Trưa 25/4/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra thông báo hủy phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC do chỉ có một đơn vị duy nhất nộp phiếu dự thầu.
Theo thông báo trước đó, phiên đấu thầu vàng lần 3 diễn ra 9h sáng nay, khối lượng tham gia tối thiểu và tối đa mỗi thành viên là 1.400-2.000 lượng, tỷ lệ đặt cọc 10%, tương tự phiên đấu thầu ngày 23/4. Nhà điều hành không thông báo mức giá tham chiếu.
Trước đó, phiên đấu thầu đầu tiên được lên kế hoạch ra diễn ra sáng 22/4 cũng đã bị hủy do "không có đủ số thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền cọc".
Trong phiên đấu thầu đầu tiên, theo giới kinh doanh, họ không kịp chuyển tiền đặt cọc do thông báo mời thầu được gửi sát giờ đóng cửa của các ngân hàng vào thứ 6 tuần trước, nên phiên đấu thầu bị hủy.
Lần thứ hai, đấu thầu được tổ chức thành công nhưng chỉ có 2 trên 11 đơn vị trả giá với khối lượng trúng là 3.400 lượng và Ngân hàng Nhà nước còn "ế" 13.400 lượng vàng miếng. Hầu hết đơn vị tham gia "không thỏa mãn" với mức giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố khi xét tới việc phải bỏ ra lượng vốn lớn trong bối cảnh giá thế giới có xu hướng đi xuống.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang), ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng Chính phủ tổ chức đấu thầu vàng SJC là đúng, kịp thời. Tuy nhiên, quan trọng là thị trường cần phải được quản lý tốt hơn. Tất cả các điểm kinh doanh vàng phải đăng ký và quản lý chặt chẽ. Nếu quản lý chặt chẽ khối lượng giao dịch của các điểm giao dịch thì lúc đó sẽ không có tình trạng thao túng.
Với công nghệ hiện nay thì tất cả khối lượng bán ra ở các cửa hàng đều có máy cập nhật, không quá khó. Làm được việc này sẽ triệt tiêu lợi ích, động cơ không trong sáng với thị trường vàng. Khi nào nhu cầu vàng SJC quá lớn nhà nước tổ chức đấu thầu, lợi ích sẽ vào Nhà nước. Nhà nước không mong lợi ích ở đây nhưng cần bình ổn và ngăn trục lợi.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, lượng đấu thầu thành công ở mức 3.400 trên tổng số 16.800 lượng vàng không giải quyết được vấn đề bình ổn thị trường.
Theo ông Huân, phiên đấu thầu chỉ mang yếu tố tâm lý, giá tham chiếu và cả giá đấu thầu quá cao, nên không có tác dụng giúp giảm giá thị trường vàng trong nước. Giá sàn bỏ thầu là 81,3 triệu đồng. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng và giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.
Trong lần gọi thầu mới nhất sáng 25/4, Ngân hàng Nhà nước cũng chào thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC, nhưng không thông báo chi tiết giá tham chiếu.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, việc đấu thầu vàng như thông báo của Ngân hàng Nhà nước không hấp dẫn các doanh nghiệp kinh doanh vàng vào thời điểm này. Nếu muốn thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới, giá vàng đấu thầu phải thấp hơn nữa thì khi đó doanh nghiệp mới có dư địa để điều chỉnh giá.
Theo ông Phương, số lượng 3.400 lượng vàng phiên đấu thầu vàng lần đầu chỉ đủ để bù trạng thái đã bán ra chứ chưa được cung nhiều ra thị trường. Theo đó, giá vàng miếng SJC chưa thể hạ nhiệt.