nhiều so với hàng hóa trong siêu thị hoặc chợ truyền thống.
Chị Ngọc Diễm (35 tuổi, quận 10) cho hay các sản phẩm trong này nhìn màu sắc, thiết kế rất đẹp, trẻ trung, tuy nhiên, suy kỹ lại, số tiền bỏ ra lại không phù hợp với xuất xứ sản phẩm.
“Thấy mọi người mua đông, tôi cũng vào xem nhưng hàng nào cũng ghi sản xuất tại Trung Quốc và công ty này chỉ nhận phân phối lại. Không có một thương hiệu hay nhà sản xuất nào nào cụ thể thì làm sao yên tâm, nhất là có cả đồ chơi cho trẻ con và mỹ phẩm”, chị nói.
Chị Diễm cũng so sánh giá tiền của một số mặt hàng ở đây, đơn cử lốc khăn giấy bỏ túi Mumuso 43.000 đồng, trong khi đó, các thương hiệu Việt trong siêu thị lại có mức giá rẻ hơn nhiều.
Sản xuất tại Trung Quốc rồi xuất thẳng sang các nước
Đầu tháng 5 vừa qua, truyền thông Hàn Quốc còn cho rằng Mumuso còn mạo danh thương hiệu Hàn Quốc để bán hàng khắp thế giới. Ngoài Việt Nam, Mumuso còn hiện diện ở Philippine, Malaysia, Trung Quốc, Australia, Canada… Trong khi đó, ngay tại Hàn Quốc, doanh nghiệp này vẫn chưa có bất kỳ hoạt động nào.
Theo nhà đài MBC, rất nhiều thông tin tiếng Hàn trên các sản phẩm của Mumuso có mặt tại thị trường Việt Nam không hề có ý nghĩa hoặc không đúng với ngữ pháp ngôn ngữ của quốc gia này.
Phản hồi trước những lùm xùm về nguồn gốc, xuất xứ của Mumuso, đại diện công ty này cho biết, thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ do Cục Sở hữu trí tuệ tại Hàn Quốc cấp năm 2014.
Sau đó, doanh nghiệp thực hiện ủy quyền cho Mumuso Thượng Hải kinh doanh bao gồm cả chuyển giao công nghệ sản xuất, quản lý thương hiệu… Hiện trụ sở của Mumuso cũng được đặt tại thành phố này.
Về việc là thương hiệu Hàn Quốc nhưng chưa kinh doanh tại đất nước này, ông Nhâm Phi Khanh, Giám đốc Mumuso Việt Nam nói thị trường “mẫu quốc” có sức cạnh tranh rất lớn, do đó, khi đã lớn mạnh mới quay về phát triển.
Ông Khanh cũng cho biết thêm do không còn sản xuất tại Hàn Quốc nên hàng hóa Mumuso không đem về Hàn Quốc để kiểm nghiệm chất lượng mà xuất khẩu thẳng từ Trung Quốc đến các hệ thống trên thế giới.
Mới đây, tờ Dailyhive của Canada cũng lên tiếng khẳng định Mumuso là nhà bán lẻ đến từ Trung Quốc khi doanh nghiệp này có động thái mở cửa hàng thứ hai ở đây. Bài báo cũng nhắc đến trường hợp Miniso đang có mặt ở Canada, khi công ty này cũng có trụ sở tại Trung Quốc nhưng ghi thương hiệu đến từ Nhật Bản.